Bài 5: Kinh nghiệm các nước và bài học cho Việt Nam

Hằng năm, thế giới luôn chứng kiến hàng loạt vụ sạt lở, lũ quét gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Nhiều nước trên thế giới đã có nhiều biện pháp, quy định để phòng, tránh, chống và phản ứng nhằm giảm thiểu thiệt hại do những loại hình thiên tai này. Dưới đây là một số ghi nhận do các phóng viên, biên dịch viên Ban Tiếng Anh và Ban Tiếng Trung Quốc, Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện.

Các vụ lũ quét, lở đất thảm khốc - hiện tượng phổ biến ở nhiều nước

Lũ quét (flash flood) là một loại lũ có tốc độ mực nước lên rất nhanh khi một khối lượng nước khổng lồ di chuyển nhanh từ địa hình cao xuống thấp. Trong khi đó, lở đất (landslide) được định nghĩa là hiện tượng địa chất bao gồm một loạt các chuyển động của khối đất bao gồm đá rơi, sụp sườn núi và lũ bùn đá. Các định nghĩa khoa học về sạt lở đất trên thế giới đều khẳng định nguyên nhân là do sự phong hóa dần dần và dưới tác động của những trận mưa lớn.

Báo cáo của Liên hợp quốc (LHQ) năm 2018 cho biết, mỗi năm lũ lụt, sạt lở đất giết hại khoảng 30.000 người, gây thiệt hại hàng tỉ USD cho thế giới. Trước thực trạng đó, mỗi nước có một cách tiếp cận riêng trong việc phòng chống, giảm nhẹ rủi ro của thiên tai. LHQ kêu gọi chính phủ các nước cần có những chính sách phát triển kinh tế khôn ngoan, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng và đầu tư xây dựng cộng đồng có khả năng thích ứng và chống chịu bền vững trước thiên tai.

Clip một trận lũ quét tại thị trấn Mayer, bang Arizona vào tháng 8-2017. Nguồn: CBS Evening News.

Lũ quét và lở đất xảy ra ở hầu hết các nước trên thế giới, đặc biệt ở vùng trung du, miền núi và các lưu vực sông chịu ảnh hưởng của gió mùa, bão, áp thấp và hội tụ nhiệt đới như: Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Nhật Bản, Philippines, Hàn Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Nepan. Chúng thường “sóng đôi” làm tăng mức độ nguy hại.

Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) vào năm 2010 đã bắt đầu công bố bộ bản đồ về tình trạng sạt lở đất trên thế giới dựa vào dữ liệu từ các báo cáo về tình trạng lở đất khắp toàn cầu. Theo thống kê, từ giữa năm 2007 đến năm 2015, thế giới đã có hơn 25.000 người thiệt mạng do các vụ lở đất. Các khu vực thường xảy ra sạt lở đất tập trung chủ yếu ở châu Á và Đông Nam Á, nơi có mùa mưa kéo dài và thường xuyên chịu tác động của các cơn bão nhiệt đới.

 Lực lượng cứu hộ vận chuyển công nhân bị thương đến bệnh viện trong vụ sập hầm mỏ tại Soma, thuộc tỉnh Manisa, Thổ Nhĩ Kỳ năm 2014. Ảnh: Middle East Eye.

Lực lượng cứu hộ vận chuyển công nhân bị thương đến bệnh viện trong vụ sập hầm mỏ tại Soma, thuộc tỉnh Manisa, Thổ Nhĩ Kỳ năm 2014. Ảnh: Middle East Eye.

Năm 1997, một vụ sập mỏ khai thác vàng ở vùng Tây Bắc Kagera của Tanzania khiến hơn 100 thợ mỏ thiệt mạng. Năm 2008, vụ tai nạn tràn bùn đã xảy ra ở huyện Tương Phần, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc khiến 277 người thiệt mạng. Năm 2014, một vụ tai nạn sập hầm mỏ tại Soma, thuộc tỉnh Manisa, Thổ Nhĩ Kỳ làm 301 người thiệt mạng. Năm 2015, tại một mỏ khai thác đá quý ở làng Sate Mu, thuộc bang Kachin, Myanmar đã xảy ra một vụ lở đất làm ít nhất 116 người chết. Năm 2017, ít nhất 312 người đã thiệt mạng trong một trận lở đất ở chân núi Sugar Loaf, thuộc thị trấn Regent, Sierra Leone. Năm 2019, đập hồ chứa chất thải tại mỏ quặng sắt Corrego do Feijao ở bang Minas Gerais, Brazil bị vỡ đã làm tràn hàng nghìn mét khối bùn và nước xuống khu vực dân cư xung quanh khiến 270 người thiệt mạng.

