Bài 4: Văn hóa - cốt cách, vị thế quốc gia, sức mạnh nội sinh để đất nước phát triển

Một trong những dấu ấn nổi bật trên chặng đường 35 năm đổi mới đất nước là lĩnh vực văn hóa ngày càng được Đảng, Nhà nước ta quan tâm, coi trọng. Sự phát triển, lớn mạnh của đất nước cũng như những thành tựu về phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vừa là tiền đề, cơ sở để thúc đẩy văn hóa phát triển; đồng thời, văn hóa ngày càng đóng vai trò quan trọng và trở thành một trong những nguồn lực góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển.

Không ngừng hoàn thiện tư duy lý luận về văn hóa

Quá trình lãnh đạo đất nước thực hiện toàn diện công cuộc đổi mới, một trong những vấn đề được Đảng Cộng sản Việt Nam đề cập trong nhiều nghị quyết, chỉ thị là lĩnh vực văn hóa. Kế thừa, phát triển các quan điểm của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, 35 năm qua, Đảng ta ngày càng khẳng định rõ vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.

Vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, đất nước chưa thoát khỏi cuộc khủng KT-XH trầm trọng, Đảng ta phải nỗ lực tập trung cao độ cho việc lãnh đạo xã hội giải phóng sức sản xuất, phá bỏ cơ chế quan liêu bao cấp, thực hiện nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN. Nhiệm vụ được ưu tiên cấp bách hàng đầu là phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, cải thiện an sinh xã hội, song Đảng ta vẫn quan tâm đến lĩnh vực văn hóa. Sau Đại hội VI, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 28-11-1987 “Về đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật và văn hóa, phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn học, nghệ thuật và văn hóa phát triển lên một bước mới”, trong đó nêu rõ: “Văn hóa là một bộ phận trọng yếu của cách mạng tư tưởng và văn hóa, là một động lực mạnh mẽ, đồng thời là một mục tiêu lớn trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội”.

Sau hơn 35 đổi mới, đất nước đã thoát khỏi khủng hoảng KT-XH, nhưng quá trình thực hiện nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần đã xuất hiện những dấu hiệu đáng lo ngại về văn hóa, đạo đức xã hội. Trước tình hình đó, Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII của Đảng đã ban hành Nghị quyết “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” (năm 1998). Lần đầu tiên, lĩnh vực văn hóa được xác định tương đối rõ về nội hàm và vị trí, vai trò đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Theo đó, Đảng ta khẳng định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, vừa là động lực, vừa là mục tiêu thúc đẩy sự phát triển KT-XH”. Kế thừa Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, Đảng ta không ngừng bổ sung, phát triển tư duy lý luận về văn hóa, đó là: “Đảm bảo sự gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng, chỉnh đốn đảng là then chốt với không ngừng nâng cao văn hóa-nền tảng tinh thần của xã hội” (Hội nghị Trung ương 10, khóa IX); “Văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển” (Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011).

Nếu Nghị quyết số 05-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa VI mới xác định vai trò của văn hóa là nhu cầu thiết yếu của nhân dân, thể hiện trình độ phát triển chung của một đất nước, một thời đại, là lĩnh vực sản xuất tinh thần tạo ra những giá trị văn hóa, góp phần làm giàu đẹp thêm cuộc sống con người, thì Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, đã nhấn mạnh: “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với chính trị, kinh tế và xã hội”, và: “làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển”.

Ảnh minh họa / Tuyengiao.vn

Ảnh minh họa / Tuyengiao.vn

Đại hội lần thứ XII của Đảng tiếp tục xác định: “Phát triển KT-XH là trung tâm; xây dựng Ðảng là then chốt; xây dựng văn hóa, con người làm nền tảng tinh thần”. Như vậy, sau hơn ba thập niên đổi mới, lĩnh vực văn hóa chính thức được xác định là một trong 3 trụ cột quan trọng nhất để thúc đẩy đất nước phát triển ổn định, bền vững.

Việc Đảng ta không ngừng hoàn thiện tư duy lý luận về văn hóa chính là hoàn thiện tư duy lãnh đạo để bảo đảm cho việc dẫn dắt tư tưởng, chỉ đạo hành động được thống nhất, xuyên suốt từ trên xuống dưới, từ Trung ương đến cơ sở, từ người lãnh đạo cao nhất đến đảng viên bình thường. Bởi trong một thời gian khá dài, chúng ta chỉ coi văn hóa là “cờ đèn kèn trống” mang tính chất bề nổi, là “ăn theo” kinh tế, là hoạt động sản xuất phi vật chất không mang lại lợi nhuận cho đất nước, xã hội. Nhận thức phiến diện đó sẽ dẫn tới nguy cơ làm cho văn hóa không những không phát huy được ưu thế, sức mạnh của mình, mà còn có thể tác động tiêu cực đến sự phát triển bền vững của đất nước.

