Bài 2: Vạch trần đường đi của những tờ giấy khám sức khỏe 'chớp nhoáng' tại Đắk Lắk

Trên giấy khám sức khỏe để đi học bằng lái xe ô tô, phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân ghi nhận thực tế, trải nghiệm với quy trình khám chớp nhoáng, thậm chí nhiều danh mục không được khám, thế nhưng vẫn có đầy đủ các kết luận, chữ ký bác sĩ, con dấu phòng khám với các hạng mục khám lâm sàng, cận lâm sàng.

Vạch trần quy trình “khám cho có lệ”

Như Báo Đại biểu Nhân dân phản ánh trong bài trước, sau cuộc trao đổi giữa một người đàn ông tự xưng là thầy giáo của một trung tâm dạy lái ô tô với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân vàotối 11.6.2024 về việc nhờ làm giấy khám sức khỏe để đi học lái ô tô. Đúng như lời hẹn, sáng 12.6.2024, phóng viên liên lạc lại và được người này hướng dẫn đến một phòng khám có tên Phòng khám Đa khoa chất lượng cao Sài Gòn tại số 55 - 57 Ngô Quyền, TP. Buôn Ma Thuột để gặp một phụ nữ tên Y.

Người xưng thầy giáo dạy lái với cam kết bao giấy khám sức khỏe

Người xưng thầy giáo dạy lái với cam kết bao giấy khám sức khỏe

Có mặt tại đây, phóng viên không cần trao đổi nhiều chỉ cần nói là người của thầy H. thì như một “mật khẩu” được định sẵn, nhóm phóng viên ngồi ở hàng ghế dành cho người đi khám bệnh chờ lấy giấy khám sức khỏe. Sau đó, phóng viên chỉ cần đọc tên của mình là có nhân viên mang tờ giấy khám sức khỏe đến hỏi chiều cao, cân nặng cũng như thực hiện đo huyết áp.

Chỉ cần dừng đến khâu kiểm tra như vậy là các thao tác như điền thêm thông tin lên giấy khám sức khỏe, dán hình và đóng dấu được thực hiện ngay tức thì.

Phòng khám Đa khoa chất lượng cao Sài Gòn với quy trình "khám cho có lệ" nhưng vẫn cho ra những giấy khám sức khỏe đủ điều kiện để học bằng lái xe ô tô

Phòng khám Đa khoa chất lượng cao Sài Gòn với quy trình "khám cho có lệ" nhưng vẫn cho ra những giấy khám sức khỏe đủ điều kiện để học bằng lái xe ô tô

Nhanh, gọn, không qua bất kì quy trình khám nào của các bác sĩ, phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân đã nhận được giấy khám sức khỏe trên tay với các hạng mục như xét nghiệm máu, đo điện não, chụp X-quang, nước tiểu, nhịp tim... cùng kết quả sức khỏe bình thường đủ điều kiện học lái xe ô tô B2 với đầy đủ chữ ký của các bác sỹ, dấu đỏ mang tên Công ty Cổ phần dịch vụ y tế chất lượng cao Sài Gòn. Mức giá khám được nộp là 580.000 đồng/giấy khám sức khỏe học bằng B2 và giấy khám sức khỏe đi xin việc làm.

Nhiều danh mục trong khám cận lâm sàng như đo điện não, chụp X-quang, nhịp tim... không được thực hiện nhưng Phòng khám Đa khoa chất lượng cao Sài Gòn vẫn cho ra kết quả

Nhiều danh mục trong khám cận lâm sàng như đo điện não, chụp X-quang, nhịp tim... không được thực hiện nhưng Phòng khám Đa khoa chất lượng cao Sài Gòn vẫn cho ra kết quả

Tương tự, trong vai người có nhu cầu làm giấy khám sức khỏe tại phòng khám Đa khoa Mandic Việt Anh trên đường Lý Thái Tổ, TP. Buôn Ma Thuột. Với mức giá 600.000 đồng bằng hình thức chuyển khoản, không biên lai thu tiền hay hóa đơn chứng từ. Phóng viên được một nhân viên phòng khám dẫn đi xét nghiệm máu, lấy nước tiểu, đo tim, khám sơ sài tại khoa tai mũi họng. Và hình ảnh dễ nhận thấy khi phóng viên tiếp cận là tất cả nhân viên hay người được gọi là bác sĩ tại phòng khám này đều không mặc áo blouse trắng (áo bác sĩ), không mang bảng tên hay đeo găng tay trong suốt quá trình thăm khám cho phóng viên.

