Bài 2: Hơn 40 năm vẫn chưa rõ tung tích quân nhân Phạm Văn Sum

Một ngày cuối tháng 10 của hơn 40 năm về trước, cùng với nhiều thanh niên trong xã, người lính ấy lên đường đánh giặc trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam…

Ông Trần Nuôi – nhân chứng liên quan đến trường hợp quân nhân Phạm Văn Sum.

Ông Trần Nuôi – nhân chứng liên quan đến trường hợp quân nhân Phạm Văn Sum.

Cho đến nay, dù chiến tranh đã kết thúc, biên giới đã yên tiếng súng, chiến hào xưa giờ hóa ruộng rẫy, nhưng gia đình, người thân, bạn bè, đồng đội… vẫn không có bất cứ thông tin nào về anh. Sự mất tích của người lính ấy bí hiểm gần giống như trong phim… Tên anh là Phạm Văn Sum, nhà ở xã Tân Hưng, huyện Tân Châu.

Người lính ấy giờ đang ở đâu

Hơn 9 năm trước, nhóm phóng viên gặp ông Phạm Văn Cò (anh ruột quân nhân Phạm Văn Sum), ông kể: “Tôi nhớ không lầm thì em trai tôi sinh khoảng năm 1955 hoặc 1956. Già rồi, lúc nhớ lúc quên, tôi không mong chờ chế độ gì hết, tôi chỉ có một điều ước là muốn biết được số phận về người em trai, không biết chú nó còn sống hay đã chết”.

Dáng người gầy gò, ánh mắt đau khổ, nếp da nhăn của người già xô lại với nhau, ông Cò cho biết, gia đình ông vốn là Việt kiều Campuchia hồi hương về Tây Ninh khi cuộc kháng chiến chống Mỹ còn chưa kết thúc. Ba mẹ ông sinh được 6 anh em, ông là người lớn nhất.

Một ngày khoảng năm 1976 hoặc 1977, em trai ông- anh Phạm Văn Sum lên đường nhập ngũ, lúc ấy gia đình có ra tận UBND xã Tân Hưng đưa tiễn. Bấy giờ, do tính chất của quân đội, gia đình ông chỉ được biết rằng, anh Phạm Văn Sum đi đánh giặc ở biên giới, còn đánh ở đâu thì không rõ.

Sau khi vào quân đội được một thời gian, anh Sum có về thăm gia đình được một lần, lúc này người nhà mới biết anh đóng quân tại xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên. Vận hết khả năng trí nhớ của một người lớn tuổi, ông Cò nói rằng, hình như em trai ông được biên chế trong một đơn vị pháo cối, đánh nhau với giặc Khmer Đỏ tại xã biên giới Hòa Hiệp, nơi chỉ cách đất nước Campuchia một con sông.

Chiến tranh kết thúc, ba mẹ, anh em ngày ngày ngóng trông tin tức về người lính Phạm Văn Sum, nhưng “mẹ tôi chờ hết mùa vụ này sang mùa vụ khác mà chú nó vẫn chưa về”. Theo lời kể của ông Cò, khi thấy con em trong xã đi bộ đội cùng đợt với Sum lần lượt trở về quê hương, ba mẹ ông có đến nhà họ để hỏi thăm tin tức về người con trai.

Tuy nhiên, trong chiến tranh, mỗi người có một hoàn cảnh, điều kiện công tác riêng nên không ai biết được Sum đang ở đâu. Vẫn theo lời ông Cò, sau khi đã chờ hết năm này qua năm khác vẫn không thấy con trai về, ba mẹ ông đã tìm đường lên Huyện đội tìm hiểu tung tích người con trai yêu dấu. Tại đây, hai ông bà chỉ nhận được câu trả lời là “để chúng tôi tìm cho”. Do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, phương tiện đi lại không có, hai ông bà chỉ lên huyện hỏi được hai lần rồi sau đó không đi nữa.

Một trong những khó khăn khi tìm hiểu về trường hợp người lính Phạm Văn Sum mà chúng tôi gặp phải là gia đình không còn tấm ảnh nào của anh. Sổ hộ khẩu và các giấy tờ tùy thân có liên quan cũng không nốt, những giấy tờ cũ mối đã ăn sạch hoặc thất lạc.

Nói ngắn gọn: gia đình không còn bất kỳ một thông tin nào, dù là ít ỏi nhất về anh Sum. Vì thế, một câu hỏi đặt ra: có thật là có một người lính tên Phạm Văn Sum hay không, anh này có tham gia cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam hay không?

Ông Trần Nuôi (nhân chứng) và bà Việt, chị dâu Phạm Văn Sum.

Gia đình chờ quá lâu rồi

“Chúng tôi nhập ngũ ngày 24.10.1977. Tôi với thằng Sum ở chung một khẩu đội - đơn vị cối 82 ly, đóng quân tại ngã tư xã Hòa Hiệp, cách bờ sông khoảng 800 mét”- ông Trần Nuôi (ấp Tân Đông, xã Tân Hưng) nhớ từng chi tiết.

Theo ông Nuôi, sau khi nhập ngũ, tân binh như ông và anh Sum được huấn luyện 3 tháng tại Huyện đội Tân Biên (lúc bấy giờ huyện Tân Châu chưa thành lập). Huấn luyện cho các tân binh là một sĩ quan giữ chức vụ đại úy, tên Bình. Sau đợt huấn luyện, toàn đơn vị được chia làm 3 khẩu đội, ông Nuôi và anh Sum ở chung khẩu đội 3.

