Ban lãnh đạo Sở GD&ĐT Tây Ninh: Giám đốc Sở Nguyễn Quang Thái và 7 phó giám đốc
Trước sáp nhập, ông Nguyễn Quang Thái giữ chức vụ Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Long An từ năm 2022.
.t1 { text-align: justify; }
Theo Nghị quyết số 202/2025/QH15 của Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của tỉnh Long An và tỉnh Tây Ninh được sắp xếp và hợp nhất thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Tây Ninh, có diện tích tự nhiên 8.536,44 km² với quy mô dân số là 3.254.170 người.
Sau sáp nhập, tỉnh Tây Ninh mới sẽ có 96 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 82 xã và 14 phường). Tỉnh Tây Ninh giáp tỉnh Đồng Nai, tỉnh Đồng Tháp, Thành phố Hồ Chí Minh và Vương quốc Cam-pu-chia.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tây Ninh có 1 giám đốc và 7 phó giám đốc
Chiều ngày 1/7, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh đã tổ chức hai hội nghị công tác cán bộ, bổ nhiệm lãnh đạo các cơ quan trực thuộc.
Trong đó, ông Nguyễn Quang Thái - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Long An (cũ) được bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tây Ninh (mới).

Ông Nguyễn Quang Thái được bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tây Ninh sau sáp nhập. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Long An (cũ)
Ông Nguyễn Quang Thái sinh ngày 20/6/1975, quê quán tại thành phố Tân An, tỉnh Long An (cũ). Ông tốt nghiệp đại học tại Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp, trình độ lý luận chính trị cao cấp. Ông được bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Long An, thời hạn bổ nhiệm là 5 năm kể từ ngày 11/3/2022. [1]
Trước đó, ông Nguyễn Quang Thái là Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Tân An, tỉnh Long An (cũ) nhiệm kỳ 2016 - 2021. [2]
Trong bộ máy hiện tại của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tây Ninh mới có 7 phó giám đốc gồm: bà Phan Thị Dạ Thảo, ông Huỳnh Phương Vũ, bà Trần Ngọc Uyển, ông Nguyễn Văn Phước, ông Bùi Tuấn Hải, ông Phan Minh Tùng và ông Lý Thanh Bình.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh - Nguyễn Hồng Thanh trao quyết định cho Ban Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Báo và Đài phát thanh truyền hình Tây Ninh
Những thuận lợi, khó khăn của ngành giáo dục tỉnh Long An và Tây Ninh trước sáp nhập
Với nền tảng riêng về quy mô trường lớp, chất lượng giáo dục và nguồn lực đội ngũ, hai tỉnh Long An và Tây Ninh đều có những điểm mạnh đáng ghi nhận, đồng thời cũng tồn tại không ít khó khăn cần tháo gỡ.
Tại tỉnh Long An (cũ), theo báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2025 của Ủy ban nhân dân tỉnh Long An, mạng lưới trường lớp tiếp tục được sắp xếp và mở rộng, phát triển theo định hướng chất lượng cao. Toàn tỉnh có 590 cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ thông, trong đó có 218 cơ sở giáo dục mầm non (190 công lập và 28 ngoài công lập); 177 cơ sở giáo dục tiểu học (176 công lập và 01 ngoài công lập); 149 cơ sở giáo dục trung học cơ sở (148 công lập và 01 ngoài công lập); 46 cơ sở giáo dục cấp trung học phổ thông (40 công lập và 05 ngoài công lập).
Kết quả thực hiện chỉ tiêu ngành giáo dục và đào tạo 6 tháng đầu năm 2025 theo tiêu chuẩn mới, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia tại tỉnh Long An đạt 75%, đạt 102,54% so với chỉ tiêu kế hoạch giao năm 2025 là 73,14%.
Năm học 2024 – 2025, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Long An có 23 học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp quốc gia với 9 môn văn hóa, bao gồm: Toán, Lý, Hóa, Sinh, Văn, Sử, Địa, Tin học và Tiếng anh. So với năm học 2023 – 2024, số lượng giải tuy có giảm nhưng chất lượng giải đã được tăng lên với 02 giải nhì, 10 giải ba và 11 giải khuyến khích. [3]
Theo thống kê về Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024, Long An có 1 Hội đồng thi do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì. Toàn tỉnh có 36 điểm thi, 689 phòng thi với 15.804 thí sinh đăng ký dự thi gồm: 15.289 thí sinh học lớp 12 và 515 thí sinh tự do. Toàn tỉnh có 15.303 thí sinh đăng ký dự thi và có tham gia xét tốt nghiệp; 501 thí sinh thi chỉ để xét cao đẳng, đại học.
Kết quả Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024, toàn tỉnh có 15.273 thí sinh đậu tốt nghiệp trung học phổ thông, đạt tỷ lệ 99,8%, tăng 0,1% so với năm 2023 (99,7%). Trong đó, 7 thí sinh miễn thi và 7 thí sinh được đặc cách tốt nghiệp. Toàn tỉnh có 32/50 đơn vị trường có tỷ lệ tốt nghiệp 100%.
Ngoài ra, điểm trung bình của tỉnh đạt 6,6 điểm, tăng 0,13 điểm so với năm 2023 (6,47 điểm); xếp thứ 8 trong 13 tỉnh/thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và xếp thứ 32 so với cả nước. [4]

