Bài 2: Xúc tiến thương mại có trọng tâm, trọng điểm

Theo Kế hoạch Xúc tiến thương mại tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021-2025, tỉnh phấn đấu tăng trưởng tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ 11,5%/năm; xuất, nhập khẩu tăng bình quân 10%/năm.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển sản xuất hàng hóa, mở rộng liên kết và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, tỉnh đã ban hành Kế hoạch Xúc tiến thương mại tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021-2025 (tại Quyết định số 545/QĐ-UBND, ngày 26/4/2021). Trong đó phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ bình quân đạt 11,5%/năm; xuất, nhập khẩu tăng trưởng bình quân 10%/năm.

Cùng với đó, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại của tỉnh, hỗ trợ tích cực các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất nâng cao sức cạnh tranh, nâng cao lợi thế thương mại và mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và các sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh của tỉnh, như: Cam, quýt, hồng không hạt, miến dong, chè, chuối, mơ, các sản phẩm dược liệu, sản phẩm chế biến từ gỗ rừng trồng, sản phẩm từ gừng, nghệ… Khai thác tối đa nguồn lực của các thành phần kinh tế vào thực hiện công tác xúc tiến thương mại, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, tạo thêm việc làm cho người lao động, cải thiện đời sống Nhân dân.

Tỉnh kết hợp nguồn lực hỗ trợ của Trung ương và các nguồn lực xã hội tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tập thể phát triển sản xuất hàng hóa, tăng cường liên kết, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, trọng tâm là các sản phẩm nông sản có tiềm năng, chủ lực của tỉnh; từng bước tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu hàng hóa theo hướng thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng tạo giá trị gia tăng, tự chủ động nguồn nguyên liệu và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến thương mại thông qua môi trường thương mại điện tử và các nền tảng kinh tế số.

Cùng với đó, quan tâm phân bổ nguồn lực địa phương hỗ trợ công tác xúc tiến thương mại có trọng tâm, trọng điểm. Tập trung vào các hoạt động hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng chủ lực, các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh, có khả năng thâm nhập và tạo thị trường ổn định như sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Duy trì, mở rộng mạng lưới phân phối, từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Theo đó, tăng cường hoạt động thông tin, tuyên truyền, quảng bá sản phẩm hàng hóa một cách có hiệu quả, như: Có các ấn phẩm, tờ rơi giới thiệu về sản phẩm bản địa, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm làng nghề và các sản phẩm có thế mạnh của tỉnh; quảng bá sâu rộng cho từng nhóm 3 - 5 sản phẩm có thế mạnh, tiềm năng vào các thị trường trọng điểm. Thông tin, phổ biến kịp thời các chính sách pháp luật trong lĩnh vực thương mại bằng các hình thức đa dạng, phong phú. Mở rộng mạng lưới hợp tác, liên kết trao đổi thông tin đa chiều giữa tỉnh với hệ thống cơ quan quản lý, các đơn vị hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu.

Ngày hội hàng hóa vì người tiêu dùng thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

Ngày hội hàng hóa vì người tiêu dùng thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

Cùng với đó là giải pháp tổ chức, tham gia các hoạt động, sự kiện xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, nhất là hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa, qua đó tăng cường giao lưu hợp tác, kết nối giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ. Thông qua các hội nghị xúc tiến thương mại tổng hợp, gắn với các lễ hội, sự kiện văn hóa, du lịch của tỉnh, hoặc gắn với các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn, hội chợ OCOP, ngày hội nông sản gắn với hội chợ thương mại… sẽ quảng bá, giới thiệu về tiềm năng, lợi thế và các sản phẩm có thế mạnh của tỉnh. Dự kiến đến năm 2025 sẽ tham gia 1-2 hội chợ triển lãm tại nước ngoài đối với một số ngành hàng có thế mạnh của tỉnh tại các thị trường trọng điểm. Tiếp tục các hoạt động khảo sát thị trường, tìm kiếm đối tác nhằm tạo cơ hội giao thương, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm sản, sản phẩm có thế mạnh; giới thiệu tiềm năng, lợi thế và thu hút đầu tư…, góp phần mở rộng thị trường, tăng sức cạnh tranh, nâng cao giá trị sản phẩm./. (Còn nữa).

A.T

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/kinh-te/202110/tang-cuong-hoat-dong-xuc-tien-thuong-mai-mo-rong-thi-truong-tieu-thu-san-pham-nong-san-bai-2-xuc-tien-thuong-mai-co-trong-tam-trong-diem-8981d4b/