Bài 2: Cắt vụ, né mặn

Bài 1: Vẫn còn dư âm

Với những dự báo về mức độ gay gắt của đợt hạn, mặn tới đây, tỉnh Tiền Giang đã chủ động, quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp né mặn.

Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ được các ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện nhằm chủ động tránh thiệt hại do hạn, mặn gây ra.

MẶN SẼ GAY GẮT?

Sống ở gần sông Cửa Đại nhiều năm, ông Hà Văn Hải (xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang) cảm nhận rõ mức độ gay gắt của hạn, mặn theo chu kỳ qua từng năm. Theo ông Hải, do độ mặn cao thời gian qua hơn mức bình thường của nhiều năm nên vụ lúa - tôm năm nay sản xuất rất khó, phải canh độ mặn thường xuyên. Tổ hợp tác Lúa tôm Phú Tân có 32 hộ thì có đến 8 hộ không triển khai thực hiện mô hình lúa - tôm năm nay và 9 hộ gieo sạ bị chết. Diện tích lúa - tôm của gia đình ông gieo sạ cũng chết một nửa, thất thu khoảng 50%. Ông Hải bày tỏ: “Năm nay, độ mặn cao hơn nhiều năm và đến sớm hơn những năm trước. Hiện 1 tháng dồn đi dồn lại nước ngọt chỉ khoảng 8 ngày thôi”.

Nông dân các huyện phía Đông, tỉnh Tiền Giang từng bước chuyển đổi từ đất lúa sang các cây trồng khác. Ảnh: Chăm sóc thanh long tại xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông.

Nhìn lại mùa hạn, mặn năm 2019 - 2020, mặn xâm nhập trên địa bàn tỉnh theo 3 hướng. Trong đó, mặn xâm nhập từ hướng sông Hàm Luông (tỉnh Bến Tre) đã ảnh hưởng trực tiếp đến vùng chuyên canh sầu riêng tại huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Mặt khác, mặn xâm nhập từ hướng này cũng làm phá chân triều khiến cống Xuân Hòa không thể lấy gạn nước ngọt để bổ cấp cho vùng Ngọt hóa Gò Công. Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Tiền Giang, tình hình xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt ở Tiền Giang trong mùa khô 2020 - 2021 sẽ không gay gắt như mùa khô 2015 - 2016. Tuy nhiên, Tiền Giang cần đề phòng xâm nhập mặn trên nhánh sông Hàm Luông lấn qua sông Tiền làm cho mặn ở khu vực cù lao Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy tăng cao, dự báo độ mặn cao nhất ở khu vực Nam cù lao Ngũ Hiệp xấp xỉ 2 g/l xuất hiện vào nửa cuối tháng 3-2021.

Thực tế cho thấy, mùa hạn, mặn vừa qua, các kinh, rạch ở các huyện phía Đông, tỉnh Tiền Giang bị khô cạn dẫn đến thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất. Việc cắt vụ không chỉ đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, mà còn hướng tới giữ nguồn nước mặt để các trạm cấp nước ở các huyện phía Đông sản xuất nước sinh hoạt phục vụ nhân dân.

Bởi thực tế cho thấy, vừa qua, có khoảng 17.650 hộ dân đã tiếp cận được hệ thống cấp nước từ trạm cấp nước nhưng không có nước để sử dụng. Nguyên nhân là bởi những hộ dân này sử dụng từ nguồn cấp nước của các doanh nghiệp còn dùng nước mặt trong vùng Dự án Ngọt hóa Gò Công.

Đánh giá về tình hình hạn, mặn trong thời gian tới, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết, theo công văn mới nhất của Bộ NN-PTNT, dự báo ranh mặn 4 g/l trên sông Tiền sẽ xâm nhập sâu vào từ 20 - 25 km trong tháng 12-2020. Trong tháng 1-2021, mặn sẽ xâm nhập vào từ 40 - 45 km trên sông Tiền và ảnh hưởng đến sản xuất. Dự kiến, với dự báo này, khoảng giữa tháng 1-2021, cống Xuân Hòa sẽ đóng ngăn mặn, lúc này vùng Ngọt hóa Gò Công sẽ bị ảnh hưởng. Độ mặn 4 g/l sẽ xâm nhập sâu từ 55 - 70 km ở thời điểm tháng 2 và tháng 3 (tới khu vực xã Tam Bình của huyện Cai Lậy). Xâm nhập mặn mùa khô năm 2020 - 2021 sớm hơn trung bình nhiều năm, nhưng không gay gắt bằng mùa khô năm 2019 - 2020.

CẮT VỤ

Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mặn, hạn gây ra, năm nay, các ngành và địa phương quyết tâm thực hiện cắt vụ lúa thu đông, chỉ gieo sạ 2 vụ lúa trong năm (hè thu muộn và đông xuân sớm). Thực tế cho thấy, mùa hạn, mặn cuối năm 2019, đầu năm 2020 đã để lại bài học đắt giá cho tỉnh, khi hàng ngàn ha lúa ở các huyện phía Đông, tỉnh Tiền Giang bị thiệt hại. Phần lớn những diện tích bị thiệt hại là do gieo sạ sau lịch thời vụ, thiếu nước tưới dẫn đến thiệt hại và ảnh hưởng đến năng suất. Để tránh lặp lại điều này, tỉnh đã kiên quyết thực hiện việc cắt vụ.