“Tôi được giao mang thước ngắm, thằng Sum được phân công mang bàn đế của súng cối”- ông Nuôi nhớ lại thời dưới chiến hào chống quân Pol Pot - Ieng Sary. “Nếu tôi nhớ không lầm thì thằng Sum mất tích tại ngã tư xã Hòa Hiệp vào khoảng tháng 10.1978, tức là vừa tròn 11 tháng kể từ ngày nhập ngũ”- ông Nuôi nói tiếp.

Về hoàn cảnh mất tích của anh Sum, ông Nuôi chỉ biết, lúc ấy ông có việc phải về Huyện đội Tân Biên công tác 3 ngày, đến khi quay lại thì Sum đã biến mất. Đơn vị tưởng rằng Sum vì “dao động, không kiên định lập trường, chưa thông tư tưởng” nên bỏ đơn vị, bèn giao cho ông Nuôi về địa phương tìm.

Tuy nhiên, hoàn toàn không có chuyện Sum bỏ đơn vị về nhà. Theo ông Nuôi, lúc bấy giờ dù gian khổ và thiếu thốn song tinh thần chiến đấu của anh em rất cao, không một ai trong khẩu đội 3 của ông có dấu hiệu bất thường.

“Chỉ có duy nhất một người “lỡ dại” trốn về thăm người yêu một lần, còn anh em đều chấp hành nghiêm chỉnh kỷ luật của quân đội”- ông Nuôi cho biết thêm. “Tính tình thằng Sum mộc mạc, hòa đồng, nó lại chưa yêu ai nên không có chuyện nó bỏ trốn để về thăm người yêu đâu”- ông Nuôi nói về người bạn. “Khẩu đội chúng tôi chiến đấu, chạm súng cả ngày lẫn đêm với quân Pol Pot. Theo nhận định của cá nhân tôi, rất có thể Sum đã bị quân địch bắt được và đem bắn hoặc đạp trúng mìn”- ông Nuôi nêu giả thuyết.

Khi được hỏi về khả năng anh Sum vượt biên, bỏ hàng ngũ, ông Nuôi cho rằng khó xảy ra, vì nếu có làm như thế và còn sống thì đến nay Sum vẫn có thể về sum họp với gia đình, không ai bỏ được cha mẹ cả.

Ông Nuôi cho biết, lúc còn sống, mẹ của Sum thường đến nhà ông và chỉ hỏi đi hỏi lại một câu: "Cháu đi với con bác, cháu về đây, thế còn con trai bác đâu? Theo tôi, đã đến lúc các cơ quan phải xem xét lập danh sách và làm chế độ cho gia đình anh Sum. Cuộc chiến kết thúc đã 35 năm rồi, khi Sum đi cha mẹ còn, giờ cả hai ông bà đã khuất núi. Tôi sẵn sàng đứng ra xác nhận trường hợp của bạn tôi”- ông Nuôi quả quyết.

Thời điểm năm 2014, trường hợp quân nhân Phạm Văn Sum có nhiều nhân chứng, đến nay (2023) người còn người mất. Năm 2014, ông Nguyễn Văn Khanh (thường gọi Mười Khanh), trước đây ngụ xã Thạnh Bình, huyện Tân Biên, đã chuyển về sinh sống ở tỉnh An Giang. Ông Khanh cho biết, ông nhập ngũ năm 1977 cùng với Phạm Văn Sum.

Năm 1979, hai người sang Campuchia và ở chung một đơn vị (gọi là Đại đội 1) chiến đấu tại tỉnh Kampong Cham. “Lâu quá rồi, tôi không còn nhớ rõ chính xác ngày tháng, hình như là tháng 8 hoặc tháng 10 năm 1979. Tôi chỉ nhớ là khi anh em lên xe trời đổ một cơn mưa rất lớn”- ông Khanh kể.

Trong một trận đánh diễn ra hết sức ác liệt, Phạm Văn Sum trúng đạn ở vùng bụng. “Hình như thằng Sum bị thương ở phía bên hông trái, máu ra rất nhiều”- ông Khanh nói. Sau khi bị thương, Phạm Văn Sum được quân y tiền phương đưa về phía sau, còn ông Khanh tiếp tục đánh nhau với địch.

Đến khi trận đánh kết thúc thì ông Khanh cũng không biết bạn mình ở đâu, kể từ đó hai người bặt tin. Sau này, Đại đội 1- nơi ông Khanh và Phạm Văn Sum từng ở chung giải tán và sáp nhập vào Sư đoàn 310.

Theo nhận định của cá nhân ông Khanh, có thể Phạm Văn Sum đã hy sinh vì vết thương rất nặng. Ông Khanh cũng cho biết, nếu các cơ quan hữu quan xem xét, làm hồ sơ cho Phạm Văn Sum thì ông sẵn sàng xác nhận cho bạn mình.

Trong một danh sách được lập vào năm 2009 bởi Bộ CHQS tỉnh Tây Ninh về trường hợp những quân nhân thuộc diện mất tin, mất tích, không có ai tên Phạm Văn Sum.

Ngày 16.7.2023, ông Trần Nuôi- Ủy viên Ủy ban MTTQ tỉnh, cựu chiến binh, đảng viên (nhân chứng) hiện sống tại xã Tân Hưng một lần nữa xác nhận ông cùng Phạm Văn Sum tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và đề nghị các cơ quan liên quan xác minh, làm rõ thân phận Phạm Văn Sum.

Việt Đông - Hoàng Yến

(Còn tiếp)

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/bai-2-hon-40-nam-van-chua-ro-tung-tich-quan-nhan-pham-van-sum-a161391.html