Bài cuối: Đi tới tương lai thịnh vượng

Bài 3 của chùm bài phản ánh việc phát huy giá trị của tuyến đường lịch sử Trường Sơn trở thành đường Hồ Chí Minh với vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội hôm nay.

Tuyến cao tốc Cam Lộ-La Sơn trên đường Hồ Chí Minh. (Ảnh: Tường Vi/TTXVN)

Tuyến cao tốc Cam Lộ-La Sơn trên đường Hồ Chí Minh. (Ảnh: Tường Vi/TTXVN)

Bài 3 của chùm bài phản ánh việc phát huy giá trị của tuyến đường lịch sử Trường Sơn trở thành đường Hồ Chí Minh với vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội hôm nay.

Bài cuối: Đi tới tương lai thịnh vượng

Đất nước thống nhất, sứ mệnh của đường mòn Trường Sơn đã hoàn thành. Nhưng một ước muốn lại cháy bỏng, đó là phát huy giá trị của tuyến đường lịch sử này trong phát triển kinh tế-xã hội hôm nay. Ước vọng đó thành hiện thực khi ngày 5/4/2000, tại bến phà Xuân Sơn, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, Thủ tướng Chính phủ đã phát lệnh khởi công xây dựng công trình đường Hồ Chí Minh.

Đưa “huyền thoại” trở lại hiện thực

Ký ức của ông Hà Đình Cẩn, nguyên Tổng Giám đốc Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh, vẫn vẹn nguyên những chuyến đi thị sát dọc tuyến đường Trường Sơn cùng Thủ tướng Võ Văn Kiệt - người đã ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể xa lộ Bắc Nam.

Những chuyến đi đó giúp ông nghe nhiều câu chuyện, thấy những nỗi niềm và càng hiểu quyết tâm của Đảng, Nhà nước đưa “huyền thoại” trở lại hiện thực vào năm 1997.

“Khi ấy, cả ngàn cây số từ ngoài vào đến Bắc Tây Nguyên không có lấy một khúc đường nhựa. Thủ tướng nói" Hòa bình đã gần ba chục năm rồi mà cái hạnh phúc đơn sơ nhất của đời người là có đoạn đường tốt, đi lại dễ dàng, đến giờ hàng chục triệu đồng bào vẫn chưa có để mà hưởng, nói gì đến văn minh, phát triển,” ông Hà Đình Cẩn nhớ lại.

Nhưng lúc đó, do kinh tế của đất nước gặp khó khăn nên công trình Xa lộ Bắc Nam tạm dừng triển khai. Năm 1998, mưa bão gây lũ lụt lớn xảy ra liên tiếp ở miền Trung, gây thiệt hại to lớn về người và của, tắc nghẽn giao thông trên tuyến Bắc-Nam và hư hỏng nhiều kết cấu hạ tầng giao thông.

 Đường Hồ Chí Minh qua Khu Dự trữ thiên nhiên Động Châu-Khe Nước Trong. (Ảnh: TTXVN phát)

Đường Hồ Chí Minh qua Khu Dự trữ thiên nhiên Động Châu-Khe Nước Trong. (Ảnh: TTXVN phát)

Trước tình hình đó, Đảng và Chính phủ đã coi việc sớm nối thông trục dọc thứ hai ở miền Trung (đoạn từ Hà Tĩnh vào đến Ngọc Hồi, Kon Tum) như là một nhiệm vụ đột xuất, cấp bách nhằm góp phần bảo đảm giao thông trong mọi tình huống.

Tháng 8/1998, Bộ Chính trị chính thức đổi tên công trình xa lộ Bắc Nam thành Đường Hồ Chí Minh và khẳng định khi nào có điều kiện sẽ tiếp tục mở rộng và xây dựng con đường này theo dọc chiều dài đất nước.

Tháng 4/2000, Thủ tướng Chính phủ phát lệnh khởi công xây dựng giai đoạn I của Dự án đường Hồ Chí Minh.

Năm 2004, Nghị quyết số 38 của Quốc hội đã quyết định xây dựng đường Hồ Chí Minh thành công trình trọng điểm quốc gia với tổng chiều dài toàn tuyến 3.167km, kéo dài từ Pác Bó, Cao Bằng đến tận Đất Mũi Cà Mau.

Theo ông Lê Ngọc Hoàn, nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, việc định hình một tuyến đường xuyên Việt thứ hai có ý nghĩa quan trọng không chỉ về giao thông. Trục dọc này góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và an ninh, quốc phòng. Đồng thời, có tác động rất lớn đến kết nối với các nước Lào, Thái Lan, Campuchia.

“Nếu thời kỳ đó chúng ta chần chừ, có lẽ đã đánh mất thời cơ xây dựng kéo theo những khó khăn trong bảo vệ biên giới đất nước. Bởi, đường Hồ Chí Minh đã trở thành tuyến chi viện để mở các tuyến đường biên giới và nối thông với các tuyến cửa khẩu. Tuyến đường khi hình thành cũng trở thành tuyến tránh cho Quốc lộ 1A, nhất là trong những giai đoạn ngập lụt”- ông Lê Ngọc Hoàn nhấn mạnh.

