Bài thơ 'Tháng Bảy' của Nguyễn Đăng Độ: Ngọn nến thơ thắp lên trong tháng Bảy tri ân

Bài thơ 'Tháng Bảy' của nhà thơ Nguyễn Đăng Độ vang lên tựa lời thì thầm trang trọng và tha thiết. Không cầu kỳ tu từ, không nặng về khái niệm, ông viết bằng cảm xúc lắng đọng của người từng đi qua chiến tranh, từng cúi đầu trước những tấm bia vô danh, từng nắm đất nâu trên mộ người lính chưa trở về.

Tháng Bảy lại về mang theo khúc nhạc chậm buồn giữa bản hòa ca của thời gian. Tháng của những cơn mưa ngâu rơi không dứt, như thể cả trời đất cũng rưng rưng. Tháng của nén nhang trầm lặng thắp lên ở nghĩa trang liệt sĩ, ở những đỉnh rừng mịt sương, hay bên bàn thờ người thân nơi mỗi mái nhà Việt. Không ai gọi tên, không ai kể công, nhưng từng hạt bụi, từng ngọn gió cũng mang theo lời tri ân lặng thầm.

Trong không khí thiêng liêng ấy, bài thơ "Tháng Bảy" của nhà thơ Nguyễn Đăng Độ vang lên tựa lời thì thầm trang trọng và tha thiết. Không cầu kỳ tu từ, không nặng về khái niệm, ông viết bằng cảm xúc lắng đọng của người từng đi qua chiến tranh, từng cúi đầu trước những tấm bia vô danh, từng nắm đất nâu trên mộ người lính chưa trở về.

Thơ Nguyễn Đăng Độ khiến người đọc lặng người trong niềm đau đáu. Đó vừa là lời tri ân gửi tới quá khứ, cũng là sự lắng đọng thầm lặng của lòng biết ơn, đạo lý uống nước nhớ nguồn, trái tim Việt không quên người nằm xuống để đất nước đứng lên. Trong mạch nguồn ấy, bài thơ "Tháng Bảy" là nén tâm nhang thành kính và xúc động gửi tới những người lính đã nằm lại trong chiến tranh, gửi tới hàng triệu trái tim Việt Nam chưa bao giờ nguôi nhớ.

"Xin thắp nén tri ân tháng bảy/ Gió hai chiều cách biệt âm dương".

Mở đầu bài thơ là một hình ảnh tâm linh - "nén tri ân" mở ra lễ thức thơ ca của nhà thơ trước tháng Bảy. Chữ "gió hai chiều cách biệt âm dương" giàu hình ảnh, cho thấy sự chia lìa giữa hai thế giới: sống và khuất, nhưng đồng thời cũng là sự đối lưu, luân chuyển của tình cảm - nơi ranh giới sự sống và cái chết không phải là kết thúc, mà là dòng chảy liên tục của tri ân, gìn giữ.

Giữa tháng Bảy - mùa tri ân - bài thơ gợi bao niềm nhớ thương, khắc khoải, rưng rưng, như nhắn nhủ hậu thể sống tốt hơn cho xứng đáng với những người đã ngã xuống.

Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ

Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ

Nguyễn Đăng Độ viết bằng trái tim của người từng trải. Lối viết của ông đầy tĩnh tại, thấm thía: "Thân xác gửi vào rừng thẳm núi hoang"; "Nắng lửa đừng thiêu khô hàng hàng bia mộ"... Những câu thơ vừa hiện thực vừa giàu tính biểu tượng. Người lính "ngã xuống", "gửi thân vào rừng thẳm núi hoang", đó là không gian địa lý, cũng là ẩn dụ về sự vĩnh cửu: họ hóa thân vào đất nước, thành cây cỏ, thành núi đồi. Hình ảnh "nắng lửa" được khẩn cầu "đừng thiêu khô" là niềm mong mỏi thiên nhiên dịu dàng hơn, là mong nhân gian đừng lãng quên, đừng để mộ phần người lính bị bào mòn bởi thời gian. Bài thơ lặng lẽ mà không hề bi lụy.

Nguyễn Đăng Độ nhấn vào ký ức hào hùng: "Gạo sấy lương khô ba lô sờn cũ/ Phía chân trời rực lửa đạn bom rơi. Đó là ký ức tập thể của cả một thế hệ, với biểu tượng quen thuộc của chiến tranh: ba lô, lương khô, tiếng bom. Dù vậy, không hề có sự khắc nghiệt, trách than, chỉ dâng niềm tự hào lặng lẽ, một tinh thần cảm thông và biết ơn.

