Bài 2: Tiết học biên cương

Sau một năm học triển khai, tiết học đã mang lại hiệu quả tích cực trong công tác bồi dưỡng, giáo dục tình yêu quê hương, lòng yêu nước, tự hào về toàn vẹn lãnh thổ trong lớp đội viên, học sinh vùng biên giới.

Đường biên, cột mốc là ranh giới, vật thể biểu trưng quan trọng đánh dấu chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Để các em thanh thiếu nhi thêm yêu từng cột mốc, tấc đất biên cương, Huyện đoàn Tân Biên đã triển khai thực hiện mô hình “Tiết học biên cương” trong năm học 2023-2024. Sau một năm học triển khai, tiết học đã mang lại hiệu quả tích cực trong công tác bồi dưỡng, giáo dục tình yêu quê hương, lòng yêu nước, tự hào về toàn vẹn lãnh thổ trong lớp đội viên, học sinh vùng biên giới.

 “Tiết học biên cương” đã để lại cho các em đội viên nhiều cảm xúc.

“Tiết học biên cương” đã để lại cho các em đội viên nhiều cảm xúc.

Hiểu về biên giới, thêm yêu quê hương

Tại Trường tiểu học Hòa Hiệp, một ngày gần cuối năm học, “Tiết học biên cương” được Liên đội trường phối hợp với Chi đoàn Đồn Biên phòng Lò Gò tổ chức. Dưới sự giảng dạy tận tình, vui nhộn của Thiếu tá Lê Tấn Bạc- Chính trị viên phó, Bí thư Chi đoàn Đồn Biên phòng Lò Gò, những thông tin về đường biên, cột mốc trên địa bàn tỉnh, huyện Tân Biên và xã Hòa Hiệp đã được triển khai tới các em một cách dễ hiểu, cụ thể. Tiết học được các em nhiệt tình đón nhận.

Bên cạnh học lý thuyết, các em đội viên Trường tiểu học Hòa Hiệp còn được học bằng hình thức trực quan sinh động như xem video clip tư liệu về đường biên giới, cột mốc; tham quan thực tế tại cột mốc đôi 133(2) tại Trạm kiểm soát biên phòng Hòa Hiệp thuộc Đồn Biên phòng Lò Gò quản lý; tham gia trả lời câu hỏi giúp các em tiếp thu những kiến thức mới một cách hiệu quả.

Theo Thiếu tá Lê Tấn Bạc, qua một buổi tuyên truyền, các cháu đã hiểu biết hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng của đường biên giới quốc gia. “Nghe các cháu trả lời đúng những thông tin cơ bản như “Đồn Biên phòng Lò Gò quản lý đoạn biên giới tiếp giáp với nước bạn Campuchia dài 14,917 km”; “Đồn Biên phòng Lò Gò đóng quân trên địa bàn xã”; “Trên địa bàn có bao nhiêu chốt, trạm kiểm soát biên phòng, cột mốc biên giới”... tôi cảm thấy rất vui và tự hào vì có thể truyền dạy kiến thức và tình yêu biên giới cho các cháu”.

Sau buổi học và tham quan thực tế, dẫu nhễ nhại mồ hôi nhưng các cô bé, cậu bé rất hào hứng vì lần đầu được đến tận nơi, thấy tận mắt và sờ tận tay vào cột mốc biên giới bằng đá hoa cương mát lạnh. Tiết học đã để lại cho các em đội viên nhiều cảm xúc. Phấn khởi khi được tham quan cột mốc biên giới, em Lê Quốc Thịnh, lớp 4A chia sẻ: “Con rất thích tiết học này vì con được gặp, được nghe các chú bộ đội giảng về những điều mới lạ và thú vị. Con còn được đi tham quan thực tế cột mốc ngay tại xã mình. Tiết học này đã giúp con hiểu biết hơn về cột mốc, biên giới. Qua đó, con cảm thấy thêm yêu quê hương mình, thêm yêu hình ảnh chú bộ đội làm việc bảo vệ Tổ quốc. Con muốn được tham gia thêm nhiều tiết học như vầy để có hiểu biết sâu rộng hơn”.

Cô bé Diệp Diễm Hằng, lớp 4A cũng bày tỏ niềm vui khi được tham gia lớp học: “Trong tiết học, con xung phong trả lời câu hỏi về đường biên giới và cột mốc, con cảm thấy rất vui vì đã trả lời đúng. Sau tiết học, con hiểu rõ hơn về ý nghĩa và tầm quan trọng của cột mốc và đường biên giới, những điều mà trước nay con chưa được nghe qua. Con cũng rất vui vì được gặp các chú bộ đội đang làm nhiệm vụ ở các trạm, đồn biên phòng; được đến tham quan các cột mốc thật chứ không phải chỉ nhìn qua tranh ảnh nữa. Con sẽ cố gắng học tập tốt để có thể góp sức bảo vệ đất nước mình”.