 Quang cảnh tan hoang sau trận lũ quét tại Lima, Peru vào tháng 3-2017. Ảnh: Getty Images.

Quang cảnh tan hoang sau trận lũ quét tại Lima, Peru vào tháng 3-2017. Ảnh: Getty Images.

Trong khi đó, năm 2018, ít nhất 42 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương sau trận lũ quét tại tỉnh Papua, miền Đông Indonesia. Cùng năm đó, ít nhất 37 người đã thiệt mạng và 40.000 người phải sơ tán sau khi mưa lớn gây lũ quét nghiêm trọng tại bang Kerala, một địa danh du lịch nổi tiếng của Ấn Độ. Năm 2019, lũ quét tại Pakistan, Bangladesh và Nepal năm 2019 đã khiến hơn 100 trường hợp tử vong. Vào đầu tháng 10-2020, bão Alex gây ra hàng chục trận lũ quét tàn phá Pháp và Italy, khiến ít nhất 8 người thiệt mạng và nhiều người bị thương.

Bài học đầu tiên: Hoàn thiện thể chế

Mỹ - một quốc gia phát triển và chịu nhiều thiên tai, đã thông qua Đạo luật Stanford năm 1988 quy định rõ trách nhiệm của chính quyền hạt, quận, bang, liên bang và việc phối hợp lực lượng trong cứu hộ, cứu nạn, giảm nhẹ thiên tai. Tới năm 2000, nước này tiếp tục sửa đổi Đạo luật Stanford năm 1988 thành Đạo luật Giảm nhẹ thiên tai, quy định thêm trách nhiệm của chính quyền các cấp đối với việc bảo vệ môi trường tự nhiên trong nỗ lực giảm thiểu những rủi ro do thiên nhiên gây ra. Hằng năm, Chính phủ Mỹ cũng dành khoảng hơn 10 tỉ USD để đầu tư bảo vệ môi trường tự nhiên cũng như xây dựng các công trình phòng chống thiên tai cho cộng đồng.

Nhật Bản với vị trí địa lý trên vành đai núi lửa Thái Bình Dương nên thường hay xảy ra động đất. Chính vì vậy, quốc gia này đã xây dựng các luật về bảo vệ môi trường tự nhiên, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai từ những năm 60 thế kỷ trước. Sau thảm họa kép động đất và sóng thần năm 2011, nước này tiếp tục hoàn thiện luật pháp và thể chế bao gồm những chế tài xử phạt nghiêm khắc những hành vi có thể dẫn đến nguy cơ thiên tai. Chính phủ nước này còn đầu tư trồng rừng chạy dọc theo bờ biển nơi từng xảy ra sóng thần, vừa tạo thành hàng rào chắn bão, sóng thần, vừa trở thành khu vực công viên cây xanh ven biển.

Mặc dù là một nước đang phát triển, nhưng do nằm ở khu vực rốn bão của Thái Bình Dương, Philippines đã sớm hoàn thiện hệ thống luật pháp về môi trường và phòng chống thiên tai. Đặc biệt là Đạo luật số 10121 ban hành năm 2010 quy định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương phải thường xuyên giáo dục cộng đồng về phòng chống thiên tai, quản lý, bảo vệ chặt chẽ môi trường tự nhiên, đầu tư vào các công trình tránh trú thảm họa tại các khu vực nhiều rủi ro. Luật này cũng quy định việc huy động, tổ chức, phối hợp các lực lượng trong phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn.

Sau siêu bão Haiyan cướp đi sinh mạng hơn 7.000 người cho Philippines năm 2013, nước này đã đầu tư lớn cho việc phát triển rừng ngập mặn, trồng rừng ven biển để tạo vành đai chắn bão bảo vệ khu vực dân cư, hạ tầng, cơ cở kinh tế phía trong đất liền. Thực tế cho thấy, vành đai chắn bão của Philippines đã phát huy tác dụng, làm giảm cường độ, sức tàn phá của 2 siêu bão Saudel và Molave mới đây đổ bộ vào nước này. Nhờ vậy mà đã hạn chế đáng kể tổn thất về người và của do bão, lũ gây ra. Báo cáo kinh tế-xã hội năm 2018 của Liên hợp quốc cho biết Philippines đang đi đúng hướng trong nỗ lực giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Nước này đầu tư vào nhiều dự án phòng chống thiên tai theo hướng dựa vào tự nhiên và dựa vào cộng đồng.

