Bài cuối: May lại những 'chiếc áo' đã chật

Nếu xây dựng nông thôn mới là may chiếc áo mới cho tương xứng với diện mạo nông thôn thì đã đến lúc, chiếc áo đó có nhiều chỗ cần phải may lại cho phù hợp. Để có 'chiếc áo' không bị chật trong thời gian dài, nhiều xã nông thôn mới đã có cách làm hay, sáng tạo.

Khi “chiếc áo” nông thôn mới đã chật

Nhà văn hóa thôn Na Hạ, xã Lùng Vai (Mường Khương) được mở rộng.

Nhà văn hóa thôn Na Hạ, xã Lùng Vai (Mường Khương) được mở rộng.

Trở lại câu chuyện với Bí thư Đảng ủy xã Phú Nhuận Nguyễn Hữu Lý, sau gần 4 năm đạt chuẩn nông thôn mới, bất cập về giao thông liên thôn đã xuất hiện, đường chật, phương tiện tăng nhanh khiến cấp ủy đảng, chính quyền xã đau đầu đi tìm lời giải cho câu hỏi: làm thế nào để mở rộng gần 70 km đường liên thôn đã đổ bê tông trước đây?

Các ý kiến, biện pháp đã được đưa ra, nhưng khi triển khai thử nghiệm tại một số thôn thì gặp khó khăn, bởi diện tích mở rộng đường vướng vào đất của dân. Người ủng hộ thì có mặt bằng để làm, người không ủng hộ thì “bó tay”, thành ra tuyến đường chỗ phình, chỗ thắt.

Trước tình thế đó, Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới xã Phú Nhuận đã tổ chức họp với tất cả bí thư chi bộ, trưởng thôn bàn và thống nhất cách làm. Dù có nhiều ý kiến khác nhau nhưng chung lại đều thống nhất, muốn làm giàu phải có đường lớn, không ai ngoài người dân chung sức mới làm được đường lớn. Nhưng để làm được, bằng mọi giá phải phát huy vai trò chủ thể của người dân, thậm chí còn động vào thể diện, lòng tự trọng của người dân, của từng thôn.

Khẩu hiệu “Đường rộng lòng người rộng”, “Đường hẹp lòng người hẹp” đã khiến nhiều người dân “thức tỉnh”, họ vui vẻ hiến đất sản xuất để tiếp tục mở rộng tuyến đường mà trước đây họ đã đóng góp nhiều công sức. Có thể kể đến câu chuyện ở thôn Nhuần 4 như minh chứng sống động cho chủ trương khơi dậy lòng tự trọng, thể diện của người dân. Năm 2018, xã chọn thôn Nhuần 4 triển khai mở rộng đường từ 4,8 m lên 6 m với chiều dài 1,3 km. Tuy nhiên, để mở rộng được đường, bắt buộc phải lấy vào một phần đồi chè của một số hộ. Theo tính toán, các hộ sẽ phải chặt bỏ hơn 4.000 cây chè đã 14 năm tuổi, đang cho thu hoạch ổn định. Những tưởng sẽ khó khăn, nhưng các hộ không chút đắn đo, đã chặt bỏ chè để thôn làm đường và hoàn thành vượt tiến độ đề ra trong sự ngưỡng mộ của người dân nhiều thôn khác

Chỉ trong 2 năm, phong trào mở rộng đường liên thôn ở Phú Nhuận đã diễn ra mạnh mẽ, các thôn trong xã đã mở rộng đường từ 4,8 m lên 6 m được 20,5 km, trong đó đổ bê tông mặt đường rộng từ 3 m lên 4 m được 10 km. Trong thời gian tới, Phú Nhuận sẽ hoàn thành mở rộng các tuyến đường giao thông liên thôn, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển nông sản của người dân. Nhìn lại thành quả đạt được, Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Hữu Lý không giấu được vui mừng vì khẩu hiệu “Đường rộng lòng người rộng” rất đúng và trúng.

Cũng như Phú Nhuận, dù là xã đầu tiên của huyện Văn Bàn được công nhận xã nông thôn mới và tiến gần đến mục tiêu xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, Văn Sơn (hiện đã sáp nhập với xã Võ Lao) cũng phải đối mặt với những khó khăn do thành quả đạt được dường như đang nhỏ bé với sự phát triển. Tuy nhiên, do có sự tính toán kỹ và “để dành” quỹ đất cho sau này, nên Văn Sơn bớt gặp trở ngại khi mở rộng đường liên thôn.

Ông Trần Văn Thành, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Văn Sơn chia sẻ: ngay từ thời điểm bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, khi vận động người dân hiến đất làm đường, xã đã tính đến phương án sau này sẽ phải mở rộng. Bởi thế, mỗi tuyến đường đều có hành lang 2 bên rộng khoảng 5 m, người dân vẫn có thể sản xuất trên đất đó, nhưng phải cam kết không được xây dựng nhà ở hoặc những công trình kiên cố. Bởi thế, khi mở rộng những tuyến đường từ 3 m lên 6 m rất thuận lợi, người dân cũng đồng tình ủng hộ.

