Bản tin chiều 25/7: TP.HCM tháo gỡ vướng mắc cho 35 dự án bất động sản; Khánh Hòa nỗ lực hiện thực hóa tầm nhìn thành phố trực thuộc Trung ương
Tin tức nổi bật chiều 25/7: Bảo đảm hoàn tất công tác chuẩn bị Triển lãm thành tựu đất nước trước ngày 15/8; TP.HCM tháo gỡ vướng mắc cho 35 dự án bất động sản; Khánh Hòa nỗ lực hiện thực hóa tầm nhìn thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ tướng chỉ đạo gỡ vướng xuất khẩu thanh long, hồ tiêu sang châu Âu; VN-Index vượt đỉnh lịch sử, lập kỷ lục mới... và một số thông tin đáng chú ý khác.
Bảo đảm hoàn tất công tác chuẩn bị Triển lãm thành tựu đất nước trước ngày 15/8
Sáng 25/7, Phó thủ tướng Mai Văn Chính - Trưởng ban Chỉ đạo Triển lãm thành tựu đất nước nhân dịp 80 năm Quốc khánh chủ trì họp với các bộ, ngành, địa phương để đôn đốc tiến độ triển khai.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết ,Bộ đã phối hợp thiết kế, phân bổ mặt bằng trưng bày, ban hành kế hoạch truyền thông, xây dựng triển lãm số… Bộ đề xuất bổ sung không gian cho 3 cơ quan tư pháp để phản ánh đầy đủ thành tựu Nhà nước pháp quyền.

Phó thủ tướng yêu cầu toàn bộ công tác chuẩn bị Triển lãm phải cơ bản hoàn thành trước ngày 15/8; nhấn mạnh sự kiện phải được tổ chức trang trọng, quy mô, an toàn, tiết kiệm, tạo sức lan tỏa sâu rộng.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao tổng hợp maket, hoàn thiện không gian triển lãm, chuẩn bị lễ khai mạc - bế mạc. Các bộ, ngành, địa phương phải chủ động, quyết liệt hành động, đảm bảo Triển lãm thành công tốt đẹp.
Tiêu dùng và thương mại điện tử thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2025
Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 trên 8%, với tiêu dùng và thương mại điện tử là động lực chính. Sáu tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 3,4 triệu tỷ đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ. Doanh thu du lịch, lưu trú và ăn uống tăng mạnh nhờ lượng khách quốc tế vượt 10,7 triệu lượt.

Theo Bộ Công Thương, thương mại điện tử tiếp tục phát triển, đạt quy mô hơn 25 tỷ USD năm 2024, tăng 20%, chiếm khoảng 9% tổng tiêu dùng cả nước. Dự kiến từ 2025, hàng loạt chính sách mới như Luật Thương mại điện tử và kế hoạch phát triển thương mại điện tử quốc gia sẽ tạo đột phá, thúc đẩy tiêu dùng.
Chuyên gia nhận định, tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế có tác động qua lại. Do đó, cùng với kiểm soát lạm phát và giảm thuế VAT, cần phát triển kinh tế tư nhân và cải thiện chất lượng hàng hóa để thúc đẩy tiêu dùng nội địa.
Từ 26/7, sân bay Tân Sơn Nhất triển khai nhận diện sinh trắc học
Từ ngày 26/7, nhà ga T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất chính thức triển khai giải pháp định danh, xác thực điện tử và nhận diện sinh trắc học khi làm thủ tục lên máy bay.
Giải pháp này sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt, vân tay kết nối dữ liệu định danh quốc gia, cho phép hành khách làm thủ tục không cần xuất trình giấy tờ. Đây là bước tiến hướng tới “chuyến bay không giấy tờ” theo chỉ đạo của Thủ tướng và Bộ Công an.

Hành khách chỉ cần có tài khoản VNeID mức độ 2 và thực hiện check-in trực tuyến thông qua ứng dụng VNeID hoặc ứng dụng hãng bay. Việc triển khai giúp rút ngắn thời gian làm thủ tục, tăng tính bảo mật và nâng cao trải nghiệm hành khách.
Tính đến tháng 7/2025, Vietnam Airlines và Vietjet đã phục vụ hơn 25.000 lượt hành khách sử dụng phương thức này. Mục tiêu đến cuối năm 2025 là 70% hành khách bay nội địa sử dụng cửa tự động. Giải pháp sẽ mở rộng ra toàn bộ 22 sân bay và các bến tàu, xe trên cả nước.
TP.HCM tháo gỡ vướng mắc cho 35 dự án bất động sản
Sở Xây dựng TP.HCM cho biết đã tháo gỡ khó khăn cho 35/64 dự án bất động sản vướng mắc theo rà soát của Tổ Công tác 1435 của Thủ tướng Chính phủ. Còn lại 29 dự án đang tiếp tục theo dõi, xử lý, trong đó 3 dự án thuộc thẩm quyền cơ quan Trung ương.

