BÀI 5: Làng công nhân bên rừng cao su ở TP.HCM – Giấc mơ từ vùng cao

Giữa vùng đất phía đông TP.HCM (Bà Rịa), nơi từng là bìa rừng thưa vắng, nay hiện ra một 'ngôi làng nhỏ' tràn đầy sức sống. Hơn 70 hộ dân – phần lớn là người Mông, người Thái, người Tày từ các tỉnh vùng cao như Hà Giang, Lai Châu, Sơn La, Nghệ An – đã chọn nơi đây làm quê hương thứ hai, bắt đầu hành trình đổi đời từ những gốc cao su.

Những giấc mơ vượt rừng, vượt núi

Làng công nhân cao su đội Cù Bị 3 (thuộc Công ty cổ phần cao su Bà Rịa) nằm ở xã Châu Đức, TPHCM (trước là xã Cù Bị, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Ngôi làng nhỏ đang là chốn trú ngụ của hơn 75 hộ gia đình với gần 200 nhân khẩu. Tất cả đều là công nhân cao su từ các tỉnh xa đến làm việc tại TPHCM.

Làng có sân bóng chuyền, có cột cờ giữa sân, bao quanh là tổ ấm của mỗi gia đình công nhân với bếp, giường, tủ quần áo… đủ để đáp ứng những nhu cầu hằng ngày của một gia đình… và quan trọng nhất là miễn phí.

Ly Seo Vạng, 41 tuổi, người Mông ở Hà Giang, từng sống bằng ruộng nương nơi rẻo cao gió hú. Cơ cực theo mùa vụ, cái ăn luôn chật vật. Cách đây 2 năm, anh được người của Công ty CP Cao su Bà Rịa ra đến tận bản tuyển và đưa vào Nam vào làm công nhân. Hôm nay, đứng giữa sân nhà cấp 4 mái tôn mát rượi, anh Vạng ánh mắt rạng ngời: “Công ty xây nhà, có điện, nước sạch, làm lương 12–13 triệu. Ở đây sống như giấc mơ.”

Tương tự, chị Mùa Thị Dính từ Sơn La đưa cả con nhỏ mới 2 tuổi vào Nam. Ở vùng cao, trẻ con phải theo mẹ lên rẫy, nhưng nay đã có nhà trẻ, có chỗ gửi con. Chị xúc động kể: “Có bảo hiểm, có bữa ăn trưa, con được chơi đùa... Em thấy mình được sống như người thành phố.”

 Ngôi nhà được trang bị cơ bản đủ sinh hoạt cho cả gia đình

Ngôi nhà được trang bị cơ bản đủ sinh hoạt cho cả gia đình

Chị Lê Thị Mỹ Nhựt (Đội trưởng đội 7 Công ty cổ phần cao su Bà Rịa) – người được giao quản lý làng công nhân này cho biết, làng được thành lập vào năm 2023, công nhân chủ yếu là người đồng bào đến từ Nghệ An, Hà Giang, Sơn La.

Khi công nhân đến sinh sống tại làng, ngoài nơi ở miễn phí, công nhân sẽ cung cấp nhu yếu phẩm thiết yếu (mùng, mền, gối, gạo, mì, nồi cơm điện, nồi lẩu điện, bình siêu tốc…), mỗi tháng một gia đình còn được tặng 80.000 đồng tiền điện và còn nhiều hỗ trợ thường xuyên khác. Cuối năm, phía công ty còn bao trọn gói hai chiều xe đi về để công nhân về quê và quay lại làm việc.

Không chỉ xây nhà cho ở, gạo và thực phẩm những lúc khó, Công ty còn mở lớp phổ cập tiếng Việt cho người lớn, tổ chức khám sức khỏe định kỳ, và phát động phong trào thi đua nâng cao tay nghề. Trẻ em theo cha mẹ vào Nam không bị đứt gãy học tập. Những người phụ nữ từng quanh năm cuốc đất nay biết thao tác kỹ thuật, biết giữ latex, biết đọc chữ. Họ không chỉ đi làm – họ đang học để sống một đời khác.

