Bản tin sáng 18/7: Phân bổ hơn 76.000 tỷ đồng tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức
Tin tức nổi bật sáng 18/7: Phân bổ hơn 76.000 tỷ đồng tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức; TP.HCM khẳng định vai trò tiên phong phát triển thể thao sau sáp nhập; Chủ tịch HĐND TP.HCM khảo sát công tác phục vụ người dân tại xã Nhà Bè; Bộ Chính trị, Ban Bí thư yêu cầu kiện toàn nhân sự cấp xã trước ngày 25/7; Việt Nam hướng tới mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán... và môt số tin tức đáng chú ý khác.
Phân bổ hơn 76.000 tỷ đồng tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn vừa ký ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về bổ sung dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2024 và phân bổ, sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương. Theo đó, tổng số tăng thu ngân sách năm 2024 là 342.699 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương tăng 187.244 tỷ đồng và ngân sách địa phương tăng 155.455 tỷ đồng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định phân bổ 191.900 tỷ đồng từ nguồn tăng thu trung ương cho năm nhiệm vụ trọng tâm. Đáng chú ý, 76.769 tỷ đồng sẽ được dùng để cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27, áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Ngoài ra, 16.591 tỷ đồng được thưởng vượt thu và đầu tư trở lại cho các địa phương, trong đó TP Hà Nội và TP.HCM nhận lần lượt hơn 8.000 tỷ và gần 4.000 tỷ đồng. Gần 87.000 tỷ đồng được phân bổ cho quốc phòng, an ninh, công nghệ, giáo dục vùng sâu, vùng xa và các dự án đầu tư trọng điểm. Chính phủ được giao trách nhiệm đảm bảo hiệu quả giải ngân và cân đối ngân sách.
TP.HCM khẳng định vai trò tiên phong phát triển thể thao sau sáp nhập
Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 17/7, TP.HCM tiếp tục khẳng định vai trò đầu tàu trong phát triển văn hóa - thể thao - du lịch, nhất là sau khi sáp nhập cùng Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM Nguyễn Nam Nhân cho biết, thành phố đang định hình mô hình “vùng tam giác thể thao” với ba sứ mệnh: huấn luyện đỉnh cao, cung cấp nhân lực và tổ chức sự kiện. Mục tiêu là xây dựng trung tâm thể thao của một siêu đô thị, dựa trên nền tảng dân số, kinh tế, chuyển đổi số và hệ sinh thái đô thị trẻ, năng động.

Giải đi bộ - chạy bộ “Tự hào thành phố tôi yêu” - Cup Agribank 2025, do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp cùng Hội Nhà báo TP.HCM tổ chức ngày 15/6
TP.HCM cũng chuyển dịch tư duy, xác định thể thao không chỉ để đạt thành tích mà còn là một ngành kinh tế đặc thù. Thành phố hướng đến phát triển các dịch vụ thể thao, công nghệ, du lịch, chăm sóc sức khỏe gắn với trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn.
Thành phố sẽ tái cấu trúc hệ thống đào tạo, tinh gọn lực lượng HLV và VĐV, tập trung vào các môn trọng điểm, qua đó nâng tầm thể thao trở thành chỉ số văn minh của đô thị hiện đại.
Chủ tịch HĐND TP.HCM khảo sát công tác phục vụ người dân tại xã Nhà Bè
Ngày 17/7, Chủ tịch HĐND TP.HCM Võ Văn Minh dẫn đầu đoàn công tác khảo sát hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công và làm việc với lãnh đạo xã Nhà Bè. Trung tâm đi vào hoạt động hơn 15 ngày, vận hành ổn định với 21 nhân sự, 10 quầy tiếp nhận và 5 tổ hỗ trợ người dân.
Tính đến ngày 15/7, đã có 1.424 lượt người dân thực hiện thủ tục với 3.872 hồ sơ, trong đó 100% được giải quyết đúng hạn. Trung tâm cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuẩn bị nhân lực phục vụ công tác phân cấp và ủy quyền.

