Bảo đảm an toàn công trình thủy lợi mùa mưa bão

Vào mùa mưa bão, các hiện tượng thời tiết, thiên tai cực đoan như: Mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất… xảy ra bất thường, dẫn đến nguy cơ mất an toàn của các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Trước tình hình thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, các ngành cùng với các địa phương trong tỉnh đã chủ động rà soát, đánh giá hiện trạng các công trình đê điều, hồ đập để từ đó có phương án xử lý kịp thời, bảo đảm an toàn cho tính mạng và tài sản của nhân dân.

Công nhân Xí nghiệp thủy nông Phù Ninh kiểm tra, vận hành cống Tiên Du.

Hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh hiện có trên 500km đê các loại; hơn 460 cống dưới đê; khoảng 90 tuyến kè với chiều dài 124km; một số tuyến đê kết hợp giao thông; hơn 430 hồ chứa, gần 1.160 đập dâng, gần 300 trạm bơm tưới và tiêu kết hợp. Ngoài ra trên địa bàn tỉnh còn có gần 680 công trình thủy lợi tạm và 5.065km kênh mương, trong đó kênh đất chiếm khoảng 50%. Trong giai đoạn 2016-2020, thiên tai ảnh hưởng không nhỏ tới các công trình thủy lợi, khiến vỡ 50m đê; sạt lở 17.140m đê cấp III và cấp IV, đê bao, đê bối; 595 công trình thủy lợi, 42 đập thủy lợi, bốn trạm bơm bị ảnh hưởng; làm sạt lở 45.510m kênh mương, 325m kè, 10.646m bờ vở sông. Năm 2021, thiên tai làm sạt lở 410m kênh mương, hư hỏng hai cống; sạt lở 2.542m bờ, vở sông.

Công tác khắc phục sự cố các công trình đê điều, thủy lợi, phòng, chống thiên tai được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành, các huyện, thành, thị nhanh chóng triển khai ngay sau khi có thiệt hại xảy ra. Năm 2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo xử lý hai điểm sạt lở kè; xử lý sạt lở đoạn bờ, vở sông đê hữu Lô, đê hữu Thao, đê tả Thao; xử lý sạt trượt tuyến đê ngòi Vĩnh Mộ; cải tạo nâng cấp các tuyến đê thấp chưa đảm bảo cao trình chống lũ... UBND huyện Yên Lập tổ chức khắc phục sự cố tràn Khe Gầy, xã Trung Sơn; UBND huyện Thanh Thủy tổ chức nạo vét, gia cố tuyến kênh tiêu ngòi Ta, xã Tu Vũ; UBND huyện Tân Sơn xử lý khắc phục sự cố tràn Đống Cám xã Kim Thượng, đảm bảo an toàn giao thông cho nhân dân trong khu vực và tiêu thoát lũ; UBND huyện Cẩm Khê chỉ đạo cải tạo, nâng cấp công trình đê tả, hữu Ngòi Me.

Theo nhận định của Đài khí tượng thủy văn khu vực Việt Bắc, năm 2022 là năm xảy ra sự chuyển pha của hiện tượng ENSO nên các hình thái thiên tai như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lũ… có diễn biến trái quy luật. Để chủ động ứng phó, các ngành, các địa phương tập trung khắc phục, sửa chữa các sự cố công trình; củng cố hệ thống đê điều; duy tu, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp công trình hồ, đập, trạm bơm... Đồng thời thường xuyên kiểm tra, nắm chắc hiện trạng công trình đê điều và hệ thống công trình chống úng nội đồng; xác định các khu vực trọng điểm xung yếu của đê điều, hồ đập để xây dựng phương án ứng phó kịp thời, sát với tình hình thực tế của địa phương.

Công ty TNHH Nhà nước một thành viên khai thác công trình thủy lợi Phú Thọ hiện đang quản lý vận hành, khai thác gần 200 hồ chứa, trên 250 trạm bơm, hơn 1.100 công trình đập dâng, đập tạm, phai chắn và 2.000km kênh, mương, đường ống các loại. Đối với các điểm thường xuyên ngập úng, Công ty đã tập trung nạo vét nhiều tuyến kênh tiêu để đảm bảo tiêu thoát lũ, nước đệm như kênh tiêu Trạm bơm Tân Xuôi, hệ thống kênh Phú Nham- Tiên Du, Trị Quận - Hạ Giáp; hệ thống kênh tiêu Dậu Dương; Tình Cương... Ông Nguyễn Hùng Sơn- Giám đốc Công ty cho biết: Qua rà soát, đánh giá về mức độ ổn định công trình thủy lợi trước mùa mưa lũ cho thấy, các hồ chứa lớn cơ bản đảm bảo ổn định chống lũ với tần suất thiết kế. Ngay từ đầu năm, dựa vào dự báo của Đài khí tượng thủy văn khu vực Việt Bắc, Công ty đã có nhiều biện pháp chỉ đạo, có phương án cụ thể đến các hạng mục công trình. Với những hồ đập đã xây dựng từ lâu, Công ty theo dõi chặt chẽ, kịp thời phát hiện sự cố để có phương án xử lý.

Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh còn một số tuyến đê có cao trình thấp so với thiết kế; hệ thống hồ đập còn nhiều công trình bị xuống cấp, chưa có nguồn lực để đầu tư sửa chữa nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Vì vậy, việc tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng công trình liên quan đến phòng, chống thiên tai; bố trí lực lượng thường xuyên kiểm tra công trình trước, sau thiên tai; chuẩn bị vật tư tại chỗ, bố trí lực lượng sẵn sàng huy động khi cần thiết và nâng cao ý thức người dân giữ vai trò quan trọng.

Nguyễn Huế

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//kinh-te/bao-dam-an-toan-cong-trinh-thuy-loi-mua-mua-bao/184727.htm