Bài 3: Tây Ninh không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế

Tất cả các nguồn nước xử lý ra môi trường phải đạt chuẩn A, doanh nghiệp không thực hiện đúng sẽ bị xử phạt; trong lĩnh vực chăn nuôi cũng như vậy, mặc dù khi lập dự án đã phải có đánh giá tác động môi trường nhưng khi vi phạm vẫn phải xử phạt.

Những năm gần đây, tỉnh Tây Ninh đã và đang trở thành điểm sáng về thu hút đầu tư, nhất là những dự án về phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường, ít phát thải carbon, không hy sinh môi trường để đổi lấy kinh tế. Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến tại buổi họp báo ngày 14.5 vừa qua.

Chăn nuôi gà an toàn sinh học trên địa bàn thành phố Tây Ninh.

Chăn nuôi gà an toàn sinh học trên địa bàn thành phố Tây Ninh.

Người dân lo ngại tình trạng ô nhiễm môi trường

Theo Quy hoạch chung của tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, huyện Tân Châu là một trong những địa phương được chọn thu hút đầu tư nhiều dự án về nông nghiệp công nghệ cao; theo hướng sản xuất sạch, tăng trưởng xanh đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để mở rộng thị trường, nâng cao hiệu suất và lợi nhuận thông qua cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa và số hóa và kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, nhiều người dân nơi đây vẫn bày tỏ băn khoăn về việc bảo vệ môi trường của những dự án trong tương lai.

Bà X.L, ngụ ấp An Hội, xã Tân Hội cho biết, thu hút đầu tư vào các dự án chăn nuôi quy mô lớn góp phần cho sự phát triển chung của địa phương là điều người dân trên địa bàn rất quan tâm. Tuy nhiên, việc thu hút các trang trại chăn nuôi rất cần có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng, bởi trước đây đã có rất nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến nông sản cố tình xả chất thải chưa qua xử lý, gây ô nhiễm không khí và nguồn nước, ảnh hưởng đến môi trường, đời sống người dân.

Theo bà X.L, để được cấp phép hoạt động, hầu hết các doanh nghiệp đều có hệ thống quản lý chất thải ra môi trường bên ngoài. Thế nhưng, vì lợi nhuận, đã có không ít trường hợp lén lút xả thải, bị các cơ quan chức năng phát hiện thời gian qua. Do vậy, bà rất mong các cơ quan quản lý nhà nước cần có chế tài mạnh, để kiểm soát vấn đề này.

Doanh nghiệp cam kết bảo vệ môi trường

Theo ông Vũ Mạnh Hùng- Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Hùng Nhơn, hiện nay, Tập đoàn Hùng Nhơn đầu tư hàng triệu USD cho hệ thống trang trại công nghệ cao theo tiêu chuẩn GlobalGAP tại các tỉnh khu vực Đông Nam bộ - Tây Nguyên và đang áp dụng hệ thống công nghệ của các tập đoàn lâu đời ở châu Âu. Trong đó, đặc biệt là Tập đoàn De Heus (Hà Lan) có hơn 100 năm kinh nghiệm, Tập đoàn Bel Gà (Bỉ)... Hệ thống trang trại chăn nuôi của Hùng Nhơn đã đạt tiêu chuẩn quốc tế GlobalGAP, gồm 349 tiêu chí, cao hơn hàng trăm lần so với tiêu chuẩn VietGAP - 12 tiêu chí.

Theo ông Hùng, điều ông đang quan tâm nhất trong thời gian tới đó là việc không sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và cam kết giảm khí thải carbon xuống 0% của Chính phủ Việt Nam. Hiện tại, Hùng Nhơn đã và đang hợp tác cùng các đối tác hàng đầu trong ngành chăn nuôi châu Âu, đầu tư hệ thống chuỗi giá trị cao, vượt trội áp dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp công nghệ cao, do đó, việc thực hiện cam kết giảm phát thải carbon về 0% là hoàn toàn có thể thực hiện được.

