Bài 2: Đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa các công trình

Mặc dù các hệ thống công trình thủy lợi đã phát huy hiệu quả trong phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh nhưng hiện nay cũng đang đối mặt với những thách thức do xuống cấp, hư hỏng. Thậm chí một số công trình không còn đáp ứng yêu cầu vận hành an toàn trong bối cảnh biến đổi khí hậu và mưa, lũ cực đoan gia tăng.

Cánh đồng Mường Thanh được tưới nước từ công trình đại thủy nông Nậm Rốm.

Cánh đồng Mường Thanh được tưới nước từ công trình đại thủy nông Nậm Rốm.

Các công trình thủy lợi đang bảo đảm tưới chủ động cho 7,26 triệu ha lúa/năm; cấp nước tưới 1,665 triệu ha cây hằng năm, 950 nghìn ha cây lâu năm, 686.600 ha nuôi trồng thủy sản và 6,5 tỷ m³ nước cho sinh hoạt và công nghiệp. Đồng thời, bảo đảm tiêu nước cho khoảng 2 triệu ha đất sản xuất và đô thị; kiểm soát mặn, giữ ngọt cho 1 triệu ha đất vùng cửa sông, ven biển.

Bộc lộ nhiều bất cập

Hiện nay, cả nước có khoảng 86.202 công trình thủy lợi các loại cùng hệ thống kênh mương dài gần 291.000 km. Đặc biệt, hệ thống đê điều với chiều dài hơn 9.000 km, tạo thành lá chắn quan trọng bảo vệ dân cư và đất sản xuất trước tác động của lũ, lụt, triều cường, nước biển dâng. Các công trình thủy lợi đã hình thành nên hơn 900 hệ thống thủy lợi có quy mô phục vụ từ 200 ha trở lên. Hệ thống công trình thủy lợi lớn chủ yếu tập trung tại các vùng Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long, Trung Bộ.

Tuy nhiên, qua rà soát, cả nước có 670 hồ chứa nước bị hư hỏng, xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa, lũ và làm suy giảm năng lực tưới, tiêu nước. Cùng với đó là hàng nghìn cống điều tiết, trạm bơm, đập dâng, kênh mương đất bị hư hỏng. Đáng lưu ý, nhiều công trình được xây dựng đã lâu nhưng chưa được nâng cấp, duy tu bảo dưỡng, có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến hàng trăm nghìn héc-ta đất sản xuất nông nghiệp, nhất là các vùng thường xuyên bị hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn như: Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Cùng với đó, sự thiếu hụt các hạng mục quan trắc tự động và hệ thống điều khiển hiện đại khiến nhiều công trình phải vận hành thủ công, điều tiết chưa linh hoạt, trong khi thời tiết ngày càng cực đoan. Đồng thời, phần lớn kênh mương thiếu kiên cố cũng làm giảm hiệu suất tưới, tăng chi phí sản xuất và gây lãng phí tài nguyên nước, nhất là khu vực Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên, nơi phần lớn tập trung các hồ chứa, đập dâng, mương dẫn quy mô nhỏ lẻ, thiếu kết nối liên vùng và khó quản lý tập trung.

Tại tỉnh Nghệ An, hệ thống các công trình thủy lợi chủ yếu là nhỏ lẻ, xây dựng lâu đã bị xuống cấp. Theo Trạm trưởng trạm bơm Hưng Châu Lê Văn Hùng: “Trạm có sáu máy bơm tiêu úng cho 2.500 ha đất sản xuất và hai máy bơm chống hạn. Đến nay, bốn máy bơm hư hỏng hoàn toàn, số còn lại hoạt động được 60 đến 70% công suất và chỉ dành cho tiêu úng.

Vì vậy, đơn vị lắp đặt năm máy bơm dã chiến tại trạm bơm Sông Rum để bảo đảm chống hạn nhưng cũng hoạt động 10 năm nay nên một máy bị hỏng”. Còn theo Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Nghệ An Tạ Duy Hiền, hiện đơn vị đang quản lý hai cống bara ngăn mặn, giữ ngọt nhưng đều xuống cấp nghiêm trọng. Trong đó, cống bara Bến Thủy vừa xảy ra gãy càng cửa cung, mất khả năng vận hành, nguy cơ mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, gián đoạn bơm tưới, ảnh hưởng trực tiếp sinh kế của hàng chục nghìn hộ dân và gia tăng rủi ro úng ngập cục bộ nếu xảy ra mưa lớn bất thường.

Công trình đại thủy nông lớn nhất Nghệ An Bản Mồng với dung tích hồ chứa 225 triệu m3 nước đã được khởi công với kỳ vọng khi đi vào sử dụng cung cấp nước tưới gần 19.000 ha đất sản xuất, cấp nước cho sông Cả vào mùa cạn để chống hạn vùng hạ du. Tuy nhiên, sau 15 năm khởi công xây dựng, đến nay công trình vẫn đang dở dang gây lãng phí tài nguyên, ảnh hưởng đời sống người dân vùng dự án.