Làm tốt quy hoạch xây dựng

Với áp lực ngày càng tăng trong việc xây dựng thêm nhà ở, nhà máy xí nghiệp và các cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh quỹ đất ngày càng thu hẹp, nhiều nước đã tính đến phương án quy hoạch tại cả những khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

Trong tài liệu Hướng dẫn Chính sách quy hoạch (PPG), Chính phủ Anh đã đưa ra và chuyên biệt hóa các vấn đề liên quan đến việc xây dựng trong khu vực có nguy cơ cao, nhất là vùng trung du và vùng núi, ven các con sông có độ dốc lớn. Văn bản này yêu cầu các chủ đất, các nhà phát triển và cơ quan quy hoạch địa phương phải xác định, đánh giá những nơi có địa chất không ổn định để hạn chế cấp giấy phép xây dựng hoặc tránh tập trung các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đi lại ở đó. Cơ quan Khảo sát Địa chất Anh (BGS) được giao nhiệm vụ khảo sát, lập báo cáo về bản đồ cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất để làm quy chuẩn cho tất cả các hoạt động xây dựng.

 Một hình đồ họa thiết kế xây nhà trên địa hình dốc ở Dominica. Ảnh: Dominica Vibes.

Một hình đồ họa thiết kế xây nhà trên địa hình dốc ở Dominica. Ảnh: Dominica Vibes.

Tổ chức các quốc gia Đông Caribe (OECS) cũng có định hướng phát triển trong các khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở nói riêng và thiên tai nói chung. OECS chính thức hóa quy trình xây dựng công trình tại các địa điểm có nguy cơ sạt lở đất và lũ lụt vào xây dựng công trình và xác định các đặc điểm công trình cần thiết liên quan đến lũ lụt và sạt lở đất. Với các mức độ khác nhau, cơ quan này lại đưa ra những quy chuẩn riêng đối với quy hoạch xây dựng và các đặc điểm thiết kế kết cấu của tòa nhà như: kết cấu móng, độ dày của tường, vật liệu xây dựng...

Trong cuốn Sổ tay về quản lý thảm họa lũ quét và lở đất, Australia đưa ra quy định về quy hoạch, quản lý đất đai tại những khu vực có nguy cơ cao. Trong đó, nước này chia địa hình ra làm 3 khu vực với mức độ dốc khác nhau, từ 0-20 độ, 20-40 độ và trên 40 độ. Với mỗi khu vực khác nhau thì chính quyền sẽ cho phép mật độ xây dựng, các loại công trình xây dựng và mật độ dân cư phù hợp. Nếu địa phương nào khi cơ quan địa chất liên bang (GA) liệt vào nơi có nguy cơ cao, người dân phải lập tức được bố trí đến khu vực khác. Cơ quan này sẽ thường xuyên khảo sát để kịp thời bổ sung vào danh sách những khu vực có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất.

 Một đoạn đường ở Queensland, Australia bị ngắt mạch giao thông vì nước lũ dâng cao. Ảnh chụp ngày 28-1-2020. Nguồn: ABC News.

Một đoạn đường ở Queensland, Australia bị ngắt mạch giao thông vì nước lũ dâng cao. Ảnh chụp ngày 28-1-2020. Nguồn: ABC News.

Cơ quan Quản lý Tình trạng khẩn cấp Liên bang Mỹ (FEMA) cũng đưa ra khuyến cáo nghiêm ngặt để làm cơ sở cho chính quyền phân bổ quy hoạch xây dựng các cơ sở hạ tầng dân sự, công cộng ở những khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai, trong đó có lũ quét và sạt lở đất.

Xây dựng, quản lý hiệu quả hồ, đập thủy lợi, thủy điện

Không thể phủ nhận được vai trò của các hồ, đập thủy lợi, thủy điện trong việc đảm bảo an ninh nguồn nước, đáp ứng nguồn nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt của người dân, góp phần tích nước-cắt lũ khi mưa nhiều và điều tiết nước cho hạ lưu trong mùa khô. Việc quản lý hiệu quả chúng sẽ góp phần giảm nguy cơ lũ quét, sạt lở đất khi khu vực đó xảy ra mưa lớn.

 Hồ thủy điện nếu được quản lý, khai thác tốt sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong vấn đề trị thủy. Ảnh: Pinterest.

Hồ thủy điện nếu được quản lý, khai thác tốt sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong vấn đề trị thủy. Ảnh: Pinterest.