Qua ghi nhận thực tế, đến thời điểm này, hầu hết người dân các huyện phía Đông, tỉnh Tiền Giang đều tuân thủ việc cắt vụ thu đông, chỉ một số ít “cố đấm, ăn xôi”. Ông Lưu Văn Tường (ấp Thạnh Phú, xã Đồng Thạnh, huyện Gò Công Tây) cho biết, vừa qua, hạn, mặn ảnh hưởng đến khoảng 50% năng suất lúa của gia đình. “2 lần chật vật chắt nước cứu lúa rồi, giờ tôi ngán lắm. Nhà nước vận động xuống giống 2 vụ, tôi cũng như bà con nơi đây đã thực hiện theo. Đến thời điểm này, trà lúa đông xuân gần 60 ngày coi như ăn chắc, không phải chật vật như năm trước”.

Với địa hình cù lao, đợt hạn, mặn vừa qua huyện Tân Phú Đông gần như bị nước mặn bao vây. Thiếu nguồn tiếp nước ngọt dẫn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của huyện gặp khó khăn, một số diện tích mãng cầu Xiêm bị ảnh hưởng dẫn đến cây suy kiệt. Theo Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tân Phú Đông Nguyễn Văn Hải, tỉnh đã có chủ trương cho huyện xây dựng trạm bơm tại cống Lồ Ồ để kịp thời bổ cấp nước cho vùng Dự án Phú Thạnh - Phú Đông khi chân triều thấp, độ mặn cho phép. Hiện huyện đang hoàn chỉnh thiết kế để trình các sở, ngành tỉnh thẩm định.

Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây Lê Văn Nê cho biết, người dân địa phương đã đồng tình ủng hộ việc cắt vụ lúa thu đông, chỉ có một vài hộ nôn nóng nên gieo sạ 3 vụ. Sau khi thu hoạch vụ lúa đông xuân xong, nếu hộ dân nào ở gần tuyến kinh, mương sẽ chuyển sang trồng màu nếu còn nước. Hiện địa phương đang đẩy mạnh Đề án Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông.

“Nếu muốn “sống chung” với hạn, mặn, chỉ còn cách cắt vụ và chuyển đổi mùa vụ. Người dân cũng bắt đầu nhận ra vấn đề này, họ thấy cũng không cần làm tới 3 vụ. Bởi thực tế, vụ thu đông thật sự không mang lại hiệu quả, năng suất không cao. Do đó, khu nào phù hợp trồng rau màu, địa phương sẽ định hướng cho người dân chuyển đổi. Khu vực phù hợp chuyển sang cây lâu năm như: Dừa, bưởi…, địa phương sẽ vận động người dân chuyển đổi; khu nào giữ lại đất trồng lúa sẽ vận động người dân cắt vụ” - đồng chí Lê Văn Nê cho biết thêm.

Là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề do hạn, mặn mỗi năm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Gò Công Đông Nguyễn Văn Quí cho biết, vụ đông xuân năm nay, huyện xuống giống khoảng hơn 9.340 ha. Sau khi thu hoạch lúa đông xuân, đa số người dân sẽ xuống giống hoa màu, một số diện tích không đủ thời gian thì bỏ đất trống. Trong năm 2020, có khoảng hơn 1.000 ha đất lúa được người dân chuyển hẳn sang các cây trồng khác, nằm rải rác ở các xã trên địa bàn huyện. Việc triển khai cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ được người dân đồng tình hưởng ứng.

Còn theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN-PTNT) tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thiện Pháp, vụ đông xuân năm nay, các huyện phía Đông của tỉnh gieo sạ sớm hơn năm trước khoảng 1 tháng. Trong tháng 2-2021, người dân sẽ thu hoạch vụ lúa đông xuân dứt điểm. Dự kiến, sau khi thu hoạch vụ đông xuân xong thì vẫn còn nước ngọt trong vùng dự án để phục vụ sản xuất cây ăn trái. Tỉnh sẽ triển khai các điểm bơm chuyền để trữ nước phục vụ cây ăn trái và sinh hoạt cho người dân, không để xảy ra tình trạng như năm 2020. Theo đó, phương án được ngành Nông nghiệp đưa ra là lập 4 trạm bơm dã chiến ở Trạm bơm Bình Phan, rạch Sơn Quy, đầu kinh Trần Văn Dõng, đầu kinh Champeaux. Ngoài ra, đến nay Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Tiền Giang đã sửa chữa các cống đảm bảo cho việc ngăn mặn…

(Còn tiếp)

A. PHƯƠNG - M. THÀNH

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202012/noi-lo-han-man-bai-2-cat-vu-ne-man-916861/