Bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc trên cơ sở luật pháp quốc tế

Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại Đại hội nhiệm kỳ II Hội Luật quốc tế Việt Nam ngày 28/11.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu tại Đại hội. (Nguồn: TTXVN)

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu tại Đại hội. (Nguồn: TTXVN)

Đại hội nhiệm kỳ II Hội Luật quốc tế Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025 có sự tham dự của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, Chủ tịch Hội Luật quốc tế Nguyễn Bá Sơn cùng nhiều đại biểu thuộc các lĩnh vực liên quan đến luật pháp quốc tế (LPQT).

Bắt nhịp xu hướng của khu vực và thế giới

Phát biểu tại Đại hội, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhận định, việc thành lập Hội Luật quốc tế Việt Nam tuy muộn nhưng đã cho thấy sự bắt nhịp với xu hướng phát triển của các hội luật quốc tế khu vực và trên thế giới, góp phần nâng cao vị thế, tiếng nói khoa học - pháp lý của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế, đóng góp tích cực cho sự phát triển của khoa học pháp lý quốc tế nói chung, vì mục tiêu hòa bình, công lý, hữu nghị và phát triển của đất nước và cộng đồng quốc tế.

Phó Thủ tướng ghi nhận Hội đã hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích, khẳng định và nâng cao uy tín của hội trong các vấn đề pháp lý quốc tế; quy tụ và tập hợp đông đảo các học giả, các nhà quản lý, phát huy thế mạnh chuyên môn của các hội viên, bước đầu xây dựng quan điểm của các học giả Việt Nam về vấn đề Biển Đông, an ninh phi truyền thống, tranh chấp kinh tế, đầu tư, thương mại quốc tế... Qua đó, Hội đã thu hút được sự quan tâm của dư luận trong và ngoài nước ủng hộ lập trường chính nghĩa của Việt Nam.

Phó Thủ tướng đánh giá cao sự đóng góp của Hội Luật quốc tế Việt Nam vào khoa học pháp lý quốc tế thông qua việc xuất bản ấn phẩm đầu tiên về "Luật quốc tế và những vấn đề thực tại Việt Nam".

Bên cạnh đó, Hội đã đưa được nhiều hoạt động nghiên cứu, thực hành pháp luật quốc tế về Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài, trong đó đáng lưu ý là thành viên Hội đã được lựa chọn để tham gia vào các cơ quan nghiên cứu pháp luật quốc tế và tài phán quốc tế của Liên hợp quốc.

Phó Thủ tướng mong muốn Hội Luật quốc tế Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện tốt tôn chỉ, mục đích và lĩnh vực hoạt động của mình, đóng góp thiết thực, hiệu quả, có ý nghĩa đối với sự nghiệp bảo vệ và phát triển của đất nước, bảo đảm trên hết và trước hết lợi ích quốc gia, dân tộc trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, bình đẳng và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, cũng như hòa mình vào sự phát triển chung của cộng đồng pháp luật quốc tế.

Các đại biểu tham dự Đại hội nhiệm kỳ II Hội Luật quốc tế Việt Nam ngày 28/11. (Ảnh: Thu Trang)

Các đại biểu tham dự Đại hội nhiệm kỳ II Hội Luật quốc tế Việt Nam ngày 28/11. (Ảnh: Thu Trang)

4 năm không ngừng nỗ lực

Trong báo cáo tại Đại hội, Chủ tịch Hội Luật quốc tế Việt Nam Nguyễn Bá Sơn nhấn mạnh, qua 4 năm hoạt động của nhiệm kỳ đầu tiên, mặc dù gặp phải nhiều khó khăn, thử thách nhưng Hội đã thực hiện nhiều hoạt động phong phú nhằm kết nối hội viên, trao đổi kiến thức học thuật, trau dồi kinh nghiệm trong các lĩnh vực khác nhau của luật quốc tế, tiến hành một số hoạt động đối ngoại...

Triển khai phương hướng hoạt động đã được đề ra, trong 4 năm qua, Hội Luật quốc tế Việt Nam đã thu hút được sự tham gia nhiệt tình, có chất lượng, đông đảo, rộng khắp của nhiều hội viên đến từ khối các cơ quan quản lý nhà nước, khối giảng dạy, nghiên cứu và những người hành nghề luật tại các công ty luật uy tín trong và ngoài nước.

Hội Luật quốc tế Việt Nam cũng đã tổ chức nhiều hoạt động như tọa đàm, hội thảo khoa học, xuất bản ấn phẩm pháp lý quốc tế đầu tiên bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh, tổ chức các cuộc thi diễn án... nhằm góp phần phát triển khoa học pháp lý quốc tế, nâng cao nhận thức và chia sẻ kinh nghiệm thực thi LPQT tại Việt Nam.