Peru là một quốc gia có hai mùa mưa-mùa khô rõ rệt. Trận mưa lớn kỷ lục gây lũ lụt và sạt lở đất vào năm 2017 đã khiến hơn 100 người Peru thiệt mạng, hàng trăm nghìn ngôi nhà và các công trình công cộng bị phá hủy, làm nước này bị thiệt hại tới 3 tỷ USD. Tuy nhiên, cũng trong năm này, khu vực bờ biển của quốc gia Nam Mỹ lại chứng kiến lượng mưa thấp hơn 10 lần so với hằng năm, đẩy nước này rơi vào nguy cơ bị hạn hán. Rút ra kinh nghiệm từ thực tế trên, từ năm 2018, Peru đã công bố kế hoạch chi 9 tỷ USD để tái xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng thêm nhiều hồ chứa tại khu vực miền núi để trữ và điều tiết nước.

 Toàn cảnh đập Marina Barrage ở Singapore. Ảnh: Greenroofs.

Toàn cảnh đập Marina Barrage ở Singapore. Ảnh: Greenroofs.

Singapore đã xây nhiều hồ trữ nước để vừa có thể chống lụt, chống nước dâng, vừa có nguồn nước ngọt cho người dân. Công trình tiêu biểu là hồ chứa và đập Marina Barrage dài 350m với chi phí 135 triệu USD. Nếu mưa lớn khi thủy triều xuống, các cổng đập sẽ được hạ xuống để giải phóng lượng nước dư thừa từ hồ chứa ra biển. Nếu mưa lớn xảy ra khi thủy triều lên, các cổng sẽ được đóng lại, máy bơm thoát nước khổng lồ được kích hoạt để bơm nước thừa từ hồ chứa ra biển.

Khuyến cáo người dân ở trong khu vực có nguy cơ

Các cơ quan ứng phó các tình huống khẩn cấp của một số nước như Mỹ, Anh khuyến cáo người dân thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin cảnh báo mưa, lũ; cần lưu ý tại các dòng suối, kênh thoát nước, hẻm núi và các khu vực khác được xác định là có thể ngập lụt bất ngờ mà có hoặc không có các cảnh báo thông thường chẳng hạn như đám mây mưa hay mưa lớn.

 Tin nhắn di động cảnh báo lũ quét tại Mỹ. Ảnh: National Weather Service.

Tin nhắn di động cảnh báo lũ quét tại Mỹ. Ảnh: National Weather Service.

Các nhà mạng di động ở những khu vực có nguy cơ được chính quyền hợp đồng gửi tin nhắn khẩn cấp về nguy cơ lũ quét, sạt lở đất đến tất cả các số di động. Bản thân tác giả bài viết này đã có một thời gian học tập, sinh sống tại bang Kansas, Mỹ-nơi thường chứng kiến mực nước trên sông Missouri tăng cao đột biến, có thể xảy ra lũ quét. Nếu tình hình có nguy cơ cao, người dùng di động sẽ nhận được tin nhắn cảnh báo mỗi 1 tiếng và có thể tần suất sẽ tăng lên thành 15-30 phút/lần.

Theo Cơ quan Quản lý Tình trạng khẩn cấp Liên bang Mỹ, mọi người dân nên học và tìm hiểu các lộ trình, tuyến đường sơ tán, các kế hoạch trú ẩn và ứng phó với lũ quét, sạt lở đất. Khi có khả năng xảy ra, người dân cần chủ động sơ tán, đừng chờ đến khi có hướng dẫn di chuyển. Để “sống sót” trong thời kỳ ngập lụt, người dân cũng được yêu cầu chuẩn bị sẵn các nhu yếu phẩm, dự trữ nước uống, lương thực, thực phẩm, thuốc men có thời hạn sử dụng dài ngày và các vật dụng cần thiết (pin, ắc-quy, sạc điện thoại dự phòng...) đủ dùng ít nhất trong 7 ngày.

Tại các cấp học từ tiểu học ở Mỹ, đặc biệt là ở các bang có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, học sinh đều được trang bị những kiến thức cơ bản về tìm nơi trú ẩn an toàn, cách phát đi dấu hiệu cần giúp đỡ, cách gọi điện cứu hộ khẩn cấp, học bơi, ngắt các thiết bị điện...

Quân đội nhiều nước tham gia ứng phó với thiên tai

 Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa Sót (Bộ chỉ huy BĐBP Hà Tĩnh) và bộ đội QĐND Lào sang công tác tại Nghệ An giúp dân khắc phục hậu quả bão lụt vào tháng 6-2009. Ảnh: QUANG THÁI.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa Sót (Bộ chỉ huy BĐBP Hà Tĩnh) và bộ đội QĐND Lào sang công tác tại Nghệ An giúp dân khắc phục hậu quả bão lụt vào tháng 6-2009. Ảnh: QUANG THÁI.

