Bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của các văn bản quy phạm pháp luật

Sáng 1.8, tại Nhà Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Ủy ban Pháp luật và Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo 'Cách thức quy định về đối tượng, phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc áp dụng và điều khoản chuyển tiếp trong văn bản luật: Thực trạng và kiến nghị'.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển phát biểu tại Hội thảo

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển phát biểu tại Hội thảo

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Ngô Trung Thành, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng và Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển đồng chủ trì hội thảo.

Tham dự có: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang; Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Vũ Nhữ Thăng; đại diện các bộ, ngành cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển cho biết, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã có hiệu lực và được áp dụng một thời gian khá dài. Đặc biệt, trong các dự án luật được xây dựng tại nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV, XV, các quy định của Luật này đã được áp dụng khá đầy đủ, tạo khung pháp lý cho việc xây dựng văn bản luật, pháp lệnh.

Các đại biểu dự hội thảo

Các đại biểu dự hội thảo

Song, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cũng chỉ rõ, qua thực tế đã cho thấy nảy sinh một số vấn đề bất cập, dẫn tới chồng chéo, thiếu thống nhất trong cách thể hiện những quy định này ở một số văn bản quy phạm pháp luật, nhất là những điều khoản liên quan đến nguyên tắc áp dụng. Thực trạng này một phần xuất phát bởi một số quy định còn thiếu cụ thể, rõ ràng, tuy nhiên về chủ quan cơ bản là do cách hiểu, sự tuân thủ áp dụng các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu triệt để.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận về hệ thống pháp luật, đối tượng, phạm vi, nguyên tắc áp dụng pháp luật, điều khoản chuyển tiếp trong hệ thống pháp luật Việt Nam; cơ sở khoa học và thực tiễn trong việc xác định phạm vi điều chỉnh, đối tượng và nguyên tắc áp dụng và điều khoản chuyển tiếp của văn bản luật. Các đại biểu cũng nêu thực trạng quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nguyên tắc áp dụng, điều khoản chuyển tiếp trong các luật được ban hành gần đây (Quốc hội Khóa XIV và XV) và một số đề xuất, kiến nghị nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; kinh nghiệm của một số nước về nguyên tắc áp dụng pháp luật.

Toàn cảnh hội thảo

Toàn cảnh hội thảo

Về đối tượng, phạm vi điều chỉnh của pháp luật nói chung và của một văn bản quy phạm pháp luật nói riêng, các đại biểu nhất trí cho rằng, đây là vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn rất quan trọng đối với việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Do vậy, trong quá trình xây dựng pháp luật cần phải có hiểu biết sâu sắc, sử dụng một cách thiết thực, cụ thể hiểu biết đó để xây dựng văn bản quy phạm pháp luật tương ứng.

Để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, các chuyên gia kiến nghị, nguyên tắc ưu tiên áp dụng quy định của luật chuyên ngành cần được bổ sung tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; các luật cũng cần xây dựng quy định về nguyên tắc cơ bản của chuyên ngành luật đó; có cơ chế, giải pháp giải quyết mâu thuẫn trong trường hợp áp dụng pháp luật… Đồng thời, cần phải mô hình hóa, khoa học hóa, quy trình hóa, chuyên môn hóa, chủ thể hóa quá trình làm sáng tỏ đối tượng, phạm vi điều chỉnh của các văn bản quy phạm pháp luật nói chung và áp dụng điều đó vào việc xác định đối tượng, phạm vi điều chỉnh của một văn bản tương ứng khi được xây dựng.

Kết luận hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, khoa học của các đại biểu, các chuyên gia. Khẳng định chủ đề của Hội thảo là rất cần thiết trong bối cảnh thực tiễn xây dựng và áp dụng pháp luật hiện nay, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp nhấn mạnh, đóng góp của các chuyên gia sẽ được nghiên cứu, tổng hợp đầy đủ làm nguồn tham khảo để Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội xem xét trong quá trình xây dựng luật thời gian tới.

Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/bao-dam-su-dong-bo-thong-nhat-cua-cac-van-ban-quy-pham-phap-luat-i338558/