Phát huy sức mạnh mềm để đất nước phát triển

Văn hóa biểu hiện sức sống, sức sáng tạo, sức mạnh tiềm tàng của quốc gia, dân tộc; đồng thời là cốt cách, vị thế, tầm vóc của cả cộng đồng dân tộc. Lịch sử thế giới đã chứng minh, một quốc gia muốn phát triển ổn định, bền vững, bên cạnh dựa vào các yếu tố cứng như đất đai, khoáng sản, cơ sở vật chất, hạ tầng xã hội, kỹ thuật, tài chính... thì cần phải biết tận dụng, khai thác yếu tố mềm, đó chính là nguồn lực con người với vai trò là nhân cách văn hóa năng động, sáng tạo nhất, đóng góp quyết định đến sự phát triển giàu mạnh, phồn vinh của đất nước và xã hội. Hay nói cách khác, văn hóa là một “nguồn lực mềm” làm động lực, đòn bẩy thúc đẩy kinh tế phát triển, làm “hài hòa hóa” các mối quan hệ xã hội và lành mạnh hóa môi trường xã hội.

Vì vậy, việc Đảng ta ngày càng quan tâm coi trọng xây dựng văn hóa thực chất là muốn tận dụng, khai thác tối ưu sức mạnh mềm của đất nước. Sức mạnh mềm là sức mạnh bắt nguồn, xuất phát điểm từ bên trong được kết tinh từ trí tuệ, ý chí, tâm hồn, truyền thống lịch sử văn hóa, tinh thần lao động sáng tạo, ý chí chiến đấu anh dũng, quật cường của dân tộc Việt Nam từ hàng ngàn năm qua. Đánh thức những tiềm năng còn tiềm ẩn trong mỗi con người, mỗi cộng đồng dân tộc và kết nối những tiềm năng ấy thành sức mạnh vật chất trong cuộc chiến chống đói nghèo, lạc hậu; trong phát triển kinh tế; xây dựng xã hội văn minh; giáo dục, rèn luyện con người mới XHCN chính là nhiệm vụ của văn hóa; đồng thời thể hiện sức mạnh nội sinh của văn hóa góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển.

Cần nói thêm rằng, do hậu quả của chiến tranh để lại và hệ lụy của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp, một thời gian khá dài chúng ta chủ yếu chăm lo phát triển sản xuất, bảo đảm ổn định an ninh lương thực, từng bước cải thiện cuộc sống vật chất cho người dân, nên chưa có điều kiện để xây dựng các công trình văn hóa, nghệ thuật, vui chơi giải trí cho các tầng lớp nhân dân hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần. Vấn đề văn hóa tuy được quan tâm ở tầm vĩ mô nhưng trên thực tế chưa được đặt vào một trong những vị thế trọng tâm đối với sự phát triển đất nước.

Nếu trước những năm đổi mới, ngoại trừ các thành phố, đô thị lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế, Nha Trang, Đà Lạt, Cần Thơ có những công trình văn hóa nghệ thuật phục vụ nhân dân, còn lại phần lớn các tỉnh chỉ có lác đác vài ba rạp chiếu phim, nhà thiếu nhi, công viên văn hóa ở khu vực trung tâm. Đối với các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa thì hầu như vắng bóng các khu vui chơi giải trí.

Từ khi đất nước đi sâu vào quá trình đổi mới, nhất là từ đầu thế kỷ 21 đến nay, văn hóa mới được coi là một trong những nguồn lực quan trọng để góp phần thúc đẩy sự phát triển KT-XH. Mặt khác, khi đất nước phát triển đã tạo tiền đề vật chất để Đảng, Nhà nước ta có điều kiện quan tâm chăm lo cải thiện, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho các tầng lớp nhân dân.

Đến nay, các địa phương cơ bản đã xây dựng và đưa vào sử dụng các thiết chế văn hóa. Hiện cả nước có 750 phòng chiếu phim với trên 148.500 ghế, 264 đội chiếu phim lưu động; 100% huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh đã có trung tâm văn hóa-thể thao; trên 95% xã, phường, thị trấn có sân vận động, trung tâm văn hóa-thể thao cấp xã; trên 80% thôn, bản, ấp, tổ dân phố đã có nhà văn hóa. Có nơi sinh hoạt cộng đồng, địa điểm tổ chức văn hóa văn nghệ, vui chơi giải trí, người dân ở các thôn, bản có thêm điều kiện giao lưu học hỏi, củng cố mối quan hệ làng xóm và cải thiện đời sống tinh thần, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

Từ đường lối đúng đắn của Đảng về phát triển văn hóa, nội lực văn hóa của Việt Nam không chỉ được củng cố, mà còn gia tăng thời cơ hội nhập sâu rộng với văn hóa thế giới. Trước đây, nhân dân nhiều nước trên thế giới biết đến dân tộc Việt Nam có tinh thần chiến đấu anh dũng quật cường, đánh thắng hai thế lực hung bạo nhất thời đại là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, thì ngày nay, bạn bè năm châu bốn biển nhắc tới Việt Nam là một dân tộc có bề dày truyền thống văn hóa với nhiều di sản độc đáo, đặc sắc. Hiện cả nước có 28 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO ghi danh; 301 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 191 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia; gần 3.500 di tích quốc gia; 122 di tích quốc gia đặc biệt; 168 bảo tàng thường xuyên lưu giữ và trưng bày khoảng 3 triệu tài liệu, hiện vật. Đây là những giá trị văn hóa được kết tinh, lưu truyền từ hàng nghìn năm qua của cộng đồng 54 dân tộc anh em sinh sống trên đất nước Việt Nam và trở thành diện mạo, hình ảnh văn hóa Việt có sức hấp dẫn lớn đối với bạn bè và du khách quốc tế.

Trong quá trình giao lưu, hội nhập, chúng ta đã tích cực giới thiệu, quảng bá để góp phần nâng cao vị thế, tầm vóc, hình ảnh của Việt Nam ngày càng tỏa sáng trên thế giới. Đó cũng là lý do giải thích vì sao nhiều năm trở lại đây, Việt Nam liên tục được nhiều tổ chức uy tín của quốc tế, nhiều hãng truyền thông lớn của thế giới bình chọn là một trong những điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn. Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2017 Việt Nam đón gần 13 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu đạt gần 511.000 tỷ đồng từ du lịch văn hóa, thì đến năm 2019, nước ta đón 18 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu đạt 726.000 tỷ đồng. Đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa năm 2018 đã đạt 3,43% GDP (tăng 0,43% so với 3% GDP kế hoạch đề ra). Đó là con số “biết nói” về sức hút đặc biệt của Việt Nam nhờ có ánh sáng văn hóa soi đường, lan tỏa.

Như vậy, văn hóa giờ đây không chỉ là “đại sứ hình ảnh” của một quốc gia dân tộc, mà trở thành một trong những ngành kinh tế có đóng góp quan trọng trong tổng nguồn thu của ngân sách nhà nước. Văn hóa vốn nằm ở vỉa sâu nên không dễ tác động tức thời, nhanh chóng như một số yếu tố, lĩnh vực khác; nhưng văn hóa lại có sức mạnh tiềm ẩn vô cùng to lớn mà nếu biết khai thác đúng lúc, phát huy đúng chỗ thì có thể tạo ra những thay đổi tích cực cho xã hội, đất nước. Điều này thêm một lần minh chứng “Văn hóa là sức mạnh nội sinh quan trọng của sự phát triển” như Đảng ta đã khẳng định là phù hợp với nhận thức, xu thế phát triển chung của thời đại.

Không ngẫu nhiên mà trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV ngày 8-11-2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: “Chúng ta phấn đấu trở thành một cường quốc kinh tế nhưng nếu chúng ta không trở thành một cường quốc văn hóa thì chưa thành công”. Cũng không ngẫu nhiên chủ đề Đại hội lần thứ XIII đã xác định một thành tố là: “Phát huy ý chí, khát vọng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại”. Thành tố này chính là văn hóa, là sức mạnh mềm của dân tộc và là động lực để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta chung sức đồng lòng quyết tâm thực hiện mục tiêu “phấn đấu đến giữa thế kỷ 21 nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng XHCN” như dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

Nhóm PV Báo Quân đội nhân dân

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tien-toi-dai-hoi-xiii-cua-dang/nghi-quyet-va-cuoc-song/bai-4-van-hoa-cot-cach-vi-the-quoc-gia-suc-manh-noi-sinh-de-dat-nuoc-phat-trien-649886