Ngoài ra, Hội đã đẩy mạnh hợp tác với nhiều cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước, phát triển mạng lưới học thuật sâu rộng, qua đó nâng cao vị thế và tiếng nói của Việt Nam trên các diễn đàn khu vực và quốc tế về luật pháp quốc tế; tham gia tranh luận một cách khoa học, làm sáng tỏ những vấn đề là mối quan tâm chung của dư luận trong và ngoài nước với Hội luật quốc tế Trung Quốc về cách yêu sách và hành xử ở Biển Đông.

Hiện Hội Luật quốc tế Việt Nam có 470 hội viên. Một số hội viên là trọng tài viên tại Tòa trọng tài thường trực quốc tế (PCA), hòa giải viên và trọng tài viên tại Tòa án Luật biển và tại các cơ chế giải quyết tranh chấp của Việt Nam, qua đó cũng thể hiện vai trò, vị thế của Hội.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung phát biểu tại Đại hội. (Ảnh: Thu Trang)

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung phát biểu tại Đại hội. (Ảnh: Thu Trang)

Vai trò đồng hành của Bộ Ngoại giao

Tham dự và phát biểu tại Đại hội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung nhắc lại chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là nghiêm túc tôn trọng, tuân thủ luật pháp quốc tế; nhìn nhận LPQT là một trong những công cụ, biện pháp quan trọng nhất để bảo vệ lợi ích chính đáng của dân tộc.

Theo Thứ trưởng Lê Hoài Trung, hiện nay hòa bình hợp tác phát triển vẫn là xu thế chung của thế giới nhưng thế giới cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức do cạnh tranh chính trị gia tăng, căng thẳng xung đột ở các khu vực, chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, sự áp đặt, vi phạm LPQT, nhiều thách thức an ninh phi truyền thống…

Tuy nhiên, LPQT vẫn là nền móng để xây dựng quan hệ quốc tế lành mạnh, bình đẳng, góp phần giữ gìn hòa bình, an ninh thế giới. Trong cộng đồng quốc tế, việc tuân thủ vận dụng và phát triển LPQT càng trở nên cần thiết trong việc ứng phó với các thách thức hiện nay.

Thứ trưởng Lê Hoài Trung cho biết, Bộ Ngoại giao ủng hộ các cán bộ ngoại giao tham gia Hội, các hoạt động do Hội tổ chức. Thay mặt cho Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Hoài Trung đề nghị Hội có thêm nhiều hoạt động tích cực, đóng góp vào quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước. Cụ thể như sau:

Một là, hỗ trợ các thành viên Hội nâng cao hiểu biết, tri thức về LPQT, chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm nhằm thúc đẩy, phát triển nền khoa học pháp lý của Việt Nam.

Hai là, góp phần bảo vệ, thúc đẩy lợi ích của Việt Nam trên trường quốc tế, tranh thủ tri thức của các nền pháp lý tiên triến trên thế giới giúp hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước.

Ba là, thúc đẩy hội nhập quốc tế của Hội, trong đó có việc hợp tác, trao đổi với các tổ chức, những người làm về luật ở các quốc gia trên thế giới bởi tư cách pháp nhân của Hội là cơ sở quan trọng xây dựng các mối quan hệ kết nối với hội luật tại các quốc gia khác.

Bốn là, góp phần tuyên truyền, phổ biến cho LPQT ở Việt Nam, hỗ trợ các hội viên nghiên cứu, học tập, giảng dạy LPQT. Đồng thời, ấn phẩm của Hội trở thành một kênh thông tin uy tín về phát triển mới của luật quốc tế, qua đó thúc đẩy tinh thần pháp quyền ở cấp độ quốc gia và quốc tế, một trong những mục tiêu quan trọng mà Liên hợp quốc đang theo đuổi.

Nhân dịp này, Thứ trưởng Hoài Trung cũng khẳng định Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục đồng hành với Hội luật quốc tế Việt Nam trong các hoạt động trong và ngoài nước để phấn đấu đạt các mục tiêu trên.

Thứ trưởng Hoài Trung bày tỏ tin tưởng rằng với đội ngũ lãnh đạo phong phú về kinh nghiệm LPQT, tận tâm cống hiến phụng sự tổ quốc và nhân dân, Hội Luật quốc tế Việt Nam sẽ tiếp tục đạt những thành tựu mới, đóng góp thiết thực vào công cuộc chung, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

Đại hội đã bầu 19 thành viên vào Ban Chấp hành nhiệm kỳ II (2020-2025).

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bao-dam-loi-ich-quoc-gia-dan-toc-tren-co-so-luat-phap-quoc-te-130215.html