Nhân viên Phòng khám Đa khoa Mandic Việt Anh không mặc đồng phục, không đeo bảng tên, và quy trình khám chỉ "hỏi và ghi kết quả"

Nhân viên Phòng khám Đa khoa Mandic Việt Anh không mặc đồng phục, không đeo bảng tên, và quy trình khám chỉ "hỏi và ghi kết quả"

Trao đổi để điền thông tin, phóng viên được nhân viên phòng khám (không rõ nhân viên hay bác sỹ vì không có bảng tên, chiếc áo Blouse trắng vắt sau ghế) hỏi:“Có ho hay đau họng gì không?”,phóng viên trả lời: "Không, chỉ bị khàn giọng". Với vài thông tin sơ xài như vậy nhưng kết quả tai, mũi họng được người này kết luận “hiện tại đủ sức khỏe lái xe hạng B2”.

Phòng khám Đa khoa Mandic Việt Anh với quy trình khám chớp nhoáng

Phòng khám Đa khoa Mandic Việt Anh với quy trình khám chớp nhoáng

Chưa đầy 10 phút, tờ giấy khám sức khỏe được "cho ra lò" có chữ ký với các kết luận đầy đủ ở nhiều hạng mục mà người khám chưa được dẫn qua khám lâm sàng, cận lâm sàng trước đó như cơ xương khớp, nội tiết, thị lực, điện tim, điện não và chẩn đoán X- quang.

Đáng chú ý, khi nhận kết quả chỉ vỏn vẹn một tờ giấy khám sức khỏe và còn được một nhân viên rà soát cẩn thận xem còn thiếu mục gì, kèm câu dặn dò “xong rồi, anh mang qua một cửa nộp đi” và hiển nhiên sẽ không có bất cứ kết quả nào của từng hạng mục khám trên được trả kèm cho phóng viên.

Chế tài xử lý có đủ răn đe?

Nhóm bị cáo là bác sỹ, bảo bệ Trung tâm Y tế huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang bị tuyên án vì làm giả giấy khám sức khỏe

Nhóm bị cáo là bác sỹ, bảo bệ Trung tâm Y tế huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang bị tuyên án vì làm giả giấy khám sức khỏe

Luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiên Minh, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội phân tích, đối với hành vi mua, bán giấy tờ khám sức khỏe, bệnh án giả trước hết bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 46 Nghị định 117/2020/NĐ-CP; cụ thể: phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi như không thực hiện việc khám đầy đủ theo nội dung yêu cầu nhưng lại có giấy khám sức khỏe để cung cấp giấy khám sức khỏe; phân loại sức khỏe không đúng với tình trạng sức khỏe của người yêu cầu khám sức khỏe.

Ngoài hình thức xử phạt hành chính, cá nhân, tổ chức mà có những hành vi liên quan đến làm khống giấy tờ khám sức khỏe giả như các hành vi sau đây có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể như sau:

Luật sư Vi Văn Diện khẳng định, theo Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 đưa ra mức xử phạt về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức cụ thể như sau:

Khung 1: Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.

Khung 2: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm: phạm tội 02 lần trở lên; phạm tội có tổ chức; thực hiện hành vi mua bán, sử dụng từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác; sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng; thực hiện hành vi mua bán để thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc tái phạm nguy hiểm.

Khung 3: Bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm khi làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên; sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng hoặc thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

Khung 4: Ngoài hình phạt tiền thì người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Theo như quy định trên, ngoài hình phạt hành chính thì cá nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi làm khống giấy tờ khám sức khỏe giả, bệnh án và sử dụng giấy tờ giả để thực hiện hành vi trái pháp luật.

Có hay không câu chuyện vì lợi nhuận mà làm lụi, làm khống, bất chấp các quy định của pháp luật tại các phòng khám mà Báo Đại biểu Nhân dân đã nêu trên? Thực trạng nhiều người khám nộp tiền đầy đủ nhưng không được khám đủ quyền lợi như trên giấy khám sức khỏe? Có hay không tình trạng “cò” là các thầy giáo dạy lái móc nối với các phòng khám để làm giấy khám sức khỏe “lụi” trong việc đào tạo, sát hạch lái xe?

Báo Đại biểu Nhân dân sẽ tiếp tục thông tin thêm đến cử tri và bạn đọc cả nước ở những kỳ báo điều tra tiếp theo.

Nhóm PVĐT

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kiem-tra-giam-sat/bai-2-vach-tran-duong-di-cua-nhung-to-giay-kham-suc-khoe-chop-nhoang-tai-dak-lak-i377765/