Bảo đảm an sinh lâu dài

Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được thông qua tại Kỳ họp thứ Bảy đã 'chốt' phương án hưởng bảo hiểm xã hội một lần - vấn đề khó và có nhiều ý kiến khác nhau trong suốt quá trình xây dựng luật.

Cụ thể, người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành (tức là trước ngày 1.7.2025), đã chấm dứt tham gia bảo hiểm xã hội, sau 12 tháng không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà cũng không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm, có đề nghị thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Như vậy, những người tham gia đóng bảo hiểm xã hội sau ngày 1.7.2025 sẽ không được hưởng bảo hiểm một lần, trừ trường hợp đặc biệt.

Luật cũng thiết kế kèm theo các quyền lợi nhằm giữ người lao động ở lại với lưới an sinh bảo hiểm xã hội. Theo đó, nếu người lao động lựa chọn bảo lưu, không rút bảo hiểm một lần thì sẽ được ngân sách đóng bảo hiểm y tế, được điều chỉnh mức trợ cấp hàng tháng như lương hưu, được hưởng trợ cấp mai táng…

Đây là phương án được đa số đại biểu Quốc hội lựa chọn và cũng là phương án Chính phủ ưu tiên lựa chọn khi trình Quốc hội. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phương án này có nhiều ưu điểm hơn, đó là bảo đảm kế thừa quy định hiện hành, không ảnh hưởng nhiều đến gần 18 triệu người đang tham gia bảo hiểm xã hội. Đồng thời, thể chế hóa đúng tinh thần “giảm tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ hưu trí” của Nghị quyết 28-NQ/TW. Quy định này cũng hướng tới tiếp cận theo tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế về bảo hiểm xã hội và góp phần thích ứng với tốc độ già hóa dân số rất nhanh hiện nay ở nước ta.

Tuy Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có quy định về hưởng bảo hiểm một lần nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội không mong muốn người lao động chọn cách này, mà cần tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội để bảo đảm an sinh lâu dài. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh như vậy trong báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trước khi thông qua, và theo đó, đã “hết sức lưu ý” Chính phủ thời gian tới phải triển khai đồng thời 3 nhóm nhiệm vụ.

Đó là cần phải có giải pháp căn cơ, lâu dài để hỗ trợ người lao động tham gia bảo hiểm xã hội gặp khó khăn trước mắt trong cuộc sống, ví dụ có chính sách tín dụng phù hợp. Tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật về lao động, việc làm để duy trì ổn định việc làm, thu nhập, tư vấn, kết nối, hướng nghiệp, đào tạo, chuyển nghề để người lao động có việc làm bền vững. Đẩy mạnh truyền thông để người lao động hiểu được lợi ích của việc hưởng lương hưu hàng tháng và những bất lợi khi chọn hưởng bảo hiểm một lần; đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử phạt các hành vi vi phạm về bảo hiểm xã hội của cơ quan quản lý nhà nước, của tổ chức thực hiện chính sách…

Còn nhớ 10 năm trước, Quốc hội thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), trong đó Điều 60 quy định người lao động không được hưởng bảo hiểm xã hội một lần sau khi nghỉ việc mà phải đợi đến tuổi nghỉ hưu. Quyết sách này đi theo thông lệ quốc tế nhằm khuyến khích người lao động ở lại với lưới an sinh. Tuy nhiên, nhiều người lao động không đồng ý. Sau đó, Chính phủ kiến nghị Quốc hội sửa Điều 60, cho phép người lao động chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần hoặc bảo lưu để đóng tiếp nếu có điều kiện. Sau những tranh luận trên nghị trường, Quốc hội đã thông qua đề xuất của Chính phủ.

Lần này, để người lao động đồng thuận ở lại với lưới an sinh bảo hiểm xã hội và tránh gây xáo trộn trong xã hội như đã từng xảy ra, những nhiệm vụ Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao cần được Chính phủ và các bộ, ngành liên quan thực thi nghiêm túc, kịp thời và hiệu quả.

Cẩm Phô

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/bao-dam-an-sinh-lau-dai-i378013/