Bài học từ điểm nóng biến chủng Omicron

Chỉ sau 2 tháng mở cửa trở lại, Đan Mạch đối mặt với sự bùng phát nặng nề của biến chủng Omicron. Theo các chuyên gia, tình hình sắp tới sẽ còn phức tạp với số ca nhiễm tăng cao.

Đan Mạch là nơi các biến chủng Covid-19 được theo dõi sát sao hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Nhiều tín hiệu đáng lo ngại tại đây khi các ca nhiễm biến chủng Omicron tăng gấp đôi cứ sau khoảng 2 ngày, tạo nên những con số kỷ lục mới. Các cơ sở y tế đã phải tăng ca đêm để kịp trả kết quả xét nghiệm.

Giới khoa học cho rằng đây mới chỉ là sự khởi đầu.

Khi Omicron đưa đại dịch sang một trang mới, nhiều chuyên gia đã tìm đến Đan Mạch để nhận những lời cảnh báo mới nhất từ các viện nghiên cứu khoa học.

Và ngay tại một nước giàu có ở Bắc Âu, nơi có tỷ lệ tiêm chủng cao, câu trả lời dường như rất nghiêm trọng. Tất cả biện pháp phòng dịch được xây dựng từ năm ngoái đã không thể kiểm soát nổi virus. Giới khoa học nhận định tình trạng tương tự sẽ xảy ra ở nhiều nơi khác trên thế giới.

Vượt ngoài tầm kiểm soát

Khi biến chủng Omicron xuất hiện vào tháng 11, tín hiệu khả quan nhất là Omicron gây bệnh thể nhẹ hơn so với biến chủng Delta, nên dễ kiểm soát và trở thành một bệnh đặc hữu.

Tuy nhiên, các chuyên gia Đan Mạch dự báo rằng làn sóng Omicron mạnh tới mức, nếu có lắng xuống, thì vẫn để lại những hậu quả nghiêm trọng. Ngoài ra, các bệnh viện sẽ sớm đối mặt với số ca nhập viện mỗi ngày cao gấp nhiều lần so với trước đây.

Tyra Grove Krause, trưởng nhóm dịch tễ tại Viện nghiên cứu Statens Serum Đan Mạch, cho rằng Omicron là thất bại của cuộc chiến chống dịch.

Bà ví virus như một trận lũ, còn vaccine kháng các loại biến chủng cũ như là hai bức tường rào bảo vệ sức khỏe.

Bức tường đầu tiên là khả năng của vaccine giúp giảm sự lây nhiễm, còn bức tường thứ hai giúp giảm tình trạng ốm nặng và tử vong. Cả hai rào cản đều có vài lỗ hổng, nhưng khi kết hợp với nhau, chúng sẽ kiểm soát mực nước lũ không được lên quá cao.

 Tyra Grove Krause, trưởng nhóm dịch tễ học tại Viện Statens Serum Đan Mạch, tin rằng Omicron sẽ khiến các bệnh viện quá tải trong thời gian tới. Ảnh: Washington Post.

Tyra Grove Krause, trưởng nhóm dịch tễ học tại Viện Statens Serum Đan Mạch, tin rằng Omicron sẽ khiến các bệnh viện quá tải trong thời gian tới. Ảnh: Washington Post.

Giờ đây, bức tường đầu tiên gần như đã bị phá bỏ. Nhiều dữ liệu cho thấy những người tiêm hai liều vaccine cũng dễ bị nhiễm Omicron như những người chưa tiêm. Còn những người đã tiêm liều bổ sung thì có khả năng bảo vệ tốt hơn.

Trong khi đó, khoảng 3/4 người Đan Mạch vẫn chưa được tiêm liều thứ ba, đồng nghĩa với nguy cơ nhiễm virus càng tăng. Nói cách khác, nước lũ sẽ dần chảy qua các lỗ hổng của bức tường thứ hai.

Từ trước đến nay, các bệnh viện của Đan Mạch chưa từng tiếp nhận hơn 1.000 bệnh nhân Covid-19, kể cả đợt cao điểm mùa đông năm ngoái.

Kể cả đầu tháng một vừa qua, bệnh viện cũng chỉ tiếp nhận khoảng 500 bệnh nhân mới mỗi ngày. Nếu như Omicron bùng phát và có mức độ nghiêm trọng như Delta, con số có thể lên tới 800 ca mỗi ngày.

Trước đây, Đan Mạch chưa từng chứng kiến hơn 5.000 ca nhiễm trong một ngày. Hôm 17/12, họ đã ghi nhận được hơn 11.000 trường hợp mắc mới. Với tình hình này trong vòng một tuần tới, con số dự đoán sẽ là 27.000 ca nhiễm.

