Ban Nội chính Tỉnh ủy tiếp tục khẳng định vai trò tham mưu cho Đảng

Nhân kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập ngành Nội chính Đảng (5/1/1966-5/1/2021), Báo Phú Yên có cuộc phỏng vấn đồng chí Đào Bảo Minh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng (PCTN).

Đồng chí Đào Bảo Minh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Nội chính Đảng cho các cá nhân. Ảnh: VĂN TÀI

Đồng chí Đào Bảo Minh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Nội chính Đảng cho các cá nhân. Ảnh: VĂN TÀI

* Xin đồng chí cho biết những kết quả đạt được của công tác nội chính và PCTN ở Phú Yên thời gian qua?

- Với nhiệm vụ được giao, trong thời gian qua, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã tích cực, chủ động, tập trung tham mưu, đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác nội chính và PCTN đảm bảo kịp thời, sâu sát, có hiệu quả, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn so với trước đây.

Ban đã tập trung theo dõi, tham mưu, đề xuất cấp ủy chỉ đạo xử lý kịp thời, có hiệu quả các vụ việc, vụ án, các vấn đề phức tạp nảy sinh tại địa phương. Ban cũng đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành chỉ thị về đấu tranh xử lý các hành vi đánh bạc, cho vay lãi nặng; phối hợp, tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan tư pháp trong việc giải quyết án tồn, án bị hủy để điều tra, xét xử lại. Song song đó, ban cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trên các lĩnh vực điều tra, xét xử, thi hành án. Qua đó kịp thời phát hiện những tồn tại, thiếu sót để công tác tư pháp trên địa bàn tỉnh được thực hiện đúng quy định pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả công tác xử lý các vụ án, vụ việc, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu Thường trực Tỉnh ủy đưa các vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm xảy ra trên địa bàn vào 3 cấp độ. Đó là, các vụ thuộc diện Thường trực Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo; các vụ việc thuộc diện thường trực các huyện, thị, thành ủy theo dõi, chỉ đạo và các vụ việc thuộc diện Ban Nội chính Tỉnh ủy theo dõi, đôn đốc. Qua đó theo dõi sát sao, kịp thời đôn đốc, chỉ đạo và tăng cường trách nhiệm các cơ quan chức năng, từ đó đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng giải quyết các vụ việc, vụ án theo quy định pháp luật.

Đặc biệt, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã chủ động theo dõi, nắm tình hình và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tham mưu tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, xử lý nghiêm các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế theo đúng tinh thần chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN là “không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ, không chịu sức ép của tổ chức, cá nhân nào”.

Đến nay, nhiều vụ việc sai phạm đã được khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có cán bộ, đảng viên diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đảm bảo kịp thời, nghiêm minh, đã và đang nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền và các cơ quan tố tụng trên địa bàn tỉnh, cũng như phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị địa phương.

* Kết quả trên được các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân đánh giá cao. Vậy đồng chí cho biết một số bài học kinh nghiệm?

- Ở Phú Yên, Ban Nội chính Tỉnh ủy được tái lập đi vào hoạt động hơn 7 năm và gặp nhiều khó khăn trong những ngày đầu. Kết quả đạt được so với yêu cầu, mong muốn đặt ra cũng còn khiêm tốn, nhưng đã phản ánh rõ nét sự nỗ lực, quyết tâm, cố gắng không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ, công chức trong thời gian qua.

Nhìn lại chặng đường đã qua, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm, như: Trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác phải tranh thủ được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Nội chính Trung ương và Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, luôn đảm bảo sự lãnh đạo giữa cấp ủy địa phương với sự hỗ trợ, hướng dẫn về nghiệp vụ của cấp trên; phải quán triệt, nắm vững chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao của Ban Nội chính Tỉnh ủy, thực hiện “đúng vai, thuộc bài” trong tham mưu, phối hợp, đề xuất, tạo sự đồng thuận, thống nhất, đồng tình cao trong các cơ quan, đơn vị liên quan và cán bộ, đảng viên, nhân dân; nội dung tham mưu, đề xuất của Ban Nội chính Tỉnh ủy phải thể hiện sự quyết tâm, linh hoạt, khách quan, vô tư, kiên trì, không ngại va chạm và thấu tình, đạt lý; tham mưu, đề xuất nhằm giải quyết đến cùng đối với các vụ án, vụ việc phức tạp, nhạy cảm, dư luận xã hội quan tâm…

Trong năm 2020, Thường trực Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo 8 vụ việc, vụ án; Thường trực các huyện, thị, thành ủy theo dõi, chỉ đạo 3 vụ việc, vụ án; Ban Nội chính Tỉnh ủy theo dõi, đôn đốc 19 vụ việc, vụ án. Đến nay đã có nhiều vụ việc, vụ án giải quyết xong và đưa ra khỏi danh mục theo dõi.

* Các nhiệm vụ, công tác của ban trong thời gian tới là gì, thưa đồng chí?

- Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, trong thời gian đến, Ban Nội chính Tỉnh ủy xác định một số nhiệm vụ trọng tâm là: Tăng cường nghiên cứu, tham mưu, đề xuất cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo triển khai cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác nội chính, PCTN và cải cách tư pháp trên địa bàn tỉnh.

Nhất là tiếp tục theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Tỉnh ủy trong việc triển khai, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu công tác đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Ban Nội chính Tỉnh ủy tiếp tục làm tốt công tác tham mưu Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức tốt các hội nghị giao ban, sơ, tổng kết theo quy định; triển khai thực hiện tốt chương trình kiểm tra, giám sát của Tỉnh ủy; theo dõi, đôn đốc các cơ quan tiến hành tố tụng đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ việc, vụ án phức tạp, các vụ án thuộc danh mục theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc.

Đẩy mạnh việc tuyên truyền về công tác PCTN, tăng cường biện pháp phát hiện và xử lý tham nhũng, nhất là “tham nhũng vặt” để xử lý nghiêm minh. Bên cạnh đó, kịp thời khen thưởng những nhân tố tích cực trong công tác đấu tranh PCTN, cũng như bảo vệ người phát hiện, tố cáo tham nhũng. Đồng thời tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác tự kiểm tra nội bộ nhằm phòng ngừa, phát hiện sớm các hành vi tham nhũng.

Ban cũng tiếp tục tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ là Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh. Qua đó đề xuất các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp; nâng cao chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án dân sự. Đồng thời thực hiện tốt công tác tham mưu đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tiếp dân định kỳ theo quy định của Bộ Chính trị; tiếp nhận và xử lý kịp thời các đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến công tác nội chính và PCTN; tiếp tục xây dựng, kiện toàn tổ chức, bộ máy của cơ quan đảm bảo đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ được giao…

* Xin cảm ơn đồng chí!

Ngày 5/1/1966, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 133-NQ/TW về việc thành lập Ban Pháp chế Trung ương. Đây là cơ quan có nhiệm vụ tham mưu, đề xuất chủ trương, đường lối chung về lĩnh vực pháp chế.

Đồng thời trực tiếp hoặc tham gia soạn thảo một số dự án luật, pháp lệnh để trình Bộ Chính trị cho ý kiến, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành. Đây chính là tổ chức tiền thân của Ban Nội chính Trung ương. Với ý nghĩa đó, Ban Bí thư Trung ương Đảng thống nhất lấy ngày 5/1 hàng năm là Ngày truyền thống ngành Nội chính Đảng.

VĂN TÀI (thực hiện)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/76/250786/ban-noi-chinh-tinh-uy-tiep-tuc-khang-dinh-vai-tro-tham-muu-cho-dang.html