"Cuộc chiến một thời trĩu nặng hai vai/ Điện Biên - Lai Châu - Khe Sanh - Quảng Trị/ Những cái tên trộn máu hồng chiến sĩ".

Khi liệt kê địa danh, nhà thơ như dựng lại một bản đồ lịch sử sống động bằng máu và ký ức. Những vùng đất là nơi chiến đấu, nơi "trộn máu", nơi con người hòa vào đất đai, trở thành phần hồn của Tổ quốc. Việc kết nối không gian lịch sử với cảm xúc cá nhân đã tạo nên chiều sâu cho bài thơ.

Đặc biệt, đoạn kết mang tính khái quát triết lý và nâng tầm giá trị hy sinh: "Những người lính hy sinh cho muôn đời tươi thắm/ Đất nước nở hoa thơm thảo mọi con đường". Vừa ôn lại quá khứ hào hùng, bài thơ cũng mở ra góc nhìn, tâm thế hiện tại và tương lai. Hy sinh của người lính không vô nghĩa, mà chính từ đó, những "con đường" hôm nay được "nở hoa", đất nước có thể đi đến hòa bình và thịnh vượng. Ở đây, thơ là cảm xúc nhưng cao hơn, sâu hơn, thơ là đạo lý con người, đạo lý dân tộc. "Tháng Bảy" - tác phẩm đậm tình cảm lắng sâu, vừa tự nhiên như hơi thở, như tiếng lòng, vừa gần gũi vừa trang nghiêm. Ở không gian ấy, bằng giọng thơ giản dị, đằm thắm, nhà thơ khiến người đọc dừng lại, cúi đầu và lặng lẽ thắp lên trong lòng mình một nén hương tri ân.

Nguyễn Đăng Độ là gương mặt quen thuộc trong đời sống thi ca đương đại. Ông đã nhận được nhiều giải thưởng văn học uy tín, có hàng trăm bài thơ được phổ nhạc, lan tỏa rộng rãi qua làn sóng phát thanh, truyền hình, sân khấu. Thơ ông trải rộng trên nhiều đề tài: từ vẻ đẹp đất nước, tình yêu lứa đôi, đến nỗi niềm quê hương, đồng đội. Nhưng dường như, dù viết ở đâu, viết về điều gì, ông cũng luôn có một miền sâu thẳm trong trái tim để dành trọn cho những người đã khuất - những người lính, những bà mẹ, những miền đất in dấu bom đạn. Nhà thơ chọn cách tri ân bằng sự lặng thầm của thi ca. Những câu thơ ông viết ra như tự chảy từ tim mà có sức lay động chính bởi sự chân thành thấu đến tận đáy tâm hồn. Có lẽ bởi chính ông cũng từng khoác áo lính nên từng câu, từng chữ đều không phải là tưởng tượng, mà là ký ức kết tụ thành thơ, thành nhang khói dâng lên những đồng đội không tên, không tuổi mà mãi mãi bất tử.

"Tháng Bảy" vốn không phải là một thi phẩm cầu kỳ về hình thức, cũng không chủ ý cách tân về ngôn ngữ. Dù vậy, chính sự giản dị, chân thành trong từng câu chữ lại là điều khiến bài thơ neo lại lâu trong lòng người đọc. Nguyễn Đăng Độ không tìm cách kể công hay làm dậy lên những hào quang chiến thắng. Ông chỉ lặng lẽ viết như người thắp nhang giữa nghĩa trang chiều gió. Và chính từ sự lặng lẽ đó, ta cảm nhận được tiếng vọng thiêng liêng của lịch sử, của nghĩa tình, của đạo lý dân tộc không bao giờ cũ. Trong dòng thơ viết về thương binh, liệt sĩ, về chiến tranh - hòa bình, Nguyễn Đăng Độ là một giọng thơ đằm, lặng mà đầy cảm lực. Thơ ông không bi lụy mà bao dung, không hô hào mà khắc sâu.

Giữa thời đại mà thơ ca có lúc bị cuốn vào thị hiếu và tốc độ, thì những bài thơ như "Tháng Bảy" lại nhắc ta nhớ: thơ không cần ồn ào, chỉ cần chạm được vào phần lặng của con người, nơi ký ức, yêu thương và lòng biết ơn còn cháy âm ỉ. Có lẽ, chính sự tri ân đong đầy cảm xúc ấy đã toát lên phẩm cách, khiến thơ Nguyễn Đăng Độ, và dòng thơ tưởng niệm nói chung, mãi có chỗ đứng trong tâm khảm người đọc.

Hồng Thái

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bai-tho-thang-bay-cua-nguyen-dang-do-ngon-nen-tho-thap-len-trong-thang-bay-tri-an-10381016.html