Lục quân Mỹ cho biết, Lục quân Mỹ nói chung và lực lượng công binh của Lục quân Mỹ đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ chiến đấu cũng như hỗ trợ, trong đó có khả năng về người và thiết bị (cầu phà, máy bay, xe ủi, xuồng cao tốc...) để thực hiện hỗ trợ các cơ quan liên quan trong các trường hợp khẩn cấp hoặc lũ lụt. Mặc dù công tác phòng, chống, ứng phó với thiên tai thuộc về thẩm quyền của mỗi tiểu bang, nhưng khi tình huống đó vượt ra ngoài kiểm soát hoặc khả năng, quân đội Mỹ sẽ sẵn sàng cử lực lượng và phương tiện đến những nơi được yêu cầu để giúp giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.

Tháng 9-2017, Bộ Quốc phòng Mỹ đã điều ít nhất 8 tàu chiến bên cạnh tàu sân bay Abraham Lincoln tham gia các chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ tại bang Florida vì ảnh hưởng bão Irma. Tháng 10-2018, cơn bão Michael được xếp vào một trong những cơn bão mạnh nhất trong lịch sử nước Mỹ, đổ bộ vào khu vực Panhandle của bang Florida và quét qua một số bang khác, gây thiệt hại lớn về tài sản. Lục quân Mỹ đã phải sử dụng máy móc hạng nặng để mở đường cho các nhân viên cứu hộ có thể thực hiện công tác tìm kiếm những cư dân đang bị mắc kẹt trong đống đổ nát, đồng thời tìm kiếm những nạn nhân thương vong.

 Binh sĩ Lục quân Mỹ hỗ trợ sơ tán người dân từ vùng lũ lụt đến nơi an toàn. Ảnh: US Army.

Binh sĩ Lục quân Mỹ hỗ trợ sơ tán người dân từ vùng lũ lụt đến nơi an toàn. Ảnh: US Army.

 Binh sĩ thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tham gia một nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn sau lũ lụt tại phía Tây nước này năm 2019. Ảnh: Nikkei Asia Review.

Binh sĩ thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tham gia một nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn sau lũ lụt tại phía Tây nước này năm 2019. Ảnh: Nikkei Asia Review.

Ở các quốc gia phương Tây, luật pháp quy định rõ chính quyền dân sự cùng các lực lượng dân sự chịu trách nhiệm chính trong phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn và hỗ trợ dân sự. Đặc biệt, người dân tại các nước này phải chủ động phòng tránh thiên tai và khi thảm họa xảy ra phải theo sự hướng dẫn của chính quyền. Kể từ sau chiến tranh lạnh, công tác cứu hộ, cứu nạn và hỗ trợ dân sự trong thảm họa được một số nước luật hóa thành một nhiệm vụ của quân đội. Nhưng việc huy động quân đội trong phòng chống thiên tai cũng rất hạn chế. Thường thì quân đội các nước phương Tây không có các hoạt động hỗ trợ người dân phòng tránh mà thiên tai mà chỉ tham gia khi mức độ thảm họa lớn, xảy ra trên diện rộng vượt khỏi tầm kiểm soát của chính quyền địa phương. Nói cách khác quân đội các nước phương Tây không nhiều các hoạt động hỗ trợ người dân phòng tránh thiên tai.

Cụ thể đối với quân đội Mỹ, ngay cả khi tham gia thì quân đội cũng chỉ sự dụng lực lượng hạn chế. Một trong những lần quân đội Mỹ sử dụng số lượng binh sĩ quân đội lớn nhất đó là để tìm kiếm, cứu nạn, khắc phục hậu quả do siêu bão Katrina. Sau khi siêu bão gây ra thảm họa cho thành phố New Orleans miền Nam nước Mỹ, tháng 8-2005, chính quyền bang đề nghị Chính phủ liên bang trợ giúp. Chỉ đến lúc này quân đội Mỹ mới huy động hơn 1.000 quân dự bị, vệ binh quốc gia và 7.200 quân thường trực tham gia hỗ trợ dân sự, tìm kiếm, cứu nạn.

Khác với các nước phương Tây, các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia và Philippines đều quy định trong luật việc sử dụng quân đội tham gia vào các hoạt động phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Mặc dù vậy, vai trò của quân đội các nước cũng không hoàn toàn giống nhau. Trong khi luật của Indonesia và Philippines quy định rõ công tác phòng chống thiên tai là một nhiệm vụ của quân đội, thì Thái Lan quy định quân đội đóng vai trò cấu thành trong lực lượng phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn và chỉ tham gia khi có yêu cầu của các cấp có thẩm quyền. Theo luật của các nước này, quân đội được quy định rõ quyền hạn, chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm cũng như nguyên tắc phối hợp, hiệp đồng với các lực lượng khác trong phòng chống thiên tai, cứu nạn, hỗ trợ dân sự.

