Bài 3: Làng nghề truyền thống loay hoay 'giải bài toán' thương mại hóa sản phẩm

Gặp những người làm nghề của các làng nghề truyền thống Quảng Nam đều có một điểm chung đó là họ tâm huyết với nghề và là nghệ nhân làng nghề truyền thống họ lấy uy tín làm hàng đầu, mọi thứ dưới bàn tay nghệ nhân phải chỉnh chu, toàn diện và đẹp. Cũng chính không đặt kinh tế là yếu tố hàng đầu nên họ vẫn mãi loay hoay với bài toán thương mại hóa sản phẩm

Gian nan cạnh tranh với hàng công nghiệp

Theo anh Nguyễn Văn Ân – Cơ sở mộc mỹ nghệ Nguyễn Văn Tiếp, dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, khách hàng chuộng thủ công mỹ nghệ truyền thống cũng ít đi, phải có đam mê với mỹ nghệ. Anh Ân cho biết, giá của của sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống luôn cao hơn nhiều so với sản phẩm công nghiệp, do các đường khắc tinh xảo phải mất nhiều thời gian tỷ mẩn mới có thể thực hiện được.

Mỗi sản phẩm của làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống Quảng Nam yêu cầu sự tỉ mỉ, chỉnh chu và vì vậy, không thể cạnh tranh về giá so với các sản phẩm công nghiệp

Mỗi sản phẩm của làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống Quảng Nam yêu cầu sự tỉ mỉ, chỉnh chu và vì vậy, không thể cạnh tranh về giá so với các sản phẩm công nghiệp

Một điểm mạnh và cũng là yếu điểm của nghệ nhân làng nghề truyền thống là không thể làm ẩu, làm dối. Mỗi sản phẩm làm ra mỗi nghệ nhân đều muốn đẹp toàn diện. “Mình là đời thứ 5 của dòng họ làm mộc mỹ nghệ, mình luôn tâm niệm dù đói cũng không thể để mất uy tín của cha ông đã gây dựng. Người nghệ nhân thường nặng lòng với nghề. Đó là cũng là điểm chết của làng nghề. Đó là làm ra sản phẩm thì phải uy tín đặt trên hết, chất lượng đảm bảo, miễn được cái tiếng. Nhưng yếu là không thể làm kinh tế, không thể chạy theo thị hiếu của người dùng”, anh Ân nói.

Cũng theo anh Ân, quá trình công nghiệp hóa, hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra quá nhanh và mạnh nên các làng nghề của Quảng Nam đang bị chững lại, để điều chỉnh và tìm hướng đi cho mình. Trong đó, đặc biệt là tìm đầu ra cho sản phẩm.

Còn nghệ nhân Lê Phước Tiến khi nói về vị trí của hàng thủ công mỹ nghệ với hàng công nghiệp đã cảm thán “Các sản phẩm công nghiệp đang lan tràn thị trường”. Ông Tiến cho biết, có nhiều sản phẩm tương đối giống nhau. Ví dụ như gốm, nếu ai thực sự hiểu về gốm, đam mê về gốm thì mới chọn sản phẩm thủ công mỹ nghệ, còn nếu du khách mua làm quà chơi thì mua gốm xuất xứ từ Trung Quốc, hoặc một số tỉnh miền Bắc sản xuất công nghiệp hàng loạt nên giá thành thấp hơn nhiều.

Ông Tiến cũng thừa nhận, khâu marketing sản phẩm của các làng nghề truyền thống Quảng Nam còn lỗ hổng rất lớn. Đa số các làng nghề mới chỉ biết sản xuất, chưa chú trọng đến khâu thương mại sản phẩm, “Mới bán cái mình có chứ chưa bán cái khách cần”.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Trường Thiên – Giám đốc HTX mây tre lá xuất khẩu Âu Cơ cho biết, các làng nghề truyền thống thủ công mỹ nghệ có nhiều yếu điểm như kỹ năng thương mại hóa thấp, sản phẩm không có tính cạnh tranh về mặt giá cả so với các sản phẩm công nghiệp sản xuất hàng loạt.

Nỗ lực đưa sản phẩm làng nghề thủ công truyền thống “ra khỏi làng”

Trong các làng nghề truyền thống, HTX mây tre lá xuất khẩu Âu Cơ nổi lên như một điển hình về sự nỗ lực “đi ra khỏi phạm vi làng”.

