Bằng cấp, học vị và tri thức?

Thực tình mà nói, nếu như bạn thực học và coi trọng tri thức, thì dẫu việc đỗ đạt sớm hay muộn cũng không quan trọng.

Và gần đây có trường hợp có bằng tiến sĩ ở tuổi trên sáu mươi của một cá nhân đã ít nhiều thu hút sự quan tâm của dư luận.

Quy cách để đạt được cái học vị đó, mới là điều cư dân mạng xôn xao. Cũng xuất phát từ điểm đó, người ta lại bàn thêm về chất lượng của việc đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Nghĩa là nơi đào tạo ra đội ngũ những trí thức bậc cao (bậc sau đại học).

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nhắc đến “trí thức”, có lẽ, đâu đó trong chúng ta vẫn còn có người nhầm lẫn với “tri thức”. Với những người lao động bình thường, làm những công việc chân tay, không liên quan gì đến tri thức, việc nhầm lẫn đó là một chuyện thường tình, không đáng để bận tâm. Bởi đó không phải là điều họ cần quan tâm. Nhưng nếu bạn là một trí thức (hoặc mang danh là một trí thức), mà còn nhầm lẫn giữa hai khái niệm trên, thì không thể chấp nhận được.

Lịch sử văn minh loài người diễn tiến theo những trình tự từ thấp đến cao, từ lao động thô sơ, giản đơn, đến tinh tế, phức tạp. Đi cùng với chiều hướng phát triển đó, loài người trải qua các thời đại như săn bắt hái lượm, nông nghiệp lạc hậu, công nghiệp, thông tin, tri thức, sáng tạo.

Mỗi thời đại tiến triển có khung thời gian tồn tại khác nhau, như thời đại săn bắt hái lượm thì tồn tại hàng vạn năm (thậm chí lâu hơn), thời đại nông nghiệp lạc hậu tồn tại hàng ngàn năm, thời đại công nghiệp tồn tại hàng trăm năm, thời đại thông tin tồn tại vài mươi năm, thời đại tri thức mươi năm, rồi đến thời đại của sáng tạo.

Hiện nhân loại đang ở giai đoạn văn minh tri thức, văn minh sáng tạo, nhưng đâu đó trên thế giới vẫn tồn tại đang xen các loại hình thái phát triển của xã hội. Như xã hội Việt Nam hiện nay, cùng lúc tồn tại các loại hình phát triển như nông nghiệp lạc hậu, công nghiệp, thông tin, tri thức, sáng tạo.

Cũng chính vì sự nhập nhằng trong diễn trình phát triển của xã hội, nên nhiều người trong chúng ta chưa có cái nhìn rõ ràng, thấu đáo. Thậm chí, có nhiều người còn không hiểu được thời đại tri thức là gì? Tri thức là tri thức, làm gì có thời đại?

Với thời đại nông nghiệp, xã hội lấy sản xuất nông nghiệp làm chính; với thời đại công nghiệp, việc phát triển công nghiệp là yếu tố hàng đầu cho công cuộc phát triển; với thời đại thông tin, nền công nghiệp thông tin đóng vai trò chủ đạo trong sự phát triển của xã hội; thì đến thời đại tri thức, hẳn nhiên, tri thức đóng vai trò trung tâm của sự phát triển. Nên nếu như bạn có bằng cấp, nhưng tri thức đầy lỗ hổng, thì chưa phải là một trí thức vậy.

Sở dĩ tôi có sự phân biệt rạch ròi như vậy, là để chúng ta có cái nhìn vừa tổng quan vừa chi tiết, cho một vấn đề mà ta đang bàn luận. Tri thức khác gì trí thức? Trí thức khác gì với học vị (bằng cấp)?

Tùy vào mỗi thời đại, mà bản chất của sự phát triển là khác biệt, và đi kèm với sự phát triển đó, là những vấn đề khác có liên quan, trong đó con người đóng vai trò nòng cốt. Hẳn nhiên, trong xu hướng phát triển đi lên của xã hội, thì nhu cầu về con người cũng có sự khác biệt.

Sự khác nhau về con người trong sự phát triển của mỗi thời đại, ắt hẳn nhiều người điều biết, nội dung bài viết này không cần đề cập nhiều đến nữa. Điều tác giả quan tâm, là nội hàm của câu chuyện thời đại tri thức, thời đại sáng tạo. Bởi, nó liên quan trực diện đến cuộc sống hiện nay.

Khác với những thời đại trước, thời đại tri thức, sáng tạo, lực lượng lao động chính là những trí thức. Khi tri thức phổ biến rộng rãi trong xã hội, tri thức trở thành nền tảng căn bản của phát triển, thì đi kèm với đó là lực lượng trí thức ra đời càng đông. Nhưng hiểu như thế nào là trí thức? Trí thức có phải lúc nào cũng là trí thức hay không? Người có bằng cấp, có thực sự là một trí thức? Người có học vị, có phải là một trí thức?

Trí thức, hẳn nhiên là người am hiểu nhiều tri thức, có kiến văn, có hiểu biết sâu rộng, có sự vận dụng tri thức một cách linh hoạt và hiệu quả. Trí thức là người có tiếng nói khả tín, trong lĩnh vực mình hoạt động.

Nhưng điều đáng buồn, là hiện nay, có nhiều người không hiểu tường tận về khái niệm này. Dẫn đến trình trạng ngộ nhận, ảo tưởng, và thậm chí là giả trí thức.

Như thế nào là giả trí thức? Giả trí thức là chỉ những người có hiểu biết cạn cợt, nông, nhưng lại tỏ ra là người am tường. Đôi khi, những lý giải của họ rất ngô nghê, nhưng lại ra sức ngụy biện, tranh cãi lấy được, muốn mình đúng, mình hơn. Thậm chí, họ nghĩ họ là chân lý! Đôi khi, chuyện học xong cao đẳng, đại học, hoặc thậm chí là đua chen để có được tấm bằng thạc sĩ, tiến sĩ, và họ nghĩ, mình đã trở thành một trí thức.

Nhưng để trở thành trí thức dễ dàng thế sao? Trong khi không ít sinh viên vẫn còn học vẹt, học mang tính đối phó, học cho qua môn, học cho xong, học thuộc bài. Không có nhu cầu tìm tòi tri thức, không nghiên cứu, không có tư duy khoa học, không có khả năng phản biện.

Đừng nói là sinh viên đại học ra trường, mà ngay cả thạc sỹ, tiến sỹ, nếu không thực học, không thực tìm tòi tri thức, không thực nghiên cứu khám phá, thì nhiều người vẫn nói là “tiến sĩ giấy” đó thôi.

Xã hội Việt Nam đang tiến vào thời đại của tri thức, sáng tạo, việc đào tạo thế hệ trẻ trở thành những công dân đầy ắp tri thức, những trí thức chân chính trong tương lai, là điều cực kỳ quan trọng. Vậy nên, trước tiên, những người đi trước phải là những trí thức thực thụ, không nên “giả trí thức”. Đánh đồng bằng cấp với trí thức.

Bởi, dẫu bằng cấp có bao nhiêu, học vị có như nào, mà không đóng góp được gì thiết thực cho xã hội, thậm chí có tư duy phi khoa học, gây cản trở sự đi lên của xã hội, thì cũng chưa phải là trí thức vậy!...

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Hà Hương Sơn

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/bang-cap-hoc-vi-va-tri-thuc-a670703.html