TP.HCM cũng đã giải quyết 1 kiến nghị của công dân tại TP. Thủ Đức (cũ). Các vướng mắc chủ yếu liên quan đến chủ trương đầu tư, quy hoạch, đất đai, nghĩa vụ tài chính... Thành phố tiếp tục tổng hợp, báo cáo Tổ Công tác và kiến nghị nội dung vượt thẩm quyền.
Trong quý II/2025, TP.HCM chấp thuận đầu tư cho 14 dự án, gồm 9 dự án nhà ở thương mại, 1 nhà ở xã hội và 3 dự án đấu giá đất, với tổng vốn hơn 15.000 tỉ đồng. Có 3 dự án được cấp phép xây dựng, 31 dự án đang thi công và 1 dự án hoàn thành. Hai dự án với 1.389 căn đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Khánh Hòa nỗ lực hiện thực hóa tầm nhìn thành phố trực thuộc Trung ương
Sáng 25/7, tại xã Cam Lâm, UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội thảo chuyên đề “Khánh Hòa - Hiện thực hóa tầm nhìn thành phố trực thuộc Trung ương - Đột phá trong kỷ nguyên mới”, với sự tham dự của Phó thủ tướng Nguyễn Chí Dũng, lãnh đạo các bộ, ngành, chuyên gia, doanh nghiệp.

Ông Trần Quốc Nam - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa phát biểu tại Hội thảo
Hội thảo nhằm đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị và đề xuất giải pháp phát triển Khánh Hòa thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030. Các chuyên gia nhấn mạnh cần tận dụng lợi thế địa kinh tế, phát triển hạ tầng chiến lược, chính quyền số, đô thị thông minh và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Nam cho biết, tỉnh đang tháo gỡ ba điểm nghẽn lớn gồm: Hạ tầng, nhân lực và các dự án chậm tiến độ. Khánh Hòa đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2 con số, khai thác hiệu quả tiềm năng biển, logistics, du lịch và năng lượng tái tạo, hướng đến phát triển nhanh, bền vững trong giai đoạn mới.
Cầu Rạch Miễu 2 hoàn thành 99%, sắp khánh thành trước Quốc khánh 2/9
Dự án cầu Rạch Miễu 2 - công trình trọng điểm quốc gia nối Vĩnh Long và Đồng Tháp (mới) đã đạt 99% tiến độ thi công, dự kiến hoàn thành ngày 31/7/2025 và khánh thành trước Quốc khánh 2/9.
Theo Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận (Bộ Xây dựng), toàn bộ mặt bằng 17,6km tuyến đã được bàn giao. Các hạng mục chính như thảm bê tông nhựa, 5 cầu trên tuyến và cầu chính Rạch Miễu 2 đều đã hoàn tất. Hiện cầu chính đang được kiểm định, thử tải và hoàn thiện phần phụ trợ.

Công tác giải ngân vốn đạt hơn 625 tỷ đồng, tương đương 92,88% kế hoạch. Nhà thầu đang triển khai 3 ca liên tục mỗi ngày để đảm bảo đúng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị 26/CT-TTg.
Cầu Rạch Miễu 2 khi đưa vào khai thác sẽ giúp giảm tải cho cầu hiện hữu, tháo gỡ điểm nghẽn giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Thủ tướng chỉ đạo gỡ vướng xuất khẩu thanh long, hồ tiêu sang châu Âu
Trước tình trạng hàng trăm tấn thanh long, hồ tiêu bị ùn ứ do chưa hoàn tất thủ tục xuất khẩu sang châu Âu, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xử lý.
Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phải ban hành hướng dẫn, bổ sung quy định về hồ sơ chứng nhận phù hợp yêu cầu EU, đảm bảo hàng hóa đủ điều kiện xuất khẩu. Chủ tịch UBND các tỉnh, đặc biệt là Lâm Đồng, được yêu cầu thực hiện ngay nhiệm vụ phân cấp theo Thông tư 12/2025.