 Những đứa trẻ theo ba mẹ vào Nam được cho đi học ngay tại gần chỗ ở

Những đứa trẻ theo ba mẹ vào Nam được cho đi học ngay tại gần chỗ ở

Nhờ chế độ tốt nên số lượng lao động ở làng công nhân tăng mạnh theo từng năm. “Khi mới thành lập (2023) cả làng chỉ có 35 lao động; chỉ 1 năm sau (2024) đã tăng lên tới 86 lao động và tính đến tháng 7/2025, trong làng hiện có 75 hộ với gần 200 nhân khẩu, trong đó có 160 người là lao động tại Công ty cổ phần cao su Bà Rịa", chị Nhựt vui mừng kể.

Xanh hóa vùng đất mới – gieo tương lai bằng cây cao su

Làng công nhân này không phải phép màu ngẫu nhiên. Đó là một bước đi có tính toán – phát triển vùng đất mới bằng cách đưa dân đến an cư, tạo sinh kế từ cây cao su, ổn định dân cư, và đồng thời giữ rừng, giữ đất. Trong khi nhiều nơi đô thị hóa, thì ở đây, những cánh rừng cao su vẫn xanh mướt nhờ bàn tay của những con người mới đến, yêu rừng như yêu đất mẹ quê nhà.

Cao su không chỉ là ngành kinh tế – đó là chất keo cố kết con người và mảnh đất. Những công nhân từ vùng cao, bằng bàn tay cần cù, đang viết tiếp giấc mơ đổi đời. Và ngôi làng nhỏ giữa TP.HCM – bên rừng cao su bạt ngàn – chính là minh chứng sinh động cho sức sống bền vững của ngành cao su Việt Nam trong hành trình dựng xây cộng đồng, phát triển an sinh và lan tỏa nhân văn giữa lòng đô thị.

 Một góc sản xuất ở nhà máy Công ty CP Cao su Bà Rịa

Một góc sản xuất ở nhà máy Công ty CP Cao su Bà Rịa

Ông Trần Khắc Chung - Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Bà Rịa nhấn mạnh: “Tại Cao su Bà Rịa, chúng tôi không xem người lao động là chi phí, mà là vốn quý. Giữ được công nhân là giữ được rừng, giữ được nghề. Vì vậy, chúng tôi luôn đặt họ làm trung tâm của mọi chiến lược phát triển”.

“Chúng tôi không chỉ phát triển cao su, mà còn hướng tới một hệ sinh thái sản xuất – chế biến – công nghiệp xanh, nơi giá trị bền vững là nền tảng. Cao su Bà Rịa muốn trở thành một mô hình nông nghiệp công nghiệp hiện đại, hiệu quả và có trách nhiệm với con người” - ông Trần Khắc Chung cho biết.

Công ty cổ phần cao su Bà Rịa là đơn vị trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, nằm tại xã Ngãi Giao (TPHCM). Hiện công ty đang quản lý tổng diện tích 8.800 ha cao su, trong đó diện tích kinh doanh là hơn 6.000 ha.

Trong năm, công ty đã khai thác và thu mua hơn 7.900 tấn mủ cao su; chế biến được hơn 8.700 tấn; tổng doanh thu đạt gần 500 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 134 tỉ đồng. Hiện công ty đang quản lý bình quân khoảng 1.178 lao động, trong đó có 811 công nhân khai thác: 811 người (với 250 người là đồng bào dân tộc thiểu số).

Ngoài việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, kết hợp phát triển năng lượng sạch, công ty đang tiếp tục liên hệ các sở ban ngành TP.HCM về việc chấp thuận cho làm chủ đầu tư khu công nghiệp.

Trong nhiệm kỳ 2025–2030, Cao su Bà Rịa đặt mục tiêu doanh thu trên 3.699 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.002 tỷ, thu nhập bình quân từ 13,5 triệu đồng/người/tháng trở lên. Trong đó, bên cạnh lĩnh vực cao su, công ty sẽ tăng tỷ trọng từ khu công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao, đẩy mạnh các dự án chuyển đổi xanh, phát triển sản phẩm chế biến sâu và ứng dụng công nghệ vào chuỗi giá trị.

Ông Trần Khắc Chung - Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Bà Rịa

Nguyễn Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/bai-5-lang-cong-nhan-ben-rung-cao-su-o-tphcm-giac-mo-tu-vung-cao-post1763402.tpo