Chủ tịch HĐND TP.HCM Võ Văn Minh khảo sát Trung tâm phục vụ hành chính công xã Nhà Bè. Ảnh: Thảo Lê
UBND xã Nhà Bè đã công bố 27 dự án được miễn giấy phép xây dựng theo quy hoạch chi tiết 1/500. Xã cũng đang tích cực chuyển đổi số và chuẩn bị cho việc giải quyết thủ tục hành chính phi địa giới.
Chủ tịch HĐND TP.HCM đánh giá cao tinh thần làm việc và sự hài lòng của người dân, đồng thời đề nghị xã tiếp tục phát huy hiệu quả, nâng cao chất lượng phục vụ, giảm thời gian xử lý hồ sơ và tăng cường tính chuyên nghiệp. Ông cũng nhấn mạnh việc quan tâm đến vệ sinh môi trường, mảng xanh, thể thao và sử dụng hiệu quả tài sản công.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư yêu cầu kiện toàn nhân sự cấp xã trước ngày 25/7
Ngày 17/7, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành Kết luận số 178-KL/TW do Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú ký, yêu cầu khẩn trương kiện toàn bộ máy cấp xã, đặc biệt là bổ sung Bí thư, Chủ tịch UBND còn thiếu, hoàn thành trước ngày 25/7.
Kết luận nêu rõ, các cấp ủy, tổ chức đảng cần thực hiện nghiêm túc công tác sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính hai cấp, đảm bảo thông suốt, hiệu quả. Đồng thời, chỉ đạo tổ chức đại hội đảng bộ các cấp đúng tiến độ, chất lượng. Các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư được phân công cần trực tiếp dự và chỉ đạo đại hội ở địa phương phụ trách.

Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú. Ảnh: TTXVN
Bộ Chính trị cũng yêu cầu các tỉnh ủy, thành ủy phân bổ hợp lý biên chế, bố trí cán bộ có chuyên môn phù hợp tại cấp xã. Các ban, bộ ngành liên quan phải phối hợp giám sát, hướng dẫn và tháo gỡ khó khăn tại cơ sở trong tháng 8/2025.
Ngoài ra, Trung ương sẽ rà soát việc sắp xếp các hội quần chúng, điều chỉnh quy định pháp lý liên quan đến hoạt động điều tra, tiếp công dân, phòng chống tham nhũng, nhằm nâng cao hiệu quả điều hành và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng.
Thủ tướng: Xử lý dứt điểm 2.981 dự án tồn đọng, không để “sai chồng sai”
Ngày 17/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị toàn quốc sơ kết công tác tháo gỡ khó khăn cho các dự án, đất đai và triển khai chỉ đạo của Bộ Chính trị. Thủ tướng yêu cầu xử lý 2.981 dự án tồn đọng với tinh thần "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ kết quả, rõ thẩm quyền", đảm bảo dứt điểm, hiệu quả, đúng quy định.

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Phạm Thắng
Các dự án này kéo dài nhiều năm, vướng mắc chủ yếu liên quan pháp lý về đất đai, quy hoạch và thủ tục. Chúng được phân thành ba nhóm: có sai phạm rõ ràng, vướng thủ tục và có dấu hiệu vi phạm. Việc phân quyền xử lý giữa Trung ương và địa phương phải được làm rõ, đúng chức năng, không đùn đẩy trách nhiệm.
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu xử lý nhân văn, hiệu quả, không để "được việc này mất việc kia", đồng thời phát huy tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm. Ban Chỉ đạo 751 sẽ tiếp tục phân loại, hoàn thiện báo cáo trình Bộ Chính trị trong tháng 8/2025, nhằm huy động tối đa nguồn lực dự án phục vụ tăng trưởng kinh tế, đóng góp mục tiêu GDP 8,3 - 8,5%.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu đánh giá, giới thiệu nhân sự khóa mới bảo đảm minh bạch, công tâm
Chiều 17/7, tại Hội nghị Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu thực hiện nghiêm túc công tác đánh giá cán bộ, giới thiệu nhân sự Ban Chấp hành Đảng bộ Quốc hội khóa mới nhiệm kỳ 2025 - 2030, bảo đảm khách quan, công tâm, minh bạch, có kế thừa và đổi mới.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Đại hội đại biểu Đảng bộ Quốc hội lần thứ nhất là dịp tổng kết, đánh giá toàn diện kết quả nhiệm kỳ trước, từ đó định hướng tầm nhìn và chiến lược phát triển cho giai đoạn tiếp theo. Đồng thời, đây là cơ hội lựa chọn đội ngũ cán bộ lãnh đạo có bản lĩnh, phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thành Mẫn. Ảnh: Lâm Hiển
Ông yêu cầu Tiểu ban Văn kiện và Tiểu ban Nhân sự hoàn thiện nội dung văn kiện, phản ánh trung thực kết quả đạt được, nguyên nhân hạn chế, bảo đảm đúng định hướng của Trung ương và phù hợp với vai trò đặc thù của Quốc hội.
Về tổ chức đại hội, Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần tuân thủ chặt chẽ lộ trình, tiến độ, giữ vững kỷ luật, tạo sự đoàn kết, đồng thuận nội bộ và nâng cao hiệu quả lãnh đạo của Đảng trong cơ quan Quốc hội.
Việt Nam hướng tới mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán
Tại buổi làm việc với FTSE Russell ngày 17/7, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng khẳng định quyết tâm cải cách mạnh mẽ thị trường vốn, nhằm sớm đáp ứng các tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán. Đây là bước đi chiến lược nhằm đưa Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn trong khu vực.

