Bài 2: Con tảo hôn, gánh nặng dồn lên cha mẹ

Những đứa trẻ chưa kịp lớn đã vội lấy vợ, lấy chồng. Những trang sách khép lại đồng nghĩa với con đường tương lai đầy chông gai. Tình trạng tảo hôn, sinh đẻ không có kế hoạch làm cho cái đói, cái nghèo cứ bám riết như con ma rừng khó đuổi.

 Bà Xồng Y Pay (xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) hiện đang một mình hằng ngày chăm nuôi 11 đứa cháu.

Bà Xồng Y Pay (xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) hiện đang một mình hằng ngày chăm nuôi 11 đứa cháu.

Mình bà chăm nuôi 11 cháu của các con tảo hôn

Xã Nậm Càn là nơi có 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Đây là một trong những xã có tỷ lệ tảo hôn cao nhất của huyện Kỳ Sơn cũng như cả tỉnh Nghệ An. Theo ông Và Bá Cha – Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Càn, số người tảo hôn trên địa bàn chiếm đến 70%.

"Xã Nậm Càn rất ít đất sản xuất, đã thế khí hậu nơi đây cũng không thật thuận lợi nên hầu hết những người trong độ tuổi lao động đều đi làm ăn xa. Giờ đi khắp các bản, chỉ thấy toàn người già và trẻ nhỏ. Có bà giờ phải nuôi đến 11 đứa cháu", ông Cha chia sẻ.

Người "bà đặc biệt" được vị Phó chủ tịch xã Nậm Càn nhắc đến là bà Xồng Y Pay. Bà Pay không biết chính xác mình năm nay bao nhiêu tuổi mà chỉ "áng chừng" ngoài 50. Chồng bà Pay mất từ lâu, một mình bà phải nuôi 5 đứa con (3 trai, 2 gái) khôn lớn. Không có điều kiện cho các con ăn học nên cứ 15-17 tuổi là các con bà Pay lần lượt lấy vợ, lấy chồng.

Bé gái tuổi còn rất nhỏ đã làm mẹ ở xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn

Bé gái tuổi còn rất nhỏ đã làm mẹ ở xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn

Ở bản đất sản xuất chẳng có nên sau khi lập gia đình, các con của bà Pay lần lượt rời bản đi làm ăn, để lại cho bà Pay những đứa trẻ. "Tôi hiện đang một mình nuôi 11 đứa cháu cả nội lẫn ngoại. Cháu lớn nhất 14 tuổi, nhỏ nhất 1 tuổi, trong đó đa số khoảng 5-6 tuổi", bà Pay chia sẻ.

Cũng theo bà Pay, mỗi đứa cháu bà đều phải đóng vai trò người mẹ từ lúc chúng mới 9-12 tháng tuổi bởi thời điểm đó các con của bà cai sữa để con lại đi làm ăn. Khoảng 10 năm nay, bà Pay gần như không có được một phút nghỉ ngơi.

"Chưa đêm nào tôi có được giấc ngủ trọn vẹn. Mấy đứa nhỏ vẫn nhớ bố mẹ nên đêm đến thường quấy khóc, nhiều lúc 3-4 đứa tranh nhau đòi bà bế khiến tôi cũng bất lực. Bữa cơm, chúng tranh nhau, đánh nhau khóc chí chóe, tôi phải rất vất vả mới dẹp yên được. Đông cháu nên nhiều hôm vào chiều tối, đếm đi đếm lại thấy thiếu lại chạy đi tìm", bà Pay kể lại.

Trong 11 đứa cháu của bà Pay, không phải đứa nào cũng khỏe mạnh. Hôm chúng tôi đến thăm, bà Pay vừa phải đưa cùng lúc 3 cháu bé đi viện khám vì sốt, quấy khóc suốt nhiều ngày. Rất may, bệnh tình các cháu không có gì nghiêm trọng, các cháu chỉ bị sốt, viêm họng và bác sĩ cho biết chỉ cần uống thuốc sẽ khỏi.

Bà Xồng Y Pay đang phải chăm sóc 11 đứa cháu nội ngoại, cháu lớn nhất 14 tuổi, nhỏ nhất 1 tuổi.

Bà Xồng Y Pay đang phải chăm sóc 11 đứa cháu nội ngoại, cháu lớn nhất 14 tuổi, nhỏ nhất 1 tuổi.

Thế nhưng, nỗi khổ lớn nhất của bà Pay là hiện có 2 cháu nhỏ đã 5 và 6 tuổi vẫn chưa biết nói. Đây cũng là 2 đứa bé thường quấy khóc nhiều nhất khiến bà Pay luôn phải bế trên tay. Thương cháu, bà Pay cũng muốn đưa đi viện để thăm khám nhưng bà không có tiền, cũng không thể để những đứa cháu khác ở nhà một mình để trong khi đó bố mẹ các cháu cũng chẳng bận tâm ngoài việc gửi tiền về đều đặn để nuôi con.