Sớm nối thông toàn tuyến

Đã hơn 24 năm kể từ ngày khởi công xây dựng công trình đường Hồ Chí Minh. Tại Hà Tĩnh, đường Hồ Chí Minh không chỉ đáp ứng yêu cầu là tuyến đường huyết mạch lưu thông, cứu hộ, cứu nạn khi bão lũ xảy ra, mà còn tạo ra điểm kết nối thuận lợi, mở rộng quan hệ quốc tế, nhất là giao thông giữa Hà Tĩnh với Lào và các tỉnh phía Đông Bắc Thái Lan qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo.

Điển hình ở Khu kinh tế Vũng Áng, dù lợi thế cảng biển nước sâu là yếu tố quan trọng, nhưng tiềm năng về đường bộ, mà nổi bật là đường Hồ Chí Minh lại góp phần tạo sức bật cho một trong những khu kinh tế quan trọng của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

 Đoạn đường qua huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông thuộc đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên-Bình Phước có tổng chiều dài 553km, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực Tây Nguyên. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Đoạn đường qua huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông thuộc đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên-Bình Phước có tổng chiều dài 553km, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực Tây Nguyên. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Hàng hóa từ đây qua Lào hay vùng Đông-Bắc Thái Lan hoặc ngược lại, theo đường này với khoảng 500km là quãng đường ngắn nhất so với các tuyến đường bộ khác.

Ở Quảng Bình, con đường huyền thoại mang tên Bác đi qua tỉnh đã hình thành nhiều khu kinh tế mới. Quảng Bình cũng tận dụng cơ hội này để thực hiện kế hoạch di dân, chinh phục vùng gò đồi, phát triển kinh tế. Nhiều bản làng xa xôi dần lộ diện khi đường đi qua. Nhiều làng thanh niên lập nghiệp mọc lên dọc theo tuyến đường nhằm khai thác tiềm năng về tài nguyên, lao động, từng bước nâng cao văn hóa, dân trí ở các vùng xa xôi, hẻo lánh.

Còn ở huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, sau khi đường Hồ Chí Minh đi qua, mảnh đất ngã ba biên giới đã phá được thế ngõ cụt. Ngọc Hồi cũng khai mở tiềm năng phát triển kinh tế khi Chính phủ quyết định mở cửa khẩu, xây dựng Khu Kinh tế Bờ Y, có những cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt nhằm thu hút đầu tư, đưa nơi đây thành cửa ngõ giao thương của Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV), là điểm nhấn trong chiến lược liên kết phát triển giữa các nước ASEAN và tiểu vùng sông Mekong, đáp ứng yêu cầu phát triển Hành lang kinh tế Đông Tây.

Đường Hồ Chí Minh đi đến đâu, cuộc sống của đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng trước đây, đổi thay đến đó. Tuy nhiên, trục dọc thứ hai này vẫn chưa hoàn toàn thông tuyến, chưa hoàn chỉnh các đường ngang nối tuyến đường này với các quốc lộ, tỉnh lộ, khu cửa khẩu, cảng biển, hệ thống điểm dừng, điểm nghỉ, các cửa hàng xăng dầu dọc tuyến.

Cũng vì vậy mà dự án chưa thực sự phát huy hết hiệu quả, chưa tạo được sự kết nối liên vùng, tạo tiền đề tăng trưởng mạnh về mọi mặt, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Thách thức lớn là địa hình hiểm trở, núi cao, vực sâu, địa chất phức tạp cùng hàng nghìn tấn bom mìn còn sót lại sau chiến tranh ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên.Song, Đảng, Nhà nước, Quốc hội và cơ quan hữu quan đang nỗ lực sớm hoàn thành dự án đường Hồ Chí Minh.

Mới đây, Bộ Giao thông vận tải cho hay, dự án có tổng chiều dài 2.744km, được khởi công năm 2000, đến nay đã hoàn thành 2.488 km (đạt hơn 90%) và khoảng 258km tuyến nhánh.

Với 256km còn lại thuộc 5 dự án thành phần đang triển khai, dự kiến tiến độ một số đoạn sẽ hoàn thành vào năm 2025.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua cũng đề nghị Chính phủ bố trí vốn để hoàn thành toàn tuyến theo Nghị quyết của Quốc hội. Đồng thời nêu rõ đây là tuyến đường có ý nghĩa quan trọng về lịch sử, chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của quốc gia.

Việc cơ bản hoàn thành dự án đã góp phần phát triển đất nước, đặc biệt là đối với các khu vực miền núi phía Bắc, miền Trung-Tây Nguyên và đồng bằng Nam Bộ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/bai-cuoi-di-toi-tuong-lai-thinh-vuong-post950859.vnp