Bài 9: Cần hạ tầng năng lượng 'may đo' và cơ chế DPPA đón sóng đầu tư công nghệ cao
Điện không chỉ là huyết mạch của nền kinh tế mà còn là nền tảng cho các ngành công nghệ tương lai như trí tuệ nhân tạo (AI), bán dẫn và trung tâm dữ liệu. Việt Nam đang chủ động phát triển các ngành công nghệ cao trong kỷ nguyên mới. Với mục tiêu đó, nhu cầu điện sạch, ổn định, giá cạnh tranh đang trở thành một trong những yếu tố then chốt, vừa đặt ra áp lực lên hệ thống điện quốc gia, vừa tạo động lực mạnh mẽ để thúc đẩy chuyển đổi năng lượng và đầu tư hạ tầng 'điện đi trước một bước'.
Điện sạch đảm bảo Việt Nam không “hụt hơi” trong làn sóng công nghệ cao
Trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên trong năm 2025, tạo đà cho những năm tiếp theo đạt tăng trưởng 2 con số, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, việc chuẩn bị hạ tầng chiến lược, trong đó không thể thiếu hạ tầng năng lượng, đảm bảo đủ điện trong bất cứ trường hợp nào là yêu cầu then chốt.
Báo cáo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ) vào cuối năm 2024 cũng đã chỉ rõ thách thức của hạ tầng năng lượng khi các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn đều rất quan tâm đến khả năng đáp ứng đủ và ổn định hạ tầng điện. Một số tập đoàn lớn như Samsung, Intel đề nghị được cung cấp ổn định năng lượng tái tạo, bền vững với mức giá ưu đãi. Tuy nhiên, hệ thống điện, đặc biệt là điện sạch của Việt Nam vẫn còn hạn chế. Việc chuẩn bị hạ tầng về năng lượng, đặc biệt là năng lượng sạch là yêu cầu tiên quyết thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), tạo nội lực quan trọng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam.

Nhu cầu điện sạch, ổn định, bền vững với mức giá ưu đãi đang ngày càng cao đối với thu hút FDI công nghệ cao
Theo báo cáo từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trong thập kỷ tới, AI sẽ khiến mức tiêu thụ điện toàn cầu tăng mạnh, đặc biệt là từ các trung tâm dữ liệu. Dự báo đến năm 2030, điện tiêu thụ tại các trung tâm dữ liệu toàn cầu sẽ tăng hơn gấp đôi, tương đương với tổng lượng điện mà cả nước Nhật sử dụng hiện nay. Trong đó, riêng các trung tâm phục vụ AI có thể tăng tiêu thụ điện gấp hơn 4 lần, vượt cả lượng điện tiêu thụ của toàn ngành sản xuất các vật liệu công nghiệp nặng như nhôm, thép, xi măng và hóa chất.
Để đáp ứng nhu cầu mới này, IEA khuyến nghị các quốc gia cần nhanh chóng đầu tư thêm vào nguồn điện và lưới điện, cải thiện hiệu suất trung tâm dữ liệu, đồng thời thúc đẩy hợp tác giữa các nhà hoạch định chính sách, ngành công nghệ và ngành năng lượng.
Các thách thức để có nguồn điện sạch, ổn định, giá cạnh tranh
Trao đổi với PetroTimes, TS Hoàng Tuấn Dũng - Nghiên cứu viên Cơ quan trao đổi Hàn lâm Đức tại Đại học Bách khoa Hà Nội, Tư vấn viên mảng năng lượng tái tạo của Văn phòng Dịch vụ Dự án của Liên Hợp Quốc (UNOPS) cho biết, các ngành công nghệ cao đòi hỏi nguồn điện liên tục, không được gián đoạn, ổn định điện áp - tần số và là điện sạch từ nguồn năng lượng tái tạo, để thỏa mãn các tiêu chuẩn môi trường - xã hội - quản trị (ESG), quy định CBAM.
