Bàng hoàng vì bị ông Trump 'giam' 7 tỷ USD hỗ trợ học hè

Chính quyền Tổng thống Trump đóng băng số tiền hỗ trợ học sinh mà không đưa ra lời giải thích rõ ràng.

 Chính quyền ông Trump "giam" 7 tỷ USD hỗ trợ học sinh. Ảnh: Reuters.

Chính quyền ông Trump "giam" 7 tỷ USD hỗ trợ học sinh. Ảnh: Reuters.

New York Times đưa tin chính quyền ông Donald Trump đã từ chối giải ngân gần 7 tỷ USD tiền tài trợ liên bang - số tiền vốn dùng để chi trả cho các chương trình sau giờ học, trại hè, hỗ trợ học sinh học tiếng Anh, đào tạo giáo viên và các dịch vụ giáo dục khác.

Số tiền này đáng lẽ sẽ được phân bổ vào ngày 1/7. Tuy nhiên, trong một email gửi đi vào ngày 30/6, Bộ Giáo dục Mỹ thông báo với các cơ quan giáo dục tiểu bang rằng khoản tiền sẽ không được giải ngân như dự kiến.

Chính quyền ông Trump không giải thích gì, chỉ cho biết số tiền này đang được “xem xét lại” và cũng không nói rõ khi nào số tiền sẽ được giải ngân, có thực sự giải ngân hay không.

Bàng hoàng vì không được giải ngân

Khi thông tin này được công bố, các nhà giáo dục tại Mỹ bàng hoàng. Bà Jodi Grant, Giám đốc điều hành tổ chức Afterschool Alliance - chuyên hỗ trợ các dịch vụ sau giờ học, nói rằng đây là một thảm họa. Bà ước tính khoảng 1,3 tỷ USD mỗi năm trong tổng số ngân sách bị "giam" được dành cho chương trình sau giờ học và trại hè.

Số ngân sách này có thể hỗ trợ khoảng 1,4 triệu học sinh, phần lớn trong số đó là học sinh thuộc nhóm thu nhập thấp. Các em chiếm khoảng 20% trong tổng số học sinh tham gia chương trình sau giờ học trên toàn nước Mỹ.

Động thái này của chính quyền ông Trump cũng bị các liên đoàn giáo viên chỉ trích là "trái pháp luật". Họ nhấn mạnh rằng số tiền khổng lồ này đã được Quốc hội thông qua, chính ông Trump cũng đã phê duyệt từ tháng 3/2025.

“Đây là hành động vô pháp", bà Randi Weingarten, Chủ tịch Liên đoàn Giáo viên Mỹ, tuyên bố.

Tại Mỹ, nhiều chương trình giáo dục được ngân sách liên bang tài trợ đã tồn tại hàng thập kỷ. Trong đó, 21st Century Community Learning Centers - chương trình hỗ trợ các hoạt động trong năm và kỳ nghỉ hè - được Quốc hội thông qua từ năm 1994 và mở rộng vào năm 2000 thông qua đạo luật No Child Left Behind. Cả hai đạo luật đều nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ hai đảng.

Một chương trình khác mới hơn là Student Support and Academic Enrichment grants cũng được triển khai suốt một thập kỷ qua nhằm hỗ trợ các vấn đề như sức khỏe tâm thần học đường và công nghệ giáo dục. Đạo luật cho phép triển khai chương trình này cũng được Quốc hội thông qua với sự đồng thuận cao của cả hai đảng.

New York Times nêu rằng chính quyền Tổng thống Trump đã "theo đuổi" đường lối cắt giảm vai trò của chính phủ liên bang trong lĩnh vực giáo dục, trong đó có kế hoạch xóa bỏ hoàn toàn Bộ Giáo dục. Dù chỉ Quốc hội mới có quyền giải thể bộ này, chính quyền ông Trump vẫn giảm nhân sự và ngân sách sâu rộng, nhằm thu hẹp quy mô hoạt động của ngành giáo dục liên bang.

Chính quyền Tổng thống Trump cũng bỏ ngỏ khả năng loại bỏ hoàn toàn khoản ngân sách gần 7 tỷ USD đang bị đóng băng. Trong phiên điều trần trước Ủy ban Chuẩn chi Ngân sách Thượng viện vào tuần trước, ông Russell Vought, Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách Nhà Trắng, cho biết chính quyền đang cân nhắc sử dụng quy trình “hủy bỏ”.

Theo đó, Nhà Trắng sẽ chính thức đề nghị Quốc hội thu hồi một phần ngân sách đã được phê duyệt. Dù Quốc hội có biểu quyết hay không, việc gửi đề xuất cũng sẽ "kích hoạt" một điều khoản pháp lý khiến khoản tiền bị đóng băng cho đến khi tự động hết hiệu lực.

 Học sinh thu nhập thấp, sống ở vùng khó khăn càng bấp bênh vì thiếu nguồn tiền hỗ trợ từ chính phủ. Ảnh: New York Times.

Học sinh thu nhập thấp, sống ở vùng khó khăn càng bấp bênh vì thiếu nguồn tiền hỗ trợ từ chính phủ. Ảnh: New York Times.

Bấp bênh vì thiếu tiền

Việc trì hoãn giải ngân vào ngày 1/7 đã khiến ngân sách của các học khu rơi vào tình trạng bấp bênh, trong bối cảnh chỉ trong vài tuần nữa, nhiều bang sẽ bắt đầu năm học mới.

Bà Heidi Sipe, Giám đốc học khu ở Umatilla, bang Oregon, cho biết chương trình sau giờ học tại địa phương (cụ thể là vùng nông thôn, thu nhập thấp) thường kéo dài đến 16h45 hoặc 17h30. Chương trình này hoàn toàn dựa vào nguồn tài trợ liên bang.

Gần đây, nữ giám đốc đã gửi thư đến các phụ huynh, kêu gọi họ chuẩn bị các phương án thay thế, dù thực tế địa phương hầu như không có sự lựa chọn nào tương đương.

Tại thành phố Omaha, bang Nebraska, bà Nicole Everingham, người quản lý nguồn tài trợ cho các chương trình sau giờ học tại 42 trường công lập, cho biết nếu mất đi nguồn tài trợ, tổ chức của bà sẽ buộc phải cắt giảm số trường có thể duy trì chương trình và giảm số lượng học sinh tham gia do thiếu nhân sự.

Ngay cả trong trường hợp tiền được giải ngân sau một khoảng thời gian bị đóng băng, bà Everingham vẫn lo rằng kế hoạch tuyển dụng nhân sự trước thềm năm học mới sẽ bị gián đoạn. Điều này gây khó khăn cho các phụ huynh cần sự hỗ trợ của chương trình sau giờ học - những người bận đi làm, không thể chăm sóc con sau khi con kết thúc giờ học chính khóa.

Nhiều học khu cũng phụ thuộc vào ngân sách liên bang để hỗ trợ các học sinh và gia đình không nói tiếng Anh. Công tác hỗ trợ này bao gồm đào tạo giáo viên và thuê thông dịch viên.

“Nếu không có những hoạt động kết nối này, các gia đình không nói tiếng Anh sẽ bị cô lập khỏi trường học”, bà Ana DeGenna, Giám đốc học khu ở Oxnard, bang California, nhận định.

Thái An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/bang-hoang-vi-bi-ong-trump-giam-7-ty-usd-ho-tro-hoc-he-post1565355.html