Xuất phát từ nhiệm vụ đã được luật định, quân đội Philippines biên chế thành phần lực lượng phòng chống thiên tai trong các đơn vị. Lực lượng này được huấn luyện các kỹ năng phòng chống thiên tai, cứu nạn, hỗ trợ dân sự và phối hợp, hiệp đồng với các lực lượng khác. Các đơn vị quân đội cũng thường xuyên phối hợp với chính quyền và lực lượng khác diễn tập các tình huống phòng chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn.

Trước khi 3 siêu bão Saudel, Molave và Goni liên tục đổ bộ vào Phillipines trong tháng 10 vừa qua, quân đội nước này đã thành lập các sở chỉ huy dã chiến tại các địa bàn có nhiều nguy cơ thiên tai. Các sở chỉ huy này được đặt dưới sự chỉ đạo của Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Philippines và Hội đồng Quốc gia về Quản lý và Giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Các sở chỉ huy phía trước cũng có chức năng điều phối hoạt động các đơn vị quân đội với chính quyền sở tại và các lực lượng khác trong nỗ lực phòng chống thiên tai, cứu nạn, cứu trợ tại địa phương. Nhờ có sự tham gia tích cực, hiệu quả của quân đội cũng như sự phối hợp tốt giữa các lực lượng, cả 3 siêu bão kể trên không gây thiệt hại quá lớn, đặc biệt là về người, so với những gì mà siêu bão Haiyan gây ra hơn 7 năm trước.

Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, trong các tài liệu huấn luyện, khẳng định bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, quân đội Nhật Bản còn sẵn sàng thực hiện và tham gia tích cực vào các hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai. Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản coi đây cũng là một nội dung đòi hỏi chuyên môn nghiệp vụ cũng như sự dẻo dai về thể chất và tinh thần của binh sĩ. Tháng 7-2018, khu vực Kaitaichi ở phía Tây tỉnh Hiroshima hứng chịu trận mưa lớn, nhiều nơi sạt lở, có thể dẫn đến hơn 200 người thiệt mạng. Sau khi nhận được yêu cầu xin hỗ trợ từ giới chức địa phương, Trước tình hình đó, Lữ đoàn 13, Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, đóng quân tại đó đã cử binh sĩ và thiết bị đến khu vực này để tham gia vào công tác sơ tán người dân và tài sản, tìm kiếm người mất tích, phân phát đồ cứu trợ tại những nơi khó tiếp cận. “Các binh sĩ đã không quản ngại khó khăn, có lúc đối mặt với nguy hiểm đến tính mạng, nhưng vẫn thực hiện tốt nhiệm vụ cứu nạn, cứu trợ, được chính quyền và người dân đánh giá cao,” tờ Nikkei Asia Review trích lời một người dân ở Kaitaichi.

Kinh nghiệm thành công ở Trung Quốc

Với 65% diện tích lãnh thổ là đồi núi, điều kiện địa chất và hoạt động kiến tạo phức tạp, Trung Quốc là một trong những quốc gia thường xuyên phải chống chọi với các thảm họa về lũ lụt, sạt lở.... Chỉ tính riêng năm 2019, tại quốc gia này đã xảy ra 6181 vụ tai biến địa chất, trong đó sạt lở 4220 vụ (chiếm 68,27%), gây thiệt hại lớn về con người và tiền của.

Trước thực trạng đó, để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống lũ lụt, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, chính phủ nước này đã xây dựng và thực hiện thống nhất một cơ chế quản lý và chỉ huy tập trung. Ủy ban quốc gia về phòng, chống lũ lụt và khô hạn được thành lập với thành phần chính là lực lượng chức năng của Quốc vụ viện và Bộ Tham mưu Liên hợp (Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc). Bộ Thủy lợi thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nguồn nước. Ngoài ra, ở mỗi cấp từ trung ương xuống đến các tỉnh, địa khu và cấp huyện đều có một cơ quan quản lý nguồn nước, chịu trách nhiệm xây dựng thủy lợi và quản lý nước theo khu vực được phân công. Ở 7 dòng sông lớn là Trường Giang, Hoàng Hà, Hoài Hà, Hải Hà, Châu Giang, Liêu Hà, Tùng Hoa, đều thành lập một ủy ban thủy lợi riêng, trực thuộc Bộ Thủy lợi. Cơ quan này sẽ căn cứ vào tình hình cụ thể ở từng thời điểm để xác định kế hoạch ứng phó khẩn cấp. Các địa phương từ cấp huyện đến địa khu và tỉnh đều thành lập cơ quan chỉ huy phòng chống lũ lụt, đặt dưới sự lãnh đạo và chỉ huy tập trung, thống nhất của người đứng đầu chính quyền cùng cấp.