Từ đầu tháng 7, hàng trăm tấn thanh long, ớt, đậu bắp mắc kẹt tại kho vì thiếu giấy chứng nhận an toàn thực phẩm thực vật. EU đã cảnh báo chuyển đơn hàng sang nước khác nếu Việt Nam không đáp ứng tiến độ.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, 250 tấn hồ tiêu trị giá 2,4 triệu USD cũng đang chờ cấp phép. Chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng được kỳ vọng sẽ gỡ nút thắt kỹ thuật, duy trì uy tín nông sản Việt tại thị trường EU.
Kiến nghị đưa cà phê, gạo ra khỏi danh mục chịu thuế VAT
Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA) và Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) vừa kiến nghị Thủ tướng đưa mặt hàng cà phê nhân sống và gạo ra khỏi danh mục chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) 5%.
VICOFA cho biết, hơn 85% cà phê nhân được xuất khẩu và chủ yếu được hoàn thuế, nhưng quy trình hoàn phức tạp khiến doanh nghiệp mất thời gian, chi phí, đồng thời tạo kẽ hở cho gian lận thuế.

Tương tự, VFA phản ánh việc áp thuế VAT 5% khiến chi phí vốn của doanh nghiệp tăng, trong khi ngân hàng không giải ngân phần thuế này, gây áp lực tài chính và rủi ro bị chiếm dụng thuế.
Hai ngành này đang đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu. Năm 2024, cà phê xuất khẩu gần 5,7 tỷ USD và gạo đạt 5,67 tỷ USD. Riêng 6 tháng đầu năm 2025, cà phê đạt 5,5 tỷ USD, gạo 2,45 tỷ USD. Các hiệp hội đề nghị sớm sửa quy định để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
VN-Index vượt đỉnh lịch sử, lập kỷ lục mới
Kết phiên 25/7, VN-Index tăng hơn 10 điểm, lên 1.531 - mức cao kỷ lục mới, vượt đỉnh lịch sử 1.528 điểm thiết lập năm 2022. Diễn biến tích cực nhờ dòng tiền mạnh đổ vào nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, trong đó nhiều mã thuộc hệ sinh thái GEX (GEX, VIX, VCG...) tăng hết biên độ.

Diễn biến các ngành trong phiên 25/7
Trong khi đó, nhóm VN30 diễn biến giằng co, nhiều cổ phiếu lớn như VHM, VIC, FPT, VNM điều chỉnh nhẹ. Thanh khoản toàn thị trường đạt gần 42.000 tỷ đồng, tiếp tục ở mức cao. Chứng khoán Vietcombank (VCBS) khuyến nghị nhà đầu tư duy trì nắm giữ cổ phiếu trong xu hướng tăng. Tuy nhiên, P/E VN-Index đã vượt mốc 15 lần - ngưỡng cản tâm lý đáng lưu ý.
Các chuyên gia cảnh báo, nếu dòng tiền không lan tỏa và chỉ tập trung vào nhóm tài chính, thị trường có thể bước vào giai đoạn lướt sóng ngắn hạn, dễ chốt lời và điều chỉnh. Ngược lại, nếu được phân bổ đều hơn, VN-Index có thể giữ vững vùng 1.530 điểm trong trung hạn.
TikTok lại đứng trước nguy cơ dừng hoạt động tại Mỹ
Ngày 24/7, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick khẳng định TikTok sẽ bị cấm hoạt động tại Mỹ nếu ByteDance (Trung Quốc) không phê duyệt thỏa thuận bán ứng dụng.
Ông cho biết Mỹ phải nắm toàn quyền kiểm soát công nghệ và thuật toán của TikTok. “Người Mỹ sẽ sở hữu công nghệ, kiểm soát thuật toán. Trung Quốc chỉ có thể giữ một phần nhỏ”, ông nhấn mạnh. Nếu Trung Quốc chấp thuận, TikTok có thể tiếp tục hoạt động. Ngược lại, ứng dụng sẽ bị đóng cửa tại Mỹ.

TikTok trở thành tâm điểm từ năm 2024 sau khi Quốc hội Mỹ thông qua luật buộc ByteDance thoái vốn nếu không muốn bị cấm. Tổng thống Donald Trump đã ba lần gia hạn thời hạn này, mới nhất là đến ngày 17/9/2025.
Ngoài ra, Bộ trưởng Tư pháp Pam Bondi cũng gửi thư cho Apple, Google, tuyên bố sẽ không truy cứu nếu tiếp tục cung cấp dịch vụ liên quan TikTok trong giai đoạn chuyển tiếp, nhằm tránh rủi ro đối với an ninh quốc gia và đối ngoại. TikTok chưa phản hồi về tuyên bố này.