"Các con của bà Pay đều tảo hôn, chưa có được sự chín chắn khi lập gia đình nên sinh con nhưng chẳng quan tâm, chăm sóc một cách đúng mực. Cứ sau khi cai sữa, các cháu đều do một mình bà Pay nuôi nấng. Cả năm, các con bà Pay mới về vào dịp Tết nên nhiều cháu còn không biết mặt bố mẹ và vẫn gọi bà Pay bằng mẹ", chị Lầu Y Mò – Chủ tịch Hội LHPN xã Nậm Càn chia sẻ…

Cháu gọi bà bằng mẹ

Những ngày giữa tháng 6, trời nóng hầm hập, trong căn nhà lợp gỗ, chiếc quạt cũ chạy ì ạch không đủ mát nên bà Xồng Y Chư phải dùng chiếc mũ phe phẩy cho đàn cháu ngủ. Giống như nhiều thế hệ phụ nữ người Mông sống dưới chân núi Pu Xai Lai Leng cao hơn 2.700m này, bà Chư không nói được tiếng Kinh và cũng chẳng biết mình bao nhiêu tuổi. Chúng tôi nói chuyện với bà nhờ "thông dịch viên" là chị Lầu Y Mò – Chủ tịch Hội LHPN xã Nậm Càn (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An).

Các con đi làm ăn xa, bà Chư cũng đang phải nuôi 6 đứa cháu nhỏ.

Các con đi làm ăn xa, bà Chư cũng đang phải nuôi 6 đứa cháu nhỏ.

Bà Chư có 5 con, 3 trai 2 gái. Các con của bà Chư đều lấy vợ, lấy chồng từ độ 15 tuổi. Hầu hết đang đi học cấp THCS, rồi lấy vợ, lấy chồng nên bỏ học. Sinh con, những người bố, người mẹ "nhí" ấy sớm rời bản vào miền Nam mưu sinh.

Hôm đến chơi nhà bà Chư, tôi ngạc nhiên khi bé Vàng Hoa Anh (4 tuổi) gọi bà bằng mẹ. Theo bà Chư, bố mẹ Hoa Anh rời bản đi làm ăn xa từ lúc bé còn ẵm ngửa. Bố mẹ đã đi 3 năm nay nên bé không nhớ mặt, cứ tưởng bà là mẹ. Dù đã giải thích nhưng cháu đâu đã đã hiểu nên… cứ để cháu gọi vậy.

"Tôi đang nuôi 6 đứa cháu nội. Tất cả những đứa trẻ này tôi đều nuôi từ khi 9 tháng tuổi - thời điểm mẹ chúng nó cai sữa. Đến nay đứa lớn nhất đã 10 tuổi rồi. Các con tôi làm thuê tận Bình Phước nên Tết mới về. Tôi gần như không làm được việc gì ngoài chăm lo cho đàn cháu. Cũng may bây giờ cháu nhỏ nhất cũng đã 3 tuổi, có thể tự ăn cơm, tự tắm rửa nên cũng đỡ", bà Chư chia sẻ.

Bé gái được bà Chư nuôi từ khi cai sữa mẹ đến nay

Bé gái được bà Chư nuôi từ khi cai sữa mẹ đến nay

Bây giờ, việc quan trọng nhất của bà Chư mỗi ngày là thổi sẵn một nồi cơm thật to, chẳng cần phải chỉ bảo, mấy đứa cháu nhỏ cứ chơi lăn lóc ở con dốc dưới bản, lúc nào thấy đói lại tự về xới ăn. Những bát cơm trắng chẳng có lấy một tẹo thức ăn nhưng chúng ăn rất ngon lành. Ấm bụng, chúng lại lăn ra ngủ.

Bà Chư bảo, gia đình bà trước đây là "hộ nghèo truyền kiếp", thế nhưng mấy năm nay nhờ các con đi làm ăn xa nên khi về cũng sắm được vài vật dụng, có lẽ vì thế mà mới đây gia đình bà đã… vươn lên thành hộ cận nghèo.

Chị Lầu Y Mò, Chủ tịch Hội LHPN xã Nậm Càn, nói rằng, dù đã tuyên truyền rất nhiều, bằng nhiều hình thức khác nhau nhưng vấn nạn tảo hôn ở xã Nậm Càn vẫn chưa giảm, năm 2022 xã này đứng đầu huyện Kỳ Sơn khi có đến 42 trường hợp tảo hôn. Năm 2023 có giảm khi số người tảo hôn còn 34 nhưng vẫn là tốp đầu của huyện.

Chủ tịch UBND xã Nậm Càn Xồng Bá Lầu nói rằng, trước đây người Mông có quan niệm lấy vợ sớm để có thêm người làm, vừa sớm sinh con đẻ cái, có thêm nhiều lao động. Tuy nhiên, quan niệm này giờ đã thay đổi nhưng… tình trạng tảo hôn vẫn không giảm. Vì sao?

(Còn nữa)

Minh Châu

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/bai-2-con-tao-hon-ganh-nang-don-len-cha-me-20240620103055389.htm