'Báo cáo chính trị phải thể hiện được tầm quan trọng đặc biệt của Đại hội XIV'

Từng là Ủy viên Thường trực Tổ Biên tập văn kiện của 5 Đại hội (từ Đại hội IX đến Đại hội XIII), PGS.TS Nguyễn Viết Thông - nguyên Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận TƯ nhận định, việc tích hợp 3 báo cáo thành một Báo cáo chính trị là bước đi đột phá, thể hiện cách làm sáng tạo, tránh được sự trùng lặp.

PV: Tại Hội nghị Trung ương 12 vừa qua, Trung ương đã quyết định tích hợp nội dung 3 văn kiện gồm Báo cáo chính trị, Báo cáo kinh tế-xã hội, Báo cáo tổng kết xây dựng Đảng thành Báo cáo chính trị. Việc tích hợp sẽ có những ưu điểm gì, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Viết Thông - nguyên Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương

PGS.TS Nguyễn Viết Thông - nguyên Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương

PGS.TS Nguyễn Viết Thông:Ngay từ thời kỳ đầu đổi mới, các đại hội Đảng thường có 3 loại văn kiện chính gồm: Báo cáo chính trị, Báo cáo kinh tế và Báo cáo xây dựng Đảng. Sau đó, một số đại hội đã gộp Báo cáo xây dựng Đảng vào Báo cáo chính trị, như vậy chỉ còn hai báo cáo chính là Báo cáo chính trị và Báo cáo kinh tế - xã hội.

Từ Đại hội XII đến Đại hội XIII, chúng ta lại có 3 báo cáo gồm Báo cáo chính trị, Báo cáo kinh tế - xã hội và Báo cáo xây dựng Đảng.

Tại Hội nghị Trung ương 12 (khóa XIII) vừa rồi, Trung ương đã quyết định tích hợp 3 báo cáo đó thành 1 báo cáo. Theo tôi, việc tích hợp này có mấy ưu điểm nổi bật sau:

Thứ nhất, điều này thể hiện đúng phương thức lãnh đạo của Đảng như đã xác định trong Cương lĩnh bổ sung phát triển năm 2011: Đảng lãnh đạo bằng Cương lĩnh, đường lối, chủ trương, chính sách lớn. Đảng chỉ định hướng, còn cụ thể hóa là việc của Chính phủ, trình Quốc hội.

Thứ hai, việc tích hợp “3 trong 1” tránh được sự chồng chéo, sự “vênh” giữa các văn kiện. Trong 3 văn kiện, Báo cáo chính trị là báo cáo trung tâm; Báo cáo kinh tế - xã hội và Báo cáo xây dựng Đảng là báo cáo chuyên đề, nội dung đều phải lấy Báo cáo chính trị là trung tâm, nên 2 báo cáo này chỉ là cụ thể hóa hơn.

Trong quá trình làm việc, các tiểu ban văn kiện phải phối hợp với nhau để tránh vênh về số liệu, về nhận định, về yêu cầu. Ví dụ phần xây dựng Đảng, trong Báo cáo chính trị lại có báo cáo chuyên đề về xây dựng Đảng. Làm sao để 2 báo cáo đó không giống hệt nhau nhưng lại không được vênh nhau. Đó là công việc không dễ dàng.

Nên lần này chúng ta tích hợp vừa tránh sự trùng lặp, vừa tránh sự vênh giữa các báo cáo. Hơn nữa, khi quán triệt, triển khai tổ chức thực hiện sẽ thuận lợi hơn.

Thứ ba, việc tích hợp thể hiện sự thống nhất từ Trung ương đến cơ sở. Lâu nay, kể từ khi còn chính quyền địa phương 3 cấp, từ tỉnh, huyện, xã chỉ có Báo cáo chính trị và Báo cáo kiểm điểm của cấp ủy; còn Trung ương có nhiều báo cáo. Lần này, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp đi vào hoạt động, theo Chỉ thị 45, cấp tỉnh và cấp cơ sở cũng chỉ có 2 báo cáo chính. Do đó, Trung ương quyết định tích hợp để thống nhất từ Trung ương đến cơ sở.

Ngoài ra, nếu tham khảo kinh nghiệm của một số đảng trên thế giới, như Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tích hợp 3 báo cáo từ lâu.

Do đó, việc Trung ương quyết định tích hợp 3 báo cáo là bước tiến về nhận thức, thực tiễn đã chứng minh và có tham khảo kinh nghiệm thế giới.

PV: Việc xây dựng một văn kiện tích hợp đòi hỏi năng lực, tư duy hệ thống, cũng như kỹ năng tổ chức cấu trúc hợp lý để tránh văn kiện rơi vào liệt kê dàn trải, nối ghép cơ học nội dung, hoặc không phản ánh đúng các trục ưu tiên của đất nước trong giai đoạn phát triển mới. Ông nghĩ sao về điều này?

PGS.TS Nguyễn Viết Thông: Tôi cho rằng việc này không khó. Trước đây, có một số Đại hội đã tích hợp Báo cáo xây dựng Đảng vào Báo cáo chính trị, ta đã làm rất tốt và đã có kinh nghiệm. Cho nên việc tích hợp 3 báo cáo là không khó.