Dự báo ngày càng tăng

Đan Mạch đã không ra lệnh giãn cách trong thời điểm này. Chính phủ đã cắt giờ hoạt động của các quán bar và nhà hàng, yêu cầu mọi người làm việc tại nhà và đóng cửa các trường học sớm hơn 7 ngày so với kế hoạch nghỉ lễ Giáng sinh. Nhưng ngay cả khi phải giãn cách xã hội, thì dịch cũng khó kiểm soát.

Các nghiên cứu của Đan Mạch được thực hiện nghiêm túc bậc nhất trên thế giới, vì họ có hệ thống giám sát virus chuyên biệt để theo dõi những sự thay đổi như thế này.

Các xét nghiệm Covid-19 đều miễn phí cho cả người dân và khách du lịch, sau đó kết quả sẽ được chuyển đến Viện Statens Serum và các cơ sở thành viên khác, sau 24 giờ sẽ có kết quả. Từ đó, các chuyên gia sẽ xác định được loại biến chủng trong từng ca nhiễm. Một phần các xét nghiệm dương tính sẽ được giải trình tự gene, để họ xác định đột biến và truy vết nguồn lây.

 Các sự kiện siêu lây nhiễm là một trong những nguyên nhân gây lây lan biến chủng Omicron tại Đan Mạch. Ảnh: Washington Post.

Các sự kiện siêu lây nhiễm là một trong những nguyên nhân gây lây lan biến chủng Omicron tại Đan Mạch. Ảnh: Washington Post.

Nguồn lây nhiễm của Omicron tại Đan Mạch đã được xác định, đầu tiên là từ những người đến từ châu Phi và sau đó là từ các sự kiện siêu lây nhiễm. Chẳng hạn, một bữa tiệc Giáng sinh có khoảng 150 người tham dự, hầu hết đã được tiêm chủng nhưng lại có 71 người nhiễm biến chủng Omicron.

Tại Viện nghiên cứu Statens Serum, nhiều nhà khoa học tỏ ra tiếc nuối khi không kiểm soát Omicron quyết liệt hơn từ những ngày đầu. Chỉ trong vài tuần qua, họ đã phải tuyển thêm 100 nhân viên mới, mua thêm 20 máy xét nghiệm PCR.

Tính đến ngày 13/12, theo số liệu công bố chính xác, biến chủng Omicron đã chiếm 26,8% số ca nhiễm, trong khi trước đó một tuần, con số này mới chỉ là 4,9%.

Ở Anh, biến chủng Omicron đã chiếm ưu thế ở London, Thủ tướng Boris Johnson đã mô tả diễn biến sắp tới là một "trận sóng thần". Trung tâm kiểm soát dịch bệnh châu Âu cho biết nó có khả năng chi phối trên toàn châu lục vào tháng một hoặc tháng 2. Kể cả nước Mỹ cũng đang phải chống lại với trận đại dịch và tình trạng quá tải ở bệnh viện.

Liên quan đến HIV

Anders Fomsgaard, một trong những nhà virus học tại Viện Statens Serum nổi tiếng nhất Đan Mạch, nhận định nguồn gốc của Omicron có thể liên quan đến HIV, vì virus có thể đến từ một người bị suy giảm miễn dịch mà cơ thể không thể tiêu diệt virus, sẽ phát triển và thay đổi.

Thậm chí, tại các bệnh viện Đan Mạch, có những người đã nhiễm virus từ 7 đến 8 tháng mà không khỏi.

 Theo nhà virus học người Đan Mạch Anders Fomsgaard, có thể biến chủng Omicron có nguồn gốc liên quan tới HIV. Ảnh: Washington Post.

Theo nhà virus học người Đan Mạch Anders Fomsgaard, có thể biến chủng Omicron có nguồn gốc liên quan tới HIV. Ảnh: Washington Post.

Ông nói: “Đây có thể là cách virus kháng thuốc được tạo ra".

Một trong số các dự án của ông Anders hiện nay là nghiên cứu một loại vaccine nhắm vào tế bào T. Loại vaccine như vậy sẽ không bảo vệ khỏi việc nhiễm bệnh, nhưng sẽ giảm tải được tình trạng ốm. Ưu điểm của nó là nhắm mục tiêu vào các phần của virus corona không đột biến.

Tuy nhiên, ông Anders cũng cho biết virus này không thể tiêu diệt hoàn toàn. Có lẽ nó sẽ chuyển sang tấn công các loài gặm nhấm, quay về với con người và tái hình thành. Với ông, virus corona là một “bậc thầy đột biến” và bằng việc tiêm vaccine, con người sẽ khiến virus suy yếu hoặc thay đổi.

Bảo Châu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bai-hoc-tu-diem-nong-bien-chung-omicron-post1284278.html