 Trung Quốc thường xuyên phải hứng chịu các đợt lũ lụt. Ảnh: Tân Hoa xã.

Trung Quốc thường xuyên phải hứng chịu các đợt lũ lụt. Ảnh: Tân Hoa xã.

Do 60-70% diện tích dòng chảy của các con sông lớn ở Trung Quốc thuộc vùng núi, lượng nước ở thượng nguồn lớn, trong khi khả năng tiêu lũ ở trung và hạ nguồn còn yếu, nên việc quy hoạch, quản lý và phòng chống lũ, lụt được thực hiện theo phương châm: “ Tích - xả kết hợp, lấy xả là chính”. Giải pháp mà Trung Quốc áp dụng ở đây là xây dựng các đập ngăn lũ ở thượng nguồn; khơi thông dòng chảy, trầm tích ở trung du và hạ nguồn để tăng cường năng lực tiêu lũ. Bên cạnh đó, triển khai các biện pháp phân lũ bằng cách lợi dụng các hồ và vùng đất thấp để xây dựng các khu vực chứa và giữ nước, nạo vét và đào thêm các dòng chảy hướng thẳng ra biển.

Vào mùa lũ, quân đội và nhân dân sẽ được tăng cường huy động tham gia phòng, chống lũ lụt, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Mỗi đơn vị và cá nhân, nhất là lực lượng cứ trú và đóng quân hai bên bờ sông đều có nghĩa vụ phải tham gia phòng, chống lũ lụt, theo sự phân công của cơ quan phòng, chống lũ lụt các cấp. Trong đó, quân đội là lực lượng xung kích cứu hộ cứu nạn khi có các đợt lũ lớn xảy ra. Người dân là lực lượng chủ yếu thực hiện nhiệm vụ tuần tra đê điều và xử lý sự cố thông thường ở các công trình chống lũ.

Bên cạnh đó, kết hợp chặt chẽ giữa lực lượng chuyên trách và người dân, sẵn sàng bổ trợ cho nhau khi cần. Khi mực nước sông thấp, việc tuần tra, kiểm soát các công trình ven sông do cơ quan chức năng phụ trách. Khi nước lũ dâng cao, dưới sự điều hành của nhân viên kỹ thuật, cư dân hai bên bờ sông sẽ là lực lượng chủ yếu trực tiếp tham gia tuần tra và bảo vệ các công trình cả ngày lẫn đêm. Các đội cơ động luôn túc trực 24/24, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn.

Thúc đẩy các giải pháp phi công trình, bảo hiểm lũ lụt

Ngoài việc tăng cường đầu tư xây dựng, gia cố các công trình chống, phòng lũ lụt, Trung Quốc coi trọng áp dụng các giải pháp phi công trình, như dự báo, cảnh báo sớm; quản lý vùng chứa nước; nạo vét dòng chảy; chính sách bảo hiểm lũ lụt; cứu trợ thảm họa....

Hơn 20.000 trạm cùng hàng nghìn điểm quan trắc và hệ thống dự báo tự động được lắp đặt trên toàn quốc để thực hiện dự báo và cảnh báo sớm. Các thiết bị hiện đại như vệ tinh, radar, hệ thống quan trắc thủy văn và truyền số liệu vô tuyến điện tiến hành xử lý, dự báo chính xác các đặc trưng cơ bản của lũ lụt như: đỉnh lũ, lượng nước, mức lũ, tốc độ dòng chảy, thời gian lũ đến, lịch sử lũ….

Clip về một trận lũ lụt tại Trung Quốc. Nguồn: We Chat.

Để giúp người dân sớm ổn định cuộc sống, giảm gánh nặng cho xã hội và chi phí của nhà nước, từ những năm 80 của thế kỷ trước, Trung Quốc đã bắt đầu thực hiện chế độ bảo hiểm lũ lụt đối với cư dân và các đơn vị trong vùng lũ. Đối tượng tham gia theo một trong hai hình thức là tự nguyện hoặc bắt buộc, được các công ty bảo hiểm bồi thường khi có thiệt hại về tài sản. Đây là một trong những giải pháp phi công trình quan trọng mà Trung Quốc đang áp dụng. Một số nước như Mỹ, Anh, Australia, New Zealand, Ấn Độ cũng đã thực hiện chính sách này.