Tổ biên tập văn kiện có đủ năng lực, trình độ, đủ khả năng để biên tập thành một Báo cáo chính trị mới, thể hiện hồn cốt của cả 3 báo cáo trong một văn kiện.

Phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường là trung tâm

PV: Theo ông, đâu là những điểm cần lưu ý trong quá trình xây dựng để văn kiện không chỉ là kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, mà còn là "ngọn đuốc soi đường" cho công cuộc phát triển đất nước trong giai đoạn mới?

PGS.TS Nguyễn Viết Thông: Văn kiện trình Đại hội nào cũng quan trọng. Ví dụ, Đại hội VI mở đầu đổi mới, Đại hội VII thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; Đại hội VIII quyết định đưa đất nước ta bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa... Đại hội XIV sắp tới quyết định đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đây cũng là đại hội có tầm quan trọng đặc biệt, nên Báo cáo chính trị phải thể hiện được tầm quan trọng đặc biệt ấy.

Trong Báo cáo chính trị phải thể hiện rõ những quan điểm của Đảng ta như việc xác định chủ đề đại hội, đánh giá tình hình, rút ra bài học kinh nghiệm, đề ra quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ trọng tâm, các đột phá chiến lược… Đó là nội dung hồn cốt của Báo cáo chính trị trình Đại hội XIV tới đây.

PV: Nghiên cứu các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIV, ông nhận thấy có những điểm mới nào đáng chú ý?

PGS.TS Nguyễn Viết Thông: Qua nghiên cứu dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIV - tài liệu dùng cho Đại hội Đảng cấp tỉnh, cấp xã, có thể khái quát 6 điểm mới.

Đầu tiên là chủ đề và phương châm đại hội. Chủ đề đại hội lần này ngắn gọn hơn, nhấn mạnh đến việc đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Kế thừa Đại hội XIII, phương châm của Đại hội XIV thay hai chữ “sáng tạo” bằng hai chữ “đột phá”. Bởi đất nước chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc thì rất cần phải đột phá trên tất cả các lĩnh vực. Ngoài ra, dự thảo văn kiện đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII và nhìn lại 40 năm đổi mới để rút ra các bài học kinh nghiệm.

Điểm mới tiếp theo là trên cơ sở dự báo tình hình, đưa ra quan điểm chỉ đạo, mục tiêu phát triển. Dự báo tình hình lần này kế thừa những đại hội trước, đặc biệt là Đại hội XIII nhấn mạnh một số vấn đề rất mới như: bối cảnh thế giới hòa bình – hợp tác vẫn là xu thế phát triển, nhưng xung đột và cạnh tranh vẫn còn phức tạp; cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trí tuệ nhân tạo, kinh tế số, xã hội số, công dân số... phát triển mạnh mẽ; cùng với thiên tai, dịch bệnh… Từ đó cũng nhấn mạnh đặc điểm trong nước, ngoài 4 nguy cơ mà Đảng ta đã dự báo từ hội nghị giữa nhiệm kỳ thì lần này nhấn mạnh hơn một số khó khăn như: già hóa dân số, bảo vệ chủ quyền, không gian mạng.

Dự thảo văn kiện trình Đại hội XIV đưa ra 5 quan điểm chỉ đạo, cơ bản kế thừa từ Đại hội XIII nhưng có những bước phát triển mới mang tính đột phá. Trong đó, quan điểm thứ nhất nêu rõ những vấn đề có tính nguyên tắc thì phải kiên định. Ví dụ, lần này chúng ta bổ sung một bộ phận của nền tảng tư tưởng đó là “lý luận về đường lối đổi mới”. Như vậy, nền tảng tư tưởng của Đảng tới đây có 3 bộ phận gồm: Chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và lý luận về đường lối đổi mới.

Cùng với đó, lần này chúng ta khẳng định “ổn định để phát triển, phát triển để ổn định”. Đó là 2 điểm mới trong quan điểm thứ nhất.

Quan điểm thứ 2 nói về mô hình tổng quát. Trong đó, dự thảo Báo cáo chính trị nêu rõ “phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường là trung tâm” thay vì “phát triển kinh tế xã hội là trung tâm” như ở Đại hội XIII.

Về mục tiêu phát triển: Ngắn gọn hơn, mạnh mẽ hơn. Đặc biệt lần này đưa ra mục tiêu chủ yếu, có tính cách mạng rất cao như mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số trở lên trong 5 năm tới - đây là chỉ tiêu mà chúng ta mơ ước từ lâu để đất nước phát triển nhanh, bền vững. Chỉ tiêu này không viễn vông vì chúng ta đang đẩy mạnh đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. 3 yếu tố này có thể góp phần làm tăng 5% tổng GDP, nên chúng ta có đủ cơ sở để đưa ra mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong 5 năm tiếp theo.

Điểm mới nữa là chúng ta đưa ra những định hướng chiến lược từ phát triển kinh tế, cơ cấu xã hội, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, xây dựng Đảng… 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược là những điểm mới nổi bật trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIV tới đây.

PV: Xin cảm ơn ông.

Lê Hoàng-Kim Anh/VOV.VN (thực hiện)

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/bao-cao-chinh-tri-phai-the-hien-duoc-tam-quan-trong-dac-biet-cua-dai-hoi-xiv-post1217130.vov