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng
Theo Bộ trưởng, việc nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi sẽ góp phần xây dựng hệ thống tài chính công bằng, minh bạch và hiệu quả, đồng thời thu hút dòng vốn dài hạn. Bộ Tài chính đang chủ động sửa đổi quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, cải thiện quy trình chào bán và phát hành chứng khoán, đơn giản hóa thủ tục đầu tư, và tăng ứng dụng công nghệ trong giám sát thị trường.
Đại diện FTSE Russell đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam và cam kết hỗ trợ cập nhật hạ tầng thị trường nhằm thu hút dòng vốn quốc tế. Theo World Bank, nếu được nâng hạng, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể đón thêm khoảng 25 tỷ USD từ nhà đầu tư nước ngoài vào năm 2030.
Việt Nam mời quốc tế tham gia diễu binh kỷ niệm 80 năm Quốc khánh 2/9
Ngày 17/7, tại họp báo thường kỳ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết Việt Nam đã gửi lời mời tới các quốc gia bạn bè, đề nghị cử lực lượng tham gia diễu binh trong Lễ kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9/2025.
Lễ kỷ niệm mang ý nghĩa thiêng liêng nhằm tôn vinh thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, sự kiện khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng
Đây cũng là dịp khẳng định vai trò lịch sử của cuộc cách mạng trong phong trào giải phóng dân tộc toàn cầu, cũng như thành tựu của nhân dân Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Việt Nam coi sự kiện này là cơ hội để tri ân sự ủng hộ quốc tế, đồng thời khẳng định chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa và là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế. Bộ Quốc phòng Việt Nam đã chính thức gửi thư mời tới các nước, đặc biệt là những đối tác truyền thống, cùng tham dự lễ và cử lực lượng tham gia diễu binh.
Thủy điện Hòa Bình mở cửa xả đáy thứ ba, cảnh báo 6 địa phương hạ du
Chiều 17/7, Bộ Nông nghiệp và Môi Trường phát công điện yêu cầu Thủy điện Hòa Bình mở cửa xả đáy thứ ba lúc 15 giờ, theo quy trình vận hành liên hồ chứa sông Hồng. Trước đó, hai cửa xả đã được mở lần lượt vào ngày 9 và 15/7. Việc xả lũ nhằm đảm bảo an toàn hồ chứa khi mực nước thượng lưu đạt 104,4 m, cao hơn mực nước chết hơn 20 m và cách mực nước dâng bình thường 12 m.

Bộ yêu cầu 6 địa phương gồm Phú Thọ, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng và Ninh Bình thông báo đến người dân để chủ động phòng tránh các nguy cơ do mực nước sông suối dâng cao.
Thủy điện Hòa Bình có công suất 1.920 MW, vận hành 8 tổ máy và 12 cửa xả, với hồ chứa rộng hơn 208 km², dung tích trên 9,45 tỷ m³. Trong năm 2024, đợt xả lũ lớn nhất từng diễn ra vào tháng 8 với 4 cửa mở, và tháng 9 sau bão Yagi, 3 cửa tiếp tục được vận hành khiến nhiều khu vực ngoại thành Hà Nội bị ngập kéo dài.
Cục CSGT vận hành trung tâm giám sát giao thông bằng AI
Cục Cảnh sát Giao thông (Cục CSGT - Bộ Công an) đang thử nghiệm Trung tâm Thông tin chỉ huy tại Hà Nội, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong phát hiện và xử lý vi phạm giao thông. Trung tâm kết nối hệ thống camera giám sát trên toàn quốc, hoạt động liên tục theo ca để ghi nhận, phân tích và gửi cảnh báo vi phạm đến chủ phương tiện qua ứng dụng VNeTraffic.
Hiện tại, phần mềm AI có thể tự động phát hiện hơn 20 hành vi vi phạm. Những trường hợp chưa được AI nhận diện sẽ do cán bộ trực tiếp theo dõi. Giai đoạn đầu, việc cảnh báo thí điểm thực hiện trên bốn tuyến cao tốc trọng điểm.

Ngoài giám sát giao thông, trung tâm còn quản lý toàn diện hoạt động của lực lượng CSGT, theo dõi vị trí và nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát các phương tiện, thiết bị nghiệp vụ. Hệ thống bản đồ số hỗ trợ theo dõi hành trình vi phạm và điều phối lực lượng xử lý sự cố, tai nạn.
Đặc biệt, trung tâm có khả năng hỗ trợ an ninh trật tự bằng công nghệ nhận diện khuôn mặt và tái dựng hành trình đối tượng truy nã. Việc tích hợp công nghệ hướng tới mục tiêu tự động hóa, minh bạch hóa và giảm thiểu thủ tục trong quản lý giao thông.