Sản phẩm của HTX mây tre đan xuất khẩu Âu Cơ đã được "mini hóa" để phục vụ du lịch, "sáng tạo hóa" để phục vụ xuất khẩu

Sản phẩm của HTX mây tre đan xuất khẩu Âu Cơ đã được "mini hóa" để phục vụ du lịch, "sáng tạo hóa" để phục vụ xuất khẩu

Ông Nguyễn Trường Thiên – Giám đốc HTX cho biết, nhìn thấy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế diễn nhanh, mạnh mẽ và toàn diện, HTX đã chủ động tự động hóa một số công đoạn trong sản xuất thông qua máy móc như máy luộc mây, vót, chẻ ra nguyên liệu… từ đó tăng năng suất lao động, giảm thời gian thực hiện; Máy móc cũng hỗ trợ các công đoạn sơ chế được thực hiện chính xác hơn nhờ đó tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm. Giá trị nhân công cũng được nâng lên thông qua các phúc lợi, đãi ngộ nhân công tăng. Và cũng nhờ vậy nên giữ chân được người lao động. “Đối với các sản phẩm của HTX Âu Cơ cần sự khéo léo và cần cù, và không tốn quá nhiều sức lực, không gò bó thời gian. Vì vậy, Chúng tôi đã linh hoạt nguồn nhân lực bằng cách tiếp nhận lao động không phân biệt tuổi tác, và không khắt khe về thời gian. Và chúng tôi trả lương cho người lao động dựa trên kết quả họ làm được”, ông Thiên nói.

Tính đến hiện tại, HTX Âu Cơ có hơn 600 sản phẩm từ mây tre lá với nhiều kích cỡ, mẫu mã. Để phục vụ cho hoạt động du lịch, HTX đã “mini hóa”, “sáng tạo hóa” nhiều sản phẩm với giá cả hợp lý nên rất được khách du lịch ưa chuộng. “Cách đây 10 năm chúng tôi phải đi khắp nơi để tìm kiếm khách hàng. Nhưng đến thời điểm hiện tại nhiều đơn vị, bạn hàng đã biết và tìm đến chúng tôi”, nghệ nhân Nguyễn Trường Thiên phấn khởi chia sẻ.

Ngoài HTX Âu Cơ, hiện nhiều doanh nghiệp, cơ sở làng nghề đã xây dựng được website quảng bá sản phẩm. Sắp tới, Hiệp hội làng nghề sẽ hỗ trợ một số đơn vị tham gia vào sàn thương mại điện tử để đưa sản phẩm làng nghề thủ công truyền thống “ra khỏi làng”.

Nghệ nhân đề xuất

Theo nghệ nhân Nguyễn Trường Thiên, làng nghề muốn tồn tại phải có các những cơ chế chính sách của nhà nước, ví dụ như chú trọng đến chương trình OCOP. Trong OCOP sẽ có những cái lấy ngắn nuôi dài. Lấy tức thời nuôi nghề truyền thống, gắn với phát triển du lịch, gắn với xuất khẩu, làm những sản phẩm thân thiện với môi trường. Và phải có thời gian. “Đây là đang là giai đoạn chuyển mình của làng nghề truyền thống thủ công mỹ nghệ Quảng Nam. Và phải cần 4 -5 năm nữa, nếu nỗ lực và đi đúng hướng làng nghề mới khôi phục lại hoàn toàn và thích ứng với thương mại hóa toàn cầu”, ông Tiến nói.

Mong muốn sẽ có triển lãm dành riêng cho hàng thủ công mỹ nghệ Quảng Nam để giới thiệu, trưng bày và đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng

Mong muốn sẽ có triển lãm dành riêng cho hàng thủ công mỹ nghệ Quảng Nam để giới thiệu, trưng bày và đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng

Ông Nguyễn Văn Tiếp – Chủ tịch Hiệp hội làng nghề truyền thống Quảng Nam mong muốn sẽ có Ngày hội triển lãm dành riêng cho các mặt hàng thủ công mỹ nghệ trong các dịp chấm chọn các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu hằng năm, để các làng nghề, doanh nghiệp, người làm nghề… có thể quảng bá sản phẩm đặc trưng của mình đến với du khách rộng rãi hơn.

Còn nghệ nhân Lê Phước Tiến lại bày tỏ lạc quan “Bây giờ các nghệ nhân đã chú trọng nhiều hơn đến khâu thương mại, thị hiếu khách hàng. Những nghệ nhân luôn gọi điện đến cửa hàng trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống Quảng Nam hỏi thị hiếu sản phẩm của du khách là gì để cập nhật và thay đổi cho phù hợp. Ví dụ như mộc mỹ nghệ trước toàn làm sản phẩm to thì giờ đã có cải tiến sản phẩm nhỏ gọn, vừa tầm cầm tay để khách mang đi”. Ông Tiến mong muốn sẽ có hỗ trợ từ phía chính quyền tỉnh Quảng Nam để có thêm nơi trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm thủ công mỹ nghệ để các sản phẩm đến gần hơn với du khách và để tiếp thêm sức sống cho các làng nghề của Quảng Nam.

Vũ Lê

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bai-3-lang-nghe-truyen-thong-loay-hoay-giai-bai-toan-thuong-mai-hoa-san-pham-124561.html