Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ họp, cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng sau hợp nhất tỉnh
Ngày 22/7, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ đã tổ chức hội nghị để nghe và cho ý kiến về nhiều nội dung trọng tâm, trong đó có việc tổ chức Kỳ họp thứ Nhất, HĐND tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021 - 2026; Quy chế làm việc của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND tỉnh.
Hội nghị cũng nghe báo cáo của Đảng ủy UBND tỉnh về tình hình sắp xếp cơ sở nhà, đất, xe ô tô và phương án quản lý, xử lý tài sản dôi dư trên địa bàn sau hợp nhất; đồng thời cho ý kiến về kết quả thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với ba tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình (cũ), cùng nhiều nội dung quan trọng khác.

Đồng chí Đặng Xuân Phong - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy - chủ trì hội nghị
Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Phi Long - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Bùi Văn Quang - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Duy Đông - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Bùi Đức Hinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Bùi Huy Vĩnh - Phó Bí thư Tỉnh ủy; Bùi Thị Minh - Phó Bí thư Tỉnh ủy. Cùng dự có các đồng chí đại diện các Ban Đảng Trung ương, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về việc tổ chức kỳ họp chuyên đề thứ Nhất, HĐND tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Kỳ họp sẽ diễn ra vào chiều ngày 23/7. UBND tỉnh Phú Thọ sẽ trình nhiều nội dung quan trọng, trong đó có: Quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi ngân sách địa phương, tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách tỉnh Phú Thọ (sau hợp nhất) giai đoạn 2022 - 2025. Dự toán thu ngân sách nhà nước và dự toán thu, chi ngân sách địa phương; phương án phân bổ ngân sách cấp tỉnh năm 2025 (sau hợp nhất). Điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 và Kế hoạch đầu tư công năm 2025 của tỉnh. Quy định chính sách hỗ trợ kinh phí đi lại và lưu trú cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại tỉnh Phú Thọ (sau hợp nhất). Bãi bỏ một số Nghị quyết cũ của HĐND tỉnh không còn phù hợp.
Thường trực HĐND tỉnh cũng sẽ trình Quy chế làm việc của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh Phú Thọ khóa XIX, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Dự kiến, tại kỳ họp, HĐND tỉnh sẽ thông qua 6 nghị quyết quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2025.

Đồng chí Nguyễn Thị Cẩm Phương - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh báo cáo công tác tổ chức kỳ họp Chuyên đề thứ Nhất, HĐND tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021 - 2026
Phát biểu chỉ đạo, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong khẳng định: Việc xây dựng các dự toán thu, chi ngân sách địa phương, phân bổ ngân sách cấp tỉnh sau hợp nhất là nhiệm vụ cấp bách, phù hợp với thực tế sau khi sáp nhập ba tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ và Hòa Bình thành tỉnh Phú Thọ mới. Đồng chí yêu cầu dự thảo Quy chế làm việc của HĐND tỉnh cần bảo đảm tính tổng thể, hài hòa, phù hợp tình hình mới. Đồng thời, đề nghị các cơ quan tham mưu nghiên cứu, đề xuất rõ các nội dung liên quan đến phân cấp, phân quyền để bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hoạt động.
Một nội dung quan trọng khác được thảo luận tại hội nghị là tình hình sắp xếp cơ sở nhà, đất, xe ô tô và phương án quản lý, xử lý tài sản công dôi dư trên địa bàn tỉnh sau hợp nhất. Hội nghị cũng xem xét tiến độ triển khai các dự án trọng điểm, bao gồm cả các dự án thuộc Trung ương và địa phương.
Kết luận phần nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong nhấn mạnh: Sau khi hợp nhất ba tỉnh, việc điều chỉnh, xử lý tài sản dôi dư là yêu cầu cấp thiết. Cần sớm thành lập tổ công tác để rà soát toàn diện các tài sản, cơ sở vật chất, nhà, đất dôi dư; giao cụ thể cho từng đầu mối quản lý, sử dụng nhằm tránh thất thoát, hư hỏng, lãng phí. Yêu cầu hoàn thành công tác rà soát trước ngày 31/8.
Việc bố trí, sử dụng tài sản dôi dư cần theo nguyên tắc: Ưu tiên chuyển công năng phục vụ công cộng như cơ sở y tế, giáo dục, công an, quân sự, thư viện, công viên, thiết chế văn hóa, thể thao. Riêng việc bố trí xe ô tô phục vụ công tác tại cấp xã phải bảo đảm 148/148 xã có phương tiện. Xe tốt cần ưu tiên cho các xã vùng sâu, vùng xa, địa hình đi lại khó khăn. Các xe hết niên hạn sử dụng cần được thanh lý đúng quy trình, và nếu cần thiết phải đề xuất mua mới.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo tình hình sắp xếp cơ sở nhà, đất, xe ô tô và phương án quản lý, xử lý các cơ sở nhà, đất dôi dư trên địa bàn tỉnh sau hợp nhất
Cũng trong chương trình làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các cơ quan chuyên môn và bộ máy giúp việc UBND tỉnh khẩn trương rà soát, đánh giá tiến độ triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn, bao gồm cả các dự án cấp tỉnh và dự án thuộc các bộ, ngành Trung ương. Trên cơ sở đó, sớm có phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để bảo đảm các dự án triển khai đúng tiến độ.

Đồng chí Nguyễn Minh Tuấn - Giám đốc Công an tỉnh phát biểu tại hội nghị
Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã thảo luận, cho ý kiến về Kế hoạch thực hiện Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình; đồng thời xem xét tờ trình dự thảo Quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ Đảng giữa Ban Tổ chức Tỉnh ủy với Ủy ban Kiểm tra, Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận, Ban Nội chính Tỉnh ủy; Đảng ủy Quân sự, Đảng ủy Công an tỉnh; Sở Ngoại vụ và Thanh tra tỉnh.
Ngoài ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy còn cho ý kiến chỉ đạo đối với một số nội dung quan trọng khác nhằm tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành trong tình hình mới.