Báo động hàng giả 'đội lốt' tinh vi trên không gian mạng
Dù lực lượng chức năng đã nỗ lực kiểm tra, xử lý hàng nghìn vụ việc, thu về nhiều chục tỷ đồng, vấn nạn buôn bán hàng giả vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt khi các đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để che giấu hành vi.

Cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội
Ma trận hàng giả
Phát biểu tại Tọa đàm với chủ đề “Nói không với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng” diễn ra ngày 25/7 do báo Kinh tế $ Đô thị phối hợp cùng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tổ chức, ông Hoàng Thế Nhu, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty May 10 chia sẻ, trong thời gian gần đây, doanh nghiệp đã phát hiện và ghi nhận rất nhiều trường hợp các tổ chức, cá nhân bán sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, mạo danh bán đồng phục công sở, hàng xả kho với danh nghĩa May 10.
Theo ông Nhu, điều này không chỉ gây thiệt hại kinh tế mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh và uy tín thương hiệu mà đơn vị đã dày công nhiều năm xây dựng.
Tình trạng hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại đang ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp, len lỏi vào từng ngóc ngách của thị trường, từ thành thị đến nông thôn, từ cửa hàng đến không gian mạng. Ông Dương Mạnh Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho hay, 6 tháng đầu năm 2025, chi cục đã kiểm tra, xử lý 2.068 vụ việc; chuyển cơ quan điều tra 37 vụ việc; phạt hành chính 33,9 tỷ đồng; thu lợi bất hợp pháp 15 tỷ đồng; tịch thu hàng hóa trị giá 8,6 tỷ đồng; và buộc tiêu hủy, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trị giá 41,2 tỷ đồng. Tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước đạt 53,3 tỷ đồng.
Dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc phát hiện và xử lý, nhưng thực tế cho thấy, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Đặc biệt, việc lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc có xu hướng gia tăng mạnh mẽ.
Các đối tượng vi phạm hoạt động chặt chẽ, tổ chức bài bản, trải rộng địa bàn liên tỉnh, liên tuyến, thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn và triệt để khai thác công nghệ cao để che giấu hành vi. "Hàng giả, hàng nhái hiện nay rất tinh vi, đặc biệt trên môi trường thương mại điện tử. Các đối tượng thường là mắt xích trong đường dây nhưng lại ẩn mình dưới một lớp vỏ bọc nào đó, gây nhiều khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý," ông Hùng phân tích.
Trách nhiệm cộng đồng
Trong bối cảnh hàng giả hàng nhái tràn lan, một nghịch lý đáng buồn là người tiêu dùng lại đang khá dễ dãi trong việc mua sắm. Tâm lý sính hàng hiệu giá rẻ đang là một trong những nguyên nhân quan trọng tiếp tay cho hàng giả lộng hành.
Ông Dương Mạnh Hùng thẳng thắn chỉ ra: "Người tiêu dùng có một đặc quyền rất lớn, đó là không mua nếu nghi ngờ là hàng giả. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người lại rất dễ dãi, ngại xác minh, ngại phản hồi. Chính điều này vô hình trung đã tạo điều kiện cho hàng giả tồn tại và phát triển, phản ánh một thực tế rằng, hàng giả không chỉ xuất phát từ hành vi vi phạm của người bán, mà còn được "nuôi sống" bởi chính thói quen của người mua".
Từ thực tiễn này, nhiều ý kiến tại tọa đàm đã đồng thuận rằng, cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng không chỉ cần một hệ thống pháp lý mạnh mẽ và lực lượng chức năng chuyên nghiệp, mà còn cần sự đồng lòng và trách nhiệm của cả cộng đồng.
PGS.TS Nguyễn Thị Chính, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam kