Bài 3: Ngôn ngữ - linh hồn của văn hóa dân tộc thiểu số

Cần đổi mới phương thức và chính sách cử tuyển đối với con em đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là ở các khu vực đặc biệt khó khăn. Đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp đối với thanh niên các dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng và dạy nghề.

Bà con dân tộc Khmer vui Tết Chol Chnam Thmay năm 2021. Ảnh: Lê Văn Hải

Bà con dân tộc Khmer vui Tết Chol Chnam Thmay năm 2021. Ảnh: Lê Văn Hải

Theo đánh giá của các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa các dân tộc thiểu số, một số hủ tục, tập quán lạc hậu vẫn còn tồn tại trong đời sống đồng bào- nhất là ở các bản, làng vùng sâu, vùng xa, vùng cao, tác động tiêu cực đến đời sống của người dân, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình lao động, sản xuất, gây mất an ninh trật tự xã hội. Các chương trình, đề án về xóa bỏ tập tục lạc hậu đã được triển khai ở nhiều địa phương, song, tình trạng này chậm được khắc phục ở một số nơi.

MỘT SỐ NGÔN NGỮ CÓ NGUY CƠ BIẾN MẤT

Trong số 54 dân tộc Việt Nam, có 16 dân tộc với dân số dưới 10.000 người, thậm chí 5 dân tộc chỉ có số dân dưới 1.000 người là những dân tộc khó có khả năng và điều kiện tự bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc mình.

Thách thức đầu tiên phải kể đến là khả năng đánh mất ngôn ngữ truyền thống- linh hồn của văn hóa dân tộc, cũng là phương tiện để truyền tải, trao truyền nghệ thuật, phong tục, tập quán của các tộc người.

Việc đào tạo, truyền dạy, bảo tồn và khôi phục văn hóa truyền thống được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo và triển khai sâu, rộng trong thực tế; song, trước sự giao lưu, tiếp biến văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số đã và đang bị mai một, lãng quên.

Ở một số địa phương, giao thông đi lại khó khăn, cơ sở hạ tầng thiết yếu còn nhiều hạn chế, cán bộ cơ sở vừa thiếu về số lượng vừa yếu về chất lượng nên chưa đủ khả năng định hướng và điều hành các hoạt động văn hóa, dẫn đến nhiều trò chơi dân gian bị biến tướng thành các hoạt động ăn uống linh đình; hay lễ hội, sự kiện văn hóa truyền thống biến tướng thành kinh doanh thu lợi nhuận.

Trong thời gian tới, cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số, giai đoạn 2015-2025" theo Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14.4.2015 của Thủ tướng Chính phủ, đề án "Hỗ trợ bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025" theo Quyết định số 1898/QĐ-TTg ngày 28.11.2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Dành nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực văn hóa trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030. Tổ chức rà soát tổng thể về văn hóa để đánh giá mặt được, hạn chế, tìm ra giải pháp triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng trên lĩnh vực văn hóa.

Trong quá trình lịch sử, vấn đề dân tộc nói chung, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số nói riêng luôn là nhiệm vụ trọng tâm. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng nêu: “Đảm bảo các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển.

Huy động phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo sự chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng tính đặc thù của từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc.

Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều bền vững. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Văn kiện cũng chỉ rõ: “Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù chăm lo giáo dục, đào tạo, y tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo sinh kế, việc làm, định canh, định cư vững chắc cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở vùng sâu vùng xa, vùng biên giới. Triển khai các chương trình dự án phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn”.

NÂNG CAO MỨC HƯỞNG THỤ VĂN HÓA

NÂNG CAO MỨC HƯỞNG THỤ VĂN HÓA

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực dân tộc và miền núi, các kỳ Đại hội Đảng trước đây, đường lối về công tác dân tộc được đề ra chỉ mang tính khái quát chung thì văn kiện Đại hội lần thứ XIII, Đảng đã chủ trương chú trọng đến tính đặc thù của từng vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc.

Đây được xem là điểm mới, có ý nghĩa quan trọng để phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng nhằm bảo đảm phù hợp với bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của từng vùng cũng như từng dân tộc. Vấn đề này không chỉ giúp cho việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số mà còn khắc phục những hạn chế, yếu kém trong thời gian qua, bởi từng vùng hay mỗi dân tộc đều có những đặc điểm khác nhau- nhất là các đặc điểm về bản sắc văn hóa truyền thống.

Đồng thời, còn “giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ.

Để giữ gìn và phát triển đồng bộ các lĩnh vực về văn hóa, xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, một trong những giải pháp được nhiều ý kiến tán thành là nâng cao chất lượng công tác giáo dục và đào tạo, phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở.

Đầu tư, phát triển hệ thống các trường dân tộc nội trú, bán trú và các trường dự bị đại học. Hỗ trợ việc ăn, ở cho học sinh, sinh viên các vùng như vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và vùng đặc biệt khó khăn.

Cần đổi mới phương thức và chính sách cử tuyển đối với con em đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là ở các khu vực đặc biệt khó khăn. Đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp đối với thanh niên các dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng và dạy nghề.

Cần đẩy mạnh đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở ở từng vùng, từng địa phương phù hợp với văn hóa và tập quán của các dân tộc. Quan tâm sưu tầm, bảo tồn và phát huy có hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống, kể cả vật thể và phi vật thể. Kiên quyết xóa bỏ các hủ tục lạc hậu và sớm chấm dứt tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Nâng cao hơn nữa mức hưởng thụ về văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Cùng với sự hội nhập, phát triển của đất nước, đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều bước tiến quan trọng cả về chất và lượng. Bên cạnh những thành quả đạt được, trong quá trình phát triển đã phát sinh nhiều vấn đề mẫu thuẫn cần được giải quyết để bảo đảm sự phát triển văn hóa đồng bộ, tương xứng với kinh tế để tạo ra phát triển bền vững.

Những mâu thuẫn phát sinh đó được biểu hiện trong một số khía cạnh như mối quan hệ giữa con người với môi trường tự nhiên; mô hình tăng trưởng vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa bền vững, chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên và lực lượng lao động dồi dào; sự phân hóa giàu nghèo trong các tầng lớp cư dân vùng dân tộc thiểu số; nạn ô nhiễm môi trường sinh thái.

“Nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân. Đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở ở từng vùng, từng địa phương; quan tâm tu bổ, bảo tồn các công trình di tích lịch sử, văn hóa; sưu tầm, bảo tồn và phát huy có hiệu quả giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc thiểu số.

Phát huy vai trò làm chủ của đồng bào trong xây dựng đời sống văn hóa, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Có biện pháp quyết liệt để xóa bỏ tình trạng tảo hôn, chấm dứt sớm hôn nhân cận huyết thống. Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và thực hiện nghiêm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

Phát huy vai trò tích cực của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đấu tranh với các hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội” (trích Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới).

Việt Đông

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/bai-3-ngon-ngu-linh-hon-cua-van-hoa-dan-toc-thieu-so-a143820.html