Các tập đoàn lớn, doanh nghiệp FDI lớn vào Việt Nam như Apple, Samsung, Intel, Lego, Foxconn, Google... đều công bố cam kết Net Zero hoặc sử dụng 100% năng lượng tái tạo. Đây là cam kết nhằm xây dựng hình ảnh doanh nghiệp, đảm bảo sản phẩm của họ vào được các thị trường khó tính như Mỹ, EU theo cơ chế CBAM... Đây cũng là cơ hội tốt để Việt Nam tận dụng cơ hội trở thành cứ điểm sản xuất hàng hóa chất lượng cao, công nghệ cao. Tuy nhiên, nếu Việt Nam không đảm bảo nguồn điện sạch và ổn định sẽ có thể đánh mất cơ hội trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

TS Hoàng Tuấn Dũng - Nghiên cứu viên Cơ quan trao đổi Hàn lâm Đức tại Đại học Bách khoa Hà Nội, Tư vấn viên mảng năng lượng tái tạo của Văn phòng Dịch vụ Dự án của Liên Hợp Quốc (UNOPS)
Theo TS Hoàng Tuấn Dũng, chi phí điện được ước tính chiếm khoảng từ 10-30% tổng chi phí vận hành trong nhiều ngành công nghệ cao. Nếu điện giá cao sẽ khiến Việt Nam mất tính cạnh tranh so với Thái Lan, Indonesia, Malaysia - những quốc gia lân cận cũng đang rất ráo riết cạnh tranh thu hút FDI chất lượng cao với Việt Nam.
Hiện tại, Việt Nam đang được xem là quốc gia dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về năng lượng tái tạo, nhất là năng lượng gió, mặt trời. Tuy nhiên, một số vấn đề của Việt Nam như hạ tầng truyền tải điện, cơ chế mua bán điện trực tiếp vẫn cần phải cải thiện để thúc đẩy tỷ trọng nguồn điện tái tạo. TS Hoàng Tuấn Dũng đã phân tích một số vấn đề lớn đối với sự phát triển năng lượng của Việt Nam trước yêu cầu điện sạch, ổn định, giá cạnh tranh.
Thứ nhất, phát triển mạnh điện sạch nhưng không để thiếu điện. Việt Nam đã cam kết đạt Net Zero vào năm 2050, các doanh nghiệp FDI cần nguồn điện sạch để đáp ứng ESG, giảm dấu vết carbon, đáp ứng CBAM... Tuy nhiên, nguồn điện tái tạo có đặc điểm là không liên tục, không ổn định và phụ thuộc thời tiết. Hệ thống truyền tải chưa đủ mạnh để tải điện sạch từ các vùng nhiều tiềm năng (Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Nguyên) đến nơi tiêu thụ lớn (như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh). Do vậy, cần tăng tỷ trọng điện sạch mà vẫn đảm bảo ổn định hệ thống điện.
Thứ hai, bù đắp nguồn điện nền khi giảm nhiệt điện than, tránh mất ổn định lưới điện. Nhiệt điện than trong quá khứ từng là trụ cột đảm bảo điện nền (base load) vì tính ổn định. Tuy nhiên, với cam kết giảm phát thải CO₂, các nguồn thay thế như khí LNG gặp thách thức về giá biến động mạnh, phụ thuộc nhập khẩu. Hệ thống pin lưu trữ năng lượng (BESS) có chi phí rất cao, công nghệ chưa phổ biến ở quy mô lớn. Yêu cầu đặt ra là phát triển nguồn điện nền mới (LNG, thủy điện tích năng, pin lưu trữ) để bù khoảng trống do giảm điện than, mà không khiến giá thành điện trở nên quá cao.

Các ngành công nghệ cao và FDI không chỉ cần điện, mà cần điện sạch, ổn định và hạ tầng năng lượng được “may đo” sẵn
Thứ ba, giữ giá điện đủ cạnh tranh để không làm giảm sức hút đầu tư. Thực tế, giá điện Việt Nam vẫn thấp so với ASEAN (8-10 US cent/kWh), nhưng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) liên tục bị lỗ. Giá nhiên liệu (than nhập khẩu, LNG) tăng mạnh, và phát triển hạ tầng lưới điện, năng lượng tái tạo, lưu trữ cần vốn đầu tư lớn. Nếu giá điện tăng quá mạnh sẽ mất sức cạnh tranh thu hút FDI, nếu giá điện thấp hoặc cơ chế giá FIT như trước đây thì Nhà nước bị thua thiệt, sẽ dẫn tới thiếu tiền đầu tư vào hạ tầng truyền tải. Bài toán là làm thế nào để hài hòa giữa giá điện đủ hấp dẫn nhà đầu tư mà vẫn giữ được chi phí sản xuất cạnh tranh cho công nghiệp.