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 tại tỉnh Long An (cũ) có 16.103 thí sinh đăng ký dự thi. Ảnh: Báo và Đài phát thanh truyền hình Tây Ninh.
Cùng với đó, trong thời gian qua, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Long An tập trung triển khai, thực hiện các nội dung liên quan đến việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào hoạt động giảng dạy, quản lý. Sử dụng chữ ký số đảm bảo trao đổi, lưu trữ và xử lý văn bản điện tử.
Trên địa bàn tỉnh có 100% cơ sở giáo dục cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông sử dụng sổ điểm điện tử từ phần mềm quản lý giáo dục, hiện tại dữ liệu của hệ thống quản lý giáo dục đã được đồng bộ với cơ sở dữ liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo; 100% các đơn vị trường tiểu học sử dụng phần mềm quản lý Vnedu, phần mềm quản lý giáo dục.
Nhưng bên cạnh đó, công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh còn nhiều khó khăn, bất cập, chưa có giải pháp căn cơ. Năm 2024, toàn tỉnh có hơn 23.700 học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở. Trong đó, có hơn 76% học sinh tiếp tục học trung học phổ thông hoặc giáo dục thường xuyên; hơn 17% học sinh vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, thấp hơn chỉ tiêu đề ra là hơn 32%.
Ở bậc trung học phổ thông, trong số hơn 15.100 học sinh tốt nghiệp, có hơn 75% học sinh tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng, đại học; gần 20% học sinh tiếp tục học tập tại các sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng, chưa đạt so với chỉ tiêu đề ra là hơn 42%.
Trong khi đó, tại tỉnh Tây Ninh (cũ), theo báo cáo tại Hội nghị sơ kết học kỳ I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm học kỳ II năm học 2024-2025, về quy mô phát triển, toàn tỉnh có 131 trường mầm non, 303 cơ sở giáo dục phổ thông và 7 trung tâm giáo dục thường xuyên. Tổng số học sinh phổ thông là 200.038 học sinh.
Chất lượng giáo dục tại địa phương được đảm bảo với 100% cơ sở giáo dục mầm non thực hiện chương trình giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo; 100% thị xã/thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; 98,94% xã/phường/thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3.
Tiếp tục thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ, tăng cường quản lý các trung tâm ngoại ngữ và tư vấn du học nhằm tạo điều kiện hội nhập quốc tế. Công tác chuyển đổi số được đẩy mạnh, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy, thi cử, 100% cơ sở giáo dục thực hiện đăng ký tuyển sinh đầu cấp trực tuyến. Tuy nhiên vẫn còn khó khăn trong việc kiểm soát học liệu số và hành lang pháp lý liên quan.
Trong Kỳ thi chọn Học sinh giỏi Quốc gia trung học phổ thông năm học 2024-2025, tỉnh Tây Ninh đạt 38 giải (gồm 14 giải Ba, 24 giải Khuyến khích), tăng 16 giải so với năm học 2023-2024. [5]

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tây Ninh (cũ) tổ chức hội nghị tập huấn quản lý văn bằng chứng chỉ, triển khai thí điểm học bạ số cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông và giáo dục thường xuyên. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Sở
Về mặt khó khăn, trong các năm qua, số lượng giáo viên các cấp của tỉnh Tây Ninh có xu hướng giảm dần. Từ gần 11.700 giáo viên năm học 2018-2019 giảm còn hơn 11.100 giáo viên (giảm 554 giáo viên) trong năm học 2022-2023. Năm học 2023-2024, toàn tỉnh tiếp tục có tới 160 giáo viên nghỉ việc.
Đến năm học 2024 - 2025, tỉnh Tây Ninh thiếu hơn 1.000 giáo viên các cấp. Trong đó, bậc học mầm non thiếu nhiều nhất với hơn 400 giáo viên, bậc tiểu học thiếu 131 giáo viên, bậc trung học cơ sở thiếu 255 giáo viên, bậc trung học phổ thông thiếu 245 giáo viên, tập trung ở các môn Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật.
Dù còn gặp không ít khó khăn nhưng ngành giáo dục tỉnh Tây Ninh và các nhà trường đã phối hợp linh hoạt, chủ động triển khai thực hiện tốt các mục tiêu đổi mới của chương trình.
Theo đó, ngành giáo dục tỉnh Tây Ninh đã chủ động thực hiện rà soát, điều chỉnh nhân lực rải đều ở các môn học, hoạt động giáo dục để có đủ giáo viên cốt cán cho tất cả môn học, hoạt động giáo dục theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018. [6]
Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, 2 địa phương trước khi sáp nhập có nhiều điểm khác nhau nhưng khi tiềm lực được kết nối hiệu quả và khoảng cách chất lượng giáo dục được thu hẹp, hệ thống giáo dục của tỉnh Tây Ninh (mới) sẽ có cơ hội vươn lên mạnh mẽ, tạo nền tảng nhân lực chất lượng cao cho phát triển lĩnh vực giáo dục trong giai đoạn tiếp theo.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://www.longan.gov.vn/ubnd-tinh
[2] https://baolongan.vn/print/ong-nguyen-quang-thai-duoc-bau-lam-chu-tich-ubnd-tp-tan-an-a101708.html
[3] https://www.longan.gov.vn/thong-tin-cung-cap-cho-bao-chi/tai-lieu-hop-bao-thong-tin-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-quy-ii-va-phuong-huong-nhiem-vu-trong-tam-qu-994663
[4] https://sgddt.longan.gov.vn/tin-tuc-trong-nganh/long-an-co-ty-le-tot-nghiep-thpt-dat-99-8-946416
[5] https://tayninh.edu.vn/tin-tuc-ve-giao-duc/so-gddt-tay-ninh-to-chuc-hoi-nghi-so-ket-hoc-ky-i-va-trien-khai-nhiem-vu-trong-tam-hoc-ky-ii-nam-141963
[6] https://www.sggp.org.vn/tay-ninh-thieu-hon-1000-giao-vien-trong-nam-hoc-2024-2025-post758668.html