Được biết, đây đã là tiết học biên cương thứ 3 được triển khai tại Liên đội Trường tiểu học Hòa Hiệp. Thầy Huỳnh Dương Hải- giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường tiểu học Hòa Hiệp cho biết, từ đầu năm học 2023-2024, Liên đội đã tham mưu nhà trường tổ chức các tiết học biên cương với hình thức lồng ghép vào tiết sinh hoạt đầu tuần, tuyên truyền tại lớp học, tham quan thực tế cột mốc trên địa bàn. “Lứa tuổi thiếu nhi là lứa tuổi tiếp thu rất tốt, vì vậy công tác bồi dưỡng diễn ra rất thuận lợi, tạo được hiệu quả tích cực trong công tác giáo dục, bồi dưỡng về tình yêu biên giới. Những năm học tới, Liên đội trường sẽ tiếp tục duy trì và phát huy tốt hơn “Tiết học biên cương” này”- thầy Hải chia sẻ.

Các em đội viên, học sinh Trường tiểu học Hòa Hiệp trong “Tiết học biên cương” do Thiếu tá Lê Tấn Bạc giảng dạy.

Các em đội viên, học sinh Trường tiểu học Hòa Hiệp trong “Tiết học biên cương” do Thiếu tá Lê Tấn Bạc giảng dạy.

Tăng cường giáo dục, bồi dưỡng tình yêu biên cương

Chị Nguyễn Thị Cúc- Bí thư Huyện đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội huyện Tân Biên cho biết, mô hình “Tiết học biên cương” được Hội đồng Đội huyện triển khai từ năm học 2022-2023. Mô hình được nhen nhóm ý tưởng từ thực tiễn sau chương trình “Học kỳ trong quân đội”.

Nhận thấy sự hào hứng khi tham gia những hoạt động tương tác cùng các chú bộ đội; sự thích thú khi được tìm hiểu về ý nghĩa, tầm quan trọng của đường biên giới, cột mốc quốc gia của các em học sinh, năm học 2023-2024, Huyện đoàn phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo, các đồn biên phòng trú đóng trên địa bàn huyện triển khai mô hình này đến 100% liên đội trên toàn huyện. Đây cũng là một trong những mô hình điểm của huyện hưởng ứng cuộc vận động “Tự hào một dải non sông” do Trung ương Đoàn phát động.

Kết thúc năm học 2023-2024, Hội đồng Đội huyện hoàn thành mục tiêu tổ chức 31/31 tiết học ngoại khóa tham quan giới thiệu trực tiếp về cột mốc, đường biên giới, truyền tải đến học sinh những kiến thức cơ bản về chủ quyền biên giới; công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, công tác quản lý, bảo vệ biên giới, các quy chế, hiệp định về biên giới… với sự tham gia của hơn 3.000 đội viên, học sinh.

Bên cạnh đó, Hội đồng Đội huyện tăng cường phối hợp các đơn vị tổ chức 120 cuộc tuyên truyền về các cột mốc và chủ quyền biên giới quốc gia với nhiều hoạt động mang ý nghĩa thiết thực như: chương trình “Thiếu nhi Tân Biên với chủ quyền biên giới” thu hút hơn 15.000 lượt đội viên, thiếu nhi tham gia; phát động tuần lễ “Liên đội em treo bản đồ Tổ quốc” tại 31/31 liên đội trên địa bàn huyện; tổ chức lễ kết nạp đội viên tại cột mốc biên giới nhân dịp phát động cao điểm kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, qua đó bồi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước, chủ quyền biên giới.

“Qua một năm học triển khai mô hình rất ý nghĩa và thiết thực này, các em đội viên, học sinh trên địa bàn huyện đã hiểu được các khái niệm về phân giới cắm mốc. Các em cũng hiểu được nhiệm vụ khó khăn, gian khổ của các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại biên giới. Hội đồng Đội huyện xác định sẽ tiếp tục triển khai mô hình ý nghĩa này trong thời gian tới”- chị Cúc nói.

Đồng tình với việc này, Thiếu tá Lê Tấn Bạc cho biết thêm, việc giáo dục để các cháu hiểu biết thêm về đường biên giới quốc gia là nhiệm vụ rất quan trọng trong thời gian tới. Trước tình hình biên giới càng ngày càng phức tạp, không chỉ riêng Bộ đội Biên phòng mà tất cả chúng ta, các ngành từ Trung ương đến địa phương cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền về biên giới quốc gia đến các tầng lớp nhân dân. Để từ đó, mọi người hiểu và nhận thức đúng, góp phần giữ vững an ninh biên giới của Tổ quốc. Chúng ta cần làm tốt hơn nữa công tác phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân- nhất là ở khu vực biên giới để bảo vệ cột mốc và giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Ngọc Bích - Vi Xuân

(Còn tiếp)

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/bai-2-tiet-hoc-bien-cuong-a173412.html