Chuẩn bị hạ tầng chuyên biệt - tạo cơ hội sẵn sàng
Bàn về hướng đi phát triển hạ tầng chuyên biệt, TS Hoàng Tuấn Dũng nhìn nhận các ngành công nghệ cao và FDI không chỉ cần điện, mà cần điện sạch, ổn định và hạ tầng năng lượng được “may đo” (tailor-made) sẵn cho nhu cầu của họ. Việt Nam muốn đón sóng FDI công nghệ cao cần xây hạ tầng năng lượng chuyên biệt.
Trước hết, TS Hoàng Tuấn Dũng đề cập tới quy hoạch nguồn điện tại các khu công nghiệp công nghệ cao và nhấn mạnh cần có điện khí LNG làm nguồn điện nền đề phòng tính thiếu ổn định của điện tái tạo.
Việc đầu tư lưới điện thông minh (Smart Grid) tại các khu công nghệ cao, data center... đảm bảo điện áp, tần số ổn định cũng được nhà nghiên cứu này cho rằng cần thực hiện sớm, để giám sát, tự động điều khiển lưới, tối ưu hóa luồng điện tái tạo và hỗ trợ chia sẻ điện giữa các khu vực.

Các khu công nghiệp công nghệ cao, data center thường tiêu thụ điện lớn, gấp nhiều lần khu công nghiệp thông thường
Đồng thời, ông cũng nhắc tới yêu cầu phát triển lưu trữ năng lượng (BESS) để khắc phục tính chất thiếu ổn định của điện tái tạo, bảo đảm nguồn điện ban đêm, cắt giảm công suất khi cần. Các data center, sản xuất chip yêu cầu điện 24/7, bất kể trời tối hay nắng, do vậy, cần thúc đẩy đầu tư BESS và khuyến khích thủy điện tích năng (pumped storage) ở miền Bắc, miền Trung.
Việc cho phép truyền tải điện chuyên biệt có vai trò quan trọng. Các khu công nghiệp công nghệ cao, data center thường tiêu thụ điện rất lớn, gấp nhiều lần khu công nghiệp thông thường. Nếu vẫn chung lưới điện cũ sẽ dẫn tới quá tải, mất điện. Một số nước như Trung Quốc cho phép đường dây truyền tải riêng từ nguồn điện tái tạo tới nhà máy, theo TS Hoàng Tuấn Dũng, Việt Nam cũng nên xem xét cơ chế cho phép truyền tải riêng, hoặc nâng cấp lưới điện khu vực để phục vụ riêng các khu công nghệ cao.
Một giải pháp về pháp lý mà nhà nghiên cứu này cho rằng cần làm ngay là hoàn thiện cơ chế về Hợp đồng Mua bán điện trực tiếp (DPPA). “Các Tập đoàn Apple, Samsung, Amazon, Google... đều quan tâm tới việc họ có được mua điện tái tạo trực tiếp từ nhà máy sản xuất hay không. Nếu chỉ mua qua EVN, có khả năng họ không chứng minh được nguồn điện sạch. Do đó, cần sớm hoàn thiện DPPA, cho phép ký hợp đồng dài hạn và giao dịch điện xanh trực tiếp giữa nhà sản xuất điện và khách hàng công nghiệp. Ngoài ra, có thể tích hợp chứng chỉ năng lượng tái tạo (RECs hayRenewable Energy Certificates) để chứng minh điện tiêu thụ là nguồn điện sạch”, TS Hoàng Tuấn Dũng đề xuất.
Cuối cùng, cần xây hạ tầng khí LNG, hydrogen. Các nhà máy công nghệ cao, nhất là bán dẫn bắt đầu quan tâm tới nguồn hydrogen xanh cho sản xuất chip hoặc LNG làm nguồn điện nền sạch. Do vậy, TS Hoàng Tuấn Dũng kiến nghị quy hoạch kho LNG gần các vùng công nghiệp lớn và đầu tư hạ tầng hydrogen dần từ năm 2030 trở đi, hướng tới trở thành nước xuất khẩu hydrogen xanh mạnh trong khu vực và châu Á, thế giới.