Bàn chân tím đen do nhiễm vi khuẩn có trong nước biển

Bệnh nhân rơi vào tình trạng sốc, nhiễm trùng, vùng hoại tử lan rộng đến gót chân.

Bệnh nhân 57 tuổi, được điều trị tại Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa (Quy Nhơn, Bình Định) do nhiễm khuẩn Vibrio Vulnificus.

Người này làm nghề đánh cá ở vùng biển Hoài Nhơn, Bình Định. Trong lúc lao động, bệnh nhân va phải cạnh sắc của thúng đánh cá biển làm chảy máu mặt trước cẳng chân trái.

Hai ngày sau, người đàn ông này xuất hiện vùng hoại tử đen kèm vài bọng nước lớn quanh vùng vết thương cẳng chân trái. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt, mệt, đau đầu, vết thương xuất huyết, mảng bầm máu kèm thương tổn hoại tử lan rộng đến gót chân.

 Vết thương của bệnh nhân sau 6 ngày nhập viện. Ảnh: BVCC.

Vết thương của bệnh nhân sau 6 ngày nhập viện. Ảnh: BVCC.

Bệnh nhân được sử dụng kháng sinh đường tĩnh mạch. Tuy nhiên, biến chứng viêm da cân cơ hoại tử vẫn xuất hiện. Các bác sĩ chưa thể đánh giá được mức độ tổn thương cơ của bệnh nhân.

Bên cạnh đó, người này còn bị bội nhiễm với vi khuẩn nguy hiểm khác trong quá trình điều trị và được chỉ định tiếp tục dùng kháng sinh.

Vibrio Vulnificus là trực khuẩn gram âm, ưa mặn, di động, được tìm thấy chủ yếu ở các vùng nước ấm ven biển. Vi khuẩn này có khả năng gây bệnh viêm dạ dày ruột, thậm chí sốc nhiễm trùng.

Tình trạng nhiễm trùng nặng thường xảy ra ở những bệnh nhân mắc bệnh gan mạn tính, suy giảm miễn dịch, thừa sắt trong cơ thể. Tại Việt Nam, nhiều người có nguy cơ phơi nhiễm với Vibrio Vulnificus nhưng số trường hợp mắc bệnh tương đối nhỏ.

Đường lây bệnh chủ yếu là ăn hải sản sống, tái hoặc tiếp xúc trực tiếp qua vết thương hở khi lội nước, đánh bắt, xử lý hải sản nhiễm bệnh.

Khi nghi ngờ nhiễm vi khuẩn Vibrio Vulnificus, bệnh nhân cần được dùng kháng sinh thích hợp và can thiệp ngoại khoa khi có chỉ định.

Bích Huệ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ban-chan-tim-den-do-nhiem-vi-khuan-co-trong-nuoc-bien-post1193298.html