Ban chấp hành Hội Cựu Chiến binh cấp tỉnh nhiệm kỳ 2025–2030 không quá 45 ủy viên
Ban Chấp hành Trung ương Hội Cựu chiến binh (CCB) Việt Nam đã ban hành Hướng dẫn số 13/HD-CCB ngày 25/7/2025, quy định cụ thể việc tổ chức Đại hội Hội CCB cấp xã và cấp tỉnh lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2025–2030. Theo đó, Đại hội CCB cấp xã, cấp tỉnh sẽ thực hiện theo 4 nội dung hoặc 2 nội dung phù hợp với chủ trương sắp xếp tinh gọn bộ máy.

Nội dung Đại hội Hội Cựu Chiến binh
Nội dung Đại hội Cựu Chiến binh cấp xã và cấp tỉnh thực hiện 4 nội dung, gồm:
- Tổng kết thực hiện Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2022-2025; xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ công tác Hội nhiệm kỳ 2025-2030.
- Thảo luận dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành tổ chức Hội cấp trên trực tiếp và dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Điều lệ Hội.
- Bầu Ban Chấp hành Hội nhiệm kỳ 2025-2030.
- Bầu đại biểu dự Đại hội cấp trên trực tiếp.
Đối với Đại hội cấp xã, cấp tỉnh mới thành lập theo chủ trương mới của Đảng, Nhà nước về sắp xếp tỉnh gọn bộ máy, thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp thì thực hiện 2 nội dung là: Tổng kết thực hiện Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2022-2025; xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ công tác Hội nhiệm kỳ 2025-2030; Thảo luận dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành tổ chức Hội cấp trên trực tiếp và dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Điều lệ Hội.
Đại hội không bầu Ban Chấp hành và Đoàn đại biểu đi dự Đại hội cấp trên. Cấp ủy cùng cấp và Ban Chấp hành Hội CCB cấp trên trực tiếp chỉ định Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ban Kiểm tra, Trưởng ban Kiểm tra nhiệm kỳ khóa mới và phân bố số lượng, chỉ định đại biểu đi dự Đại hội đại biểu cấp trên trực tiếp.

Thượng tướng Bế Xuân Trường, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Việt Nam. Nguồn: hoiccbvietnam.vn
Những lưu ý trong công tác chuẩn bị văn kiện Đại hội
Đại hội cấp xã và cấp tỉnh trực thuộc Trung ương Hội có các văn kiện: Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành; dự thảo Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành.
Trong quá trình chuẩn bị các văn kiện cần chú ý những vấn đề cơ bản sau:
- Dự thảo Báo cáo chính trị: Bảo đảm tính kế thừa và phát triển, cần bám sát chỉ tiêu, nhiệm vụ trong Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2022-2025 của cấp mình và của cấp trên trực tiếp; sự chỉ đạo của cấp ủy địa phương, cơ quan, đơn vị cùng cấp để đánh giá tình hình và kết quả đạt được trong nhiệm kỳ, khẳng định những đóng góp của tổ chức Hội và hội viên; nêu rõ những hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Quán triệt Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ cùng cấp (nhiệm kỳ 2025-2030); bám sát tôn chỉ, mục đích của Hội và từ thực tiễn hoạt động để đề ra phương hướng, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện nhiệm vụ chính trị và xây dựng tổ chức Hội trong nhiệm kỳ tới sát với tình hình thực tiễn, có tính khả thi để tổ chức thực hiện có hiệu quả, xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp đột phá với tầm nhìn dài hạn.
- Dự thảo Báo cáo Tự kiểm điểm của Ban Chấp hành: Cần đề cao tinh thần tự phê bình và phê bình, làm rõ ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân các đồng chí ủy viên, nhất là người đứng đầu trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội; việc xây dựng và thực hiện quy chế làm việc; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình trong tổ chức và sinh hoạt; tinh thần đoàn kết, vai trò gương mẫu của cá nhân các đồng chí ủy viên. Nội dung kiểm điểm cần ngắn gọn, tránh trùng lặp nội dung trong dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành.

Hội nghị lần thứ 6, Ban chấp hành Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam khóa VII, đánh giá kết quả công tác Hội 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025.
Số lượng ủy viên Ban Chấp hành Đại hội Hội Cựu Chiến binh
- Đối với cấp xã
+ Tổ chức cơ sở có dưới 12 hội viên không bầu Ban Chấp hành mà bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch.
+ Tổ chức cơ sở có từ 12 hội viên trở lên bầu Ban Chấp hành. Số lượng ủy viên Ban Chấp hành từ 03 đến 25 ủy viên.
- Đối với cấp tỉnh:
+ Số lượng ủy viên Ban Chấp hành từ 15 đến 35 ủy viên;
+ Những tỉnh, thành phố có số lượng hội viên đông, nhiều tổ chức Hội trực thuộc, số lượng ủy viên Ban Chấp hành có thể cao hơn do Đại hội quyết định, nhưng không quá 45 ủy viên.
Cơ cấu ủy viên Ban Chấp hành
Trên cơ sở tiêu chuẩn là chính, Ban Chấp hành các cấp Hội cần có cơ cấu hợp lý bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện trên các lĩnh vực công tác, các hoạt động của Hội. Những tổ chức có số lượng hội viên đông là người dân tộc thiểu số, người có đạo, là phụ nữ cần có tỷ lệ cơ cấu phù hợp.
Căn cứ tình hình cụ thể nên có cơ cấu theo khối đại diện: Dân tộc thiểu số, tôn giáo, công giáo, doanh nhân, cán bộ nữ.
Về độ tuổi nên có các độ tuổi phù hợp với từng cấp để có tính kế thừa: Dưới 50 tuổi; 51 đến 55 tuổi; 56 đến 60 tuổi; 61 đến 65 tuổi; từ 66 tuổi trở lên.
Đại biểu dự Đại hội
- Đại hội cấp xã: Tổ chức cơ sở Hội có từ 150 hội viên trở lên, tổ chức Đại hội đại biểu; số lượng đại biểu do Ban Chấp hành cấp triệu tập Đại hội quyết định, nhưng cao nhất không quá 200 đại biểu. Tổ chức cơ sở có dưới 150 hội viên tổ chức Đại hội toàn thể hội viên.
Căn cứ vào điều kiện cụ thể và nguyện vọng của hội viên, nếu được tổ chức Hội cấp trên trực tiếp và cấp ủy cùng cấp đồng ý thì tổ chức Hội có dưới 150 hội viên cũng có thể tổ chức Đại hội đại biểu, tổ chức Hội có trên 150 hội viên cũng có thể tổ chức Đại hội toàn thể hội viên.
- Đại hội cấp tỉnh: Có số lượng từ 350 đến 400 đại biểu; căn cứ tình hình cụ thể, số lượng đại biểu có thể cao hơn hoặc thấp hơn số lượng tối thiểu do Ban Chấp hành cấp triệu tập Đại hội quyết định, nhưng nhiều nhất không quá 400 đại biểu.