Ông Gabor Fluit- Tổng Giám đốc toàn cầu Tập đoàn Hoàng gia De Heus cho biết, việc bảo vệ môi trường chính là bảo vệ chính mình, trong đó, có 3 lý do doanh nghiệp phải làm.

Thứ nhất, doanh nghiệp bảo vệ môi trường được tốt, xử lý nước thải tốt, xử lý các vấn đề liên quan đến dịch bệnh tốt thì chính doanh nghiệp cũng sẽ bảo vệ được tài sản của mình.

Thứ hai, theo mô hình liên kết giữa De Heus và Hùng Nhơn, doanh nghiệp không phải thuê trại một thời gian rồi bỏ, mà sẽ gắn bó lâu dài, do đó ý thức bảo vệ môi trường sẽ cao hơn.

Thứ ba, muốn xuất khẩu sản phẩm sang châu Âu, doanh nghiệp buộc phải tuân theo các tiêu chí về bảo vệ môi trường do đối tác đặc ra. Các doanh nghiệp châu Âu luôn đi sâu về vấn đề bảo vệ môi trường và các biện pháp giảm khí thải. Do đó, doanh nghiệp buộc phải chứng minh cho các đối tác Liên minh châu Âu có giải pháp tốt về xử lý nước thải, chất thải. Từ đó mới được chấp nhận xuất khẩu sản phẩm sang thị trường này. Chính vì vậy, phía doanh nghiệp cần quyết tâm bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động sản xuất.

Không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến, những băn khoăn của người dân về vấn đề môi trường là hoàn toàn chính đáng. Vì trước đây nhiều doanh nghiệp trong ngành chế biến mì, cao su chưa bảo đảm công tác bảo vệ môi trường, hoạt động của các doanh nghiệp này gây ô nhiễm môi trường rất lớn, ảnh hưởng đời sống của người dân, đặc biệt là nguồn nước.

Khi thực hiện Quyết định số 187/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020”, tỉnh đã có giải pháp rất căn cơ trong lĩnh vực chế biến nông sản, đặc biệt là chế biến mía, mì, cao su…

Tất cả các nguồn nước xử lý ra môi trường phải đạt chuẩn A, doanh nghiệp không thực hiện đúng sẽ bị xử phạt; trong lĩnh vực chăn nuôi cũng như vậy, mặc dù khi lập dự án đã phải có đánh giá tác động môi trường nhưng khi vi phạm vẫn phải xử phạt.

Theo ông Chiến, đối với doanh nghiệp lớn về lĩnh vực chăn nuôi có xuất khẩu, nếu để bị xử phạt về môi trường, các nước tiêu thụ sản phẩm sẽ không mua sản phẩm của doanh nghiệp.

Ông Trần Văn Chiến khẳng định: “Trách nhiệm bảo vệ môi trường là trách nhiệm hàng đầu của chính quyền nhưng cũng rất cần sự giám sát của cộng đồng, trong đó có người dân. Nếu phát hiện doanh nghiệp có vi phạm vấn đề môi trường (xả nước thải hay phân trong chăn nuôi xả ra môi trường không đúng quy định) cần báo cơ quan chức năng để xử lý nghiêm túc, không thể đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế”.

“Quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như cam kết quốc tế mà Việt Nam đang thực hiện đã khẳng định rõ: “Kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp là con đường để đưa đất nước phát triển bền vững” - đó là cam kết của Chính phủ đối với thế giới. Riêng Tây Ninh cũng phải thực hiện nghiêm túc vấn đề này.

Vấn đề băn khoăn của người dân là chính đáng, ngoài trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, để giải quyết vấn đề môi trường triệt để phải kể đến sự giám sát của người dân, nếu phát hiện doanh nghiệp nào không thực hiện đúng vấn đề môi trường, chúng ta phải có giải pháp xử lý thật nghiêm túc, quyết liệt, không để vấn đề môi trường ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân”- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến nhấn mạnh.

Nhi Trần - Minh Dương

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/bai-3-tay-ninh-khong-danh-doi-moi-truong-de-phat-trien-kinh-te-a172989.html