Phó Cục trưởng Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi Nguyễn Hồng Khanh cho rằng: “Ngoài những khó khăn, thách thức nêu trên, bão số 3 (Yagi) năm 2024 cũng đã bộc lộ nhiều bất cập của hệ thống thủy lợi, năng lực dẫn nước của kênh mương không tốt do xuống cấp, bờ kênh thấp, không đủ cao trình thiết kế và nhiều vị trí bị sụt, sạt. Đơn cử, riêng hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải có hơn 260 điểm bị rò rỉ, thẩm lậu, khoảng 33 km kênh bị tràn bờ. Cùng với đó, quá trình đô thị hóa và phát triển hạ tầng diễn ra với tốc độ cao đã làm gia tăng nhu cầu tiêu úng, vượt quá năng lực tiêu thoát của nhiều hệ thống thủy lợi”.

Tăng cường kết nối vùng-lưu vực

Đại diện Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi cho biết, để phát huy hiệu quả hệ thống thủy lợi trong giai đoạn mới đòi hỏi cần có chiến lược đầu tư đồng bộ, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ số và tăng cường kết nối vùng-lưu vực nhằm nâng cao năng lực điều phối, khai thác, thích ứng biến đổi khí hậu.

Để phát huy hiệu quả hệ thống thủy lợi trong giai đoạn mới đòi hỏi cần có chiến lược đầu tư đồng bộ, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ số và tăng cường kết nối vùng-lưu vực nhằm nâng cao năng lực điều phối, khai thác, thích ứng biến đổi khí hậu.

Phó Cục trưởng Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi Nguyễn Hồng Khanh

Xây dựng công trình thủy lợi cần đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cả về số lượng và chất lượng cho tất cả các ngành kinh tế, lĩnh vực, gắn với bảo vệ môi trường, sinh thái, bảo đảm an ninh nguồn nước. Mặt khác, cần nghiên cứu, đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi lớn, có tính chất liên vùng, liên tỉnh, đa mục tiêu. Từ đó, hình thành mạng liên kết nguồn nước để chủ động tích trữ, điều hòa, cân đối nguồn nước, bảo đảm nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của từng vùng, từng địa phương; từng bước phát triển thủy lợi thông minh, hiện đại, ứng dụng các công nghệ số.

Nhìn từ thực tế tại địa phương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Điện Biên Lê Xuân Cảnh cho rằng: “Do điều kiện địa hình, địa phương chỉ có từ 3 đến 5% diện tích đất nông nghiệp nằm ở các thung lũng, sườn đồi thấp, có thể tận dụng trồng lúa, còn lại hầu hết là các sườn đồi có độ dốc cao, chỉ phù hợp các loại cây công nghiệp.

Ngành nông nghiệp và môi trường tỉnh đã đề xuất giải pháp bảo đảm nước tưới cho cây trồng trên đất dốc theo cụm, vùng, khu vực bằng việc xây dựng công trình thủy lợi lớn trên cao. Trong đó, tỉnh đang chuẩn bị đầu tư dự án hồ chứa nước Sái Lương với dung tích 6,2 triệu m3, bảo đảm cấp nước tưới cho 21.000 ha cây mắc-ca và tạo nguồn nước sinh hoạt cho 35 nghìn hộ dân”.

Hiện nay, hệ thống công trình thủy lợi tại tỉnh Đồng Tháp cơ bản bảo đảm phục vụ tưới, tiêu cho khoảng 436.000 ha đất nông nghiệp. Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lê Hà Luân, một số vùng quy hoạch công trình thủy lợi chưa đồng bộ, dàn trải cho nên chưa khai thác hết hiệu năng, hiệu suất. Mặt khác, tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai cực đoan, không theo quy luật đã gây áp lực lớn lên các công trình; một số địa phương để người dân lấn chiếm, xâm phạm hành lang bảo vệ, làm ảnh hưởng tuổi thọ công trình.

Vì vậy, thời gian tới, tỉnh sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả các công trình thủy lợi, như: Rà soát và thực hiện phân cấp quản lý công trình thủy lợi phù hợp từng cấp độ, nhất là đối với chính quyền hai cấp như hiện nay; quy hoạch thủy lợi bảo đảm tính liên vùng, thích ứng biến đổi khí hậu và phù hợp quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long; tăng cường xã hội hóa để nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống công trình thủy lợi, trong đó ưu tiên vùng dự án ngọt hóa Gò Công. Ngành cũng tập trung nâng cấp, duy tu các công trình thủy lợi hư hỏng, xuống cấp; áp dụng các công nghệ viễn thám, GIS, IoT, điều khiển thông minh, vận hành tự động để tăng cường giám sát, quản lý vận hành các công trình thủy lợi hiệu quả

HÙNG CHÂU và LAN SỰ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/bai-2-dau-tu-nang-cap-hien-dai-hoa-cac-cong-trinh-post896750.html