Đi dọc các tuyến đường liên thôn ở Văn Sơn, không chỉ chúng tôi, mà nhiều người vô cùng ngạc nhiên bởi các tuyến đường được đổ bê tông với chiều rộng đến 5 - 6 m, hai bên đường trồng hoa rực rỡ sắc màu.

Theo ông Thành, tầm nhìn trong xây dựng nông thôn mới có vai trò rất quan trọng, nếu không, cấp ủy đảng, chính quyền và người dân trong xã sẽ liên tục phải “chạy theo” những tiêu chí thay đổi. Tuy nhiên, người dân nông thôn chủ yếu sản xuất nông nghiệp, tấc đất quý như tấc vàng, nên để vận động người dân hiến diện tích lớn đất sản xuất trong khi chưa “sử dụng” ngay vào thời điểm đó thực sự không đơn giản. Cho nên, muốn người dân ủng hộ, chính lãnh đạo, cán bộ trong xã phải đi đầu, làm gương, bên cạnh tầm nhìn thì cần có tâm huyết, có những tính toán hợp lý để chi phí đầu tư thấp nhất. “Người dân sẵn sàng hiến 100 m2 đất làm đường, thậm chí tiếp tục hiến thêm 200 m2 để mở rộng đường nếu trong quá trình thực hiện, chính quyền xã tạo được niềm tin, sự đồng thuận và đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu” - ông Thành cho hay.

Giao thông nông thôn thôn Phú Hải 2, xã Phú Nhuận (Bảo Thắng).

Giao thông nông thôn thôn Phú Hải 2, xã Phú Nhuận (Bảo Thắng).

Có được đường rộng, các xã nông thôn mới còn phải lo làm nhà văn hóa rộng. Trở lại với câu chuyện của thôn Na Hạ, xã Lùng Vai (Mường Khương), sau khi 3 thôn được gộp làm 1, căn nhà xây 3 gian trở nên chật hẹp so với quy mô dân số của thôn mới. Thế nhưng, “đập đi xây lại” thì tiếc tiền, tiếc công, chi phí xây dựng một nhà văn hóa mới lại không nhỏ, trong khi cuộc sống người dân nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, người dân trong thôn đã họp bàn, tìm giải pháp.

Do quỹ đất của nhà văn hóa còn tương đối rộng nên người dân trong thôn thống nhất mở rộng nhà văn hóa thôn thêm 1 gian để tăng sức chứa. Các hộ trong thôn lại một lần nữa cùng nhau góp công, góp của, chung tay mở rộng nhà văn hóa, để thôn mới có nhà văn hóa mới “vừa vặn” hơn.

Khi sáp nhập các thôn, bản, hầu hết các nhà văn hóa đã làm trước đó bị quá tải và đây là vấn đề không lường trước. Bí thư Đảng ủy xã Phú Nhuận Nguyễn Hữu Lý cho biết: sau khi sáp nhập một số thôn, lượng người đến họp gấp 2 lần so với sức chứa của nhà văn hóa thôn, dẫn đến người ngồi trong, người ngồi ngoài, rất bất tiện và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc họp. Cho nên, dù khó khăn đến mấy cũng phải mở rộng diện tích nhà văn hóa lên gấp 2 lần so với trước, tối thiểu đạt 150 chỗ ngồi.

Lại thêm một lần, Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới xã Phú Nhuận tổ chức họp với các bí thư chi bộ, trưởng thôn để tìm tiếng nói chung. Theo tính toán, để mở rộng diện tích nhà văn hóa thôn phải đầu tư 350 triệu đồng/nhà, chắc chắn phải có sự đóng góp nhiều của người dân. Vẫn “bổn cũ soạn lại”, thể diện và lòng tự trọng của các thôn, của người dân được nói đến và hiệu quả vượt trên sự mong đợi. Đến nay, các thôn Phú Sơn, Phú An 2, Hải Sơn 1, Phú Hải 2, Phú Hải 1, Đầu Nhuần, Phú Lâm đã xây được nhà văn hóa với quy mô tối thiểu 150 chỗ ngồi.

Bí thư Chi bộ thôn Phú An 2, ông Bùi Văn Kha bộc bạch: vừa mở rộng đường thôn, vừa mở rộng nhà văn hóa thôn, chúng tôi rất lo sẽ không làm được. Nhưng chủ trương đúng và trúng, cách làm phù hợp, để người dân tự bàn, tự quyết định, nên mọi việc đều thuận buồm xuôi gió.

Thay cho lời kết

Mặc dù, “chiếc áo” nông thôn mới đã bắt đầu chật, nhưng cách “may” lại chiếc áo của một số xã là giải pháp để nhiều xã tham khảo. Dẫu rằng việc xây dựng nông thôn mới đang theo khuôn mẫu được cụ thể hóa bằng Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới, nhưng các xã đang trong lộ trình triển khai cũng cần đánh giá lại, có thể một số tiêu chí, nhất là giao thông, nhà văn hóa cần vượt qua “khuôn mẫu”, để tránh “chiếc áo” nông thôn mới vừa may đã chật.

Thanh Nam - Thúy Phượng

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/nong-thon-moi/bai-cuoi-may-lai-nhung-chiec-ao-da-chat-z36n20200424095528041.htm