Ban Kinh tế Trung ương: Tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp đổi mới phát triển kinh tế đất nước

Ngày 30/9, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức chương trình gặp mặt 'Ban Kinh tế Trung ương - 70 năm với sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế của Đảng'. Chương trình nhằm nhìn lại những kết quả, đóng góp của Ban Kinh tế Trung ương trong công tác tham mưu về đường lối và phương thức lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế của đất nước.

Cơ quan tham mưu đắc lực của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội

Phát biểu tại Chương trình, ông Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Cách đây 70 năm, ngày 30/9/1950, Ban Thường vụ Trung ương khóa I của Ðảng đã ban hành Quyết nghị số 57-QN/TW về thành lập Ban Kinh tế Trung ương. Theo đó, Ban Kinh tế Trung ương có nhiệm vụ nghiên cứu tham mưu, đề xuất các chủ trương, chính sách đề án lớn của Đảng về kinh tế, tài chính để giúp Trung ương lãnh đạo về kinh tế, tài chính. Kể từ đây, ngày 30/9 là Ngày truyền thống của Ban Kinh tế Trung ương. Sự ra đời của Ban Kinh tế Trung ương là bước phát triển mới của cách mạng Việt Nam trong thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết, Ban Kinh tế Trung ương đã thực hiện tốt chức năng thẩm định các đề án kinh tế - xã hội trình Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết, Ban Kinh tế Trung ương đã thực hiện tốt chức năng thẩm định các đề án kinh tế - xã hội trình Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

Ông Nguyễn Văn Bình cũng đã điểm lại các dấu mốc quan trọng trong chặng đường 70 năm của Ban Kinh tế Trung ương. Ngoài tham mưu các chủ trương, chính sách chung về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Ban Kinh tế Trung ương còn chủ trì tham mưu nhiều nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành phố có vai trò, vị trí quan trọng, trong đó chú trọng nghiên cứu, tổng kết các mô hình mới, cách làm hay, chính sách thí điểm trong phát triển kinh tế.

Chỉ riêng thời kỳ 2016 - 2020, Ban Kinh tế Trung ương đã hoàn thành xây dựng các nghị quyết, kết luận xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội cho các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, Buôn Ma Thuột. Bên cạnh nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu, đề xuất, Ban Kinh tế Trung ương còn thực hiện tốt việc thẩm định, tham gia ý kiến đối với các đề án, báo cáo có tính chiến lược và tầm ảnh hưởng lớn về phát triển kinh tế - xã hội.

"Phát huy trí tuệ, tầm nhìn chiến lược, tư duy đổi mới, sâu sắc về lý luận và thực tiễn phát triển đất nước cùng với bản lĩnh chính trị vững vàng, các ý kiến thẩm định, đóng góp của Ban Kinh tế Trung ương ngày càng sắc bén hơn, có trách nhiệm, khách quan, công tâm, thuyết phục, giúp các cơ quan có thêm cơ sở khoa học, thực tiễn để xem xét, quyết định, đặc biệt là các vấn đề quan trọng được Đảng và nhân dân quan tâm"- ông Nguyễn Văn Bình khẳng định.

Cần chủ động, không ngừng đổi mới tư duy

Tại buổi gặp mặt, ông Trần Quốc Vượng- Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư cho rằng, chặng đường 70 năm qua, sự phát triển của Ban Kinh tế Trung ương qua nhiều lần sắp xếp, tổ chức lại với các tên gọi khác nhau luôn gắn liền với những dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. “Trong từng giai đoạn, dù qua nhiều lần sắp xếp, tổ chức lại với các tên gọi khác nhau, song, Ban Kinh tế Trung ương luôn là cơ quan tham mưu đắc lực của Đảng trong việc hoạch định đường lối, định hướng chủ trương, biện pháp lớn, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế phát triển đất nước”- ông Trần Quốc Vượng bày tỏ.

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đánh giá Ban Kinh tế Trung ương là cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng về kinh tế - xã hội

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đánh giá Ban Kinh tế Trung ương là cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng về kinh tế - xã hội

Đất nước ta đang đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, bên cạnh thời cơ, thuận lợi, cũng gặp không ít thách thức, khó khăn. Tình hình đó đặt ra yêu cầu cao hơn và nhiệm vụ nặng nề hơn đối với Ban Kinh tế Trung ương trong công tác nghiên cứu, tham mưu, đề xuất xây dựng, thể chế hóa, triển khai đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội.

Thường trực Ban Bí thư nêu rõ: Ban Kinh tế Trung ương cần chủ động, không ngừng đổi mới tư duy, mạnh dạn phát hiện, đề xuất những vấn đề mới, trên cơ sở giữ vững nguyên tắc, kiên định lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Ban thực hiện tốt hơn nữa công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược về kinh tế - xã hội, theo dõi sát tình hình thế giới, sâu sát với thực tiễn đất nước để nâng cao hơn nữa chất lượng tham mưu, thẩm định, đề xuất với Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về những vấn đề lớn, có tầm chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội. Ban Kinh tế Trung ương phải thực sự là một trong những trung tâm của Đảng, Nhà nước về tập hợp trí tuệ, sự cộng tác, hợp tác của chuyên gia trong nước và ngoài nước đóng góp cho sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. “Bên cạnh đó, Ban Kinh tế Trung ương cần chủ động, đổi mới, sáng tạo trong tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng trực thuộc Trung ương thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về kinh tế - xã hội. Qua nghiên cứu, khảo sát thực tế, phát hiện, tổng kết các vấn đề mới để đề xuất, bổ sung, hoàn thiện các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng trong lĩnh vực kinh tế - xã hội”- ông Trần Quốc Vượng nêu cụ thể.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại buổi gặp mặt

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại buổi gặp mặt

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng nhấn mạnh, một trong những điểm sáng về phối hợp, hợp tác giữa Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương trong thời gian qua là hai cơ quan đã phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong tổ chức nhiều diễn đàn cấp cao, hội nghị lớn về kinh tế thu hút sự tham gia đông đảo của các cơ quan, chuyên gia trong nước và quốc tế, không chỉ góp phần tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng về kinh tế, mà còn huy động trí tuệ của xã hội phục vụ xây dựng, hoàn thiện các đường lối, chủ trương, quyết sách lớn về kinh tế của Đảng. Đó là những diễn đàn, hội nghị đã tạo được uy tín trong nước và quốc tế như Diễn đàn thường niên về Kinh tế Việt Nam, Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế thường niên về Công nghiệp 4.0, Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam, Diễn đàn cấp cao về Năng lượng Việt Nam… “Bên cạnh đó, Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đã phối hợp tốt trong đánh giá, dự báo tình hình và đề xuất chủ trương, chính sách, giải pháp phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội”- Phó Thủ tướng bày tỏ.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong giai đoạn tiếp theo, ông Nguyễn Văn Bình nhìn nhận, tình hình thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, khó lường, có nhiều vận hội nhưng cũng đặt ra nhưng không ít khó khăn, thách thức. Trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ mới, nhiệm vụ tới đây của Ban Kinh tế Trung ương rất nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang. Tập thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức Ban Kinh tế Trung ương sẽ tiếp tục phát huy, truyền thống 70 năm để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng và nhân dân đã giao phó.

Lan Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ban-kinh-te-trung-uong-tiep-tuc-dong-gop-vao-su-nghiep-doi-moi-phat-trien-kinh-te-dat-nuoc-144672.html