Từ sau trận “đại hồng thủy” năm 1998 trên sông Trường Giang và sông Tùng Hoa, Chính phủ Trung Quốc đã áp dụng mô hình: “Người dân kiểm soát, người dân phòng tránh” trong phòng, chống lũ lụt và sạt lở đất. Đây là hình thức huy động sự tham gia quần chúng nhân dân ở chính những điểm có nguy cơ cao về thảm họa địa chất, hình thành nên một mạng lưới giám sát, phòng ngừa những hiện tượng bất thường của thiên nhiên, từ đó giúp người dân chủ động có biện pháp phòng tránh. Với hơn 29 vạn người tham gia, mô hình này được triển khai thực hiện ở ba cấp (huyện, xã và thôn), tại tất cả những khu vực có nguy cơ cao về lũ lụt, thảm họa địa chất và được vận hành theo chế độ “tam tra” (điều tra trước mưa, tuần tra trong mưa và phúc tra sau mưa).

Công việc hằng ngày của họ là thay phiên nhau trực ban, tuần tra kiểm soát, ghi chép số liệu quan trắc đơn giản và báo cáo nhanh tình hình. Bất kể ngày hay đêm, những dấu hiệu bất thường về lượng mưa, nứt nẻ, chuyển dịch của mặt đất, độ nghiêng của cây cối, đột biến về lượng nước, biểu hiện của động vật..., đều được người dân quan sát và báo cáo lên trên. Họ được hưởng trợ cấp, khi thực hiện nhiệm vụ được trang bị các loại thiết bị giám sát thông minh, phân tích và gửi dữ liệu tự động; đồng thời phải trải qua các lớp bồi dưỡng, tập huấn những kiến thức cơ bản, dấu hiệu nhận biết thảm họa, cách thức thông báo và kỹ năng sơ tán khẩn cấp.... Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường, người đảm nhiệm trực ban lập tức gõ kẻng cảnh báo, sau đó gửi tin báo cho cơ quan chức năng để có biện pháp ứng phó kịp thời, và phối hợp với lực lương chuyên trách và đội ứng phó khẩn cấp (cũng được thành lập ở 3 cấp huyện, xã và thôn) sơ tán người dân đến khu vực an toàn.

Lực lượng này cùng với đội ngũ chuyên trách đã tạo nên một mạng lưới rộng khắp, xuống tận cơ sở, góp phần tích cực nâng cao ý thức đề phòng, hiệu quả dự báo và khả năng phản ứng của người dân trước các tình huống khẩn cấp về địa chất, đặc biệt ở những khu vực hẻo lánh, vùng núi cao đi lại khó khăn, phương tiện kỹ thuật chưa vươn tới được.

Trung Quốc những năm gần đây đã quy hoạch lại việc phát triển hệ thống thủy điện vừa và nhỏ theo hướng ưu tiên bảo vệ môi trường. Cấm xây dựng thủy điện nhỏ ở những khu sinh thái trọng điểm quốc gia, hạn chế xây dựng ở khu vực sinh thái quan trọng và khu sinh thái yếu. Ở khu vực miền Đông và miền Trung, nơi có mức độ khai thác cao về nguyên tắc sẽ không phát triển thủy điện vừa và nhỏ. Còn tại Vân Nam - một tỉnh miền núi giáp với Việt Nam, từ năm 2016, chính quyền địa phương đã không còn phê duyệt các dự án thủy điện có công suất dưới 250.000KW, những công trình thủy điện vừa và nhỏ đã xây dựng cũng không được phép mở rộng quy mô.

NHÓM PHÓNG VIÊN BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN ĐIỆN TỬ

Trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 9-11, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã trả lời chất vấn của một số đại biểu liên quan đến việc ứng phó với thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và cho biết: Theo thống kê của Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo Liên hợp quốc, hiện nay trên thế giới có nhiều mô hình khác nhau về phòng, chống thiên tai. Hiện nay có khoảng 10 nước thành lập Bộ Tình trạng khẩn cấp như Nga, Trung Quốc, Ukraina, Belarus.... Bộ này ngoài việc ứng phó thiên tai, thảm họa còn có trách nhiệm xử lý những khủng hoảng về an ninh để phòng, chống dịch bệnh trên quy mô lớn.

“Một số quốc gia, vùng lãnh thổ khác như Mỹ, Canada và nhiều nước khác thì thành lập các cơ quan phòng, chống thiên tai quốc gia tương tự như mô hình của Việt Nam. Chính phủ sẽ tiếp tục tổng kết thực tiễn trong quá trình chỉ đạo chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn và kinh nghiệm quốc tế để nghiên cứu những mô hình phù hợp nhất; từ đó có những giải pháp để huy động sức dân trong việc phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ nhau trong quá trình chịu thiệt thòi cho thiên tai để báo cáo Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định”.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/bai-5-kinh-nghiem-cac-nuoc-va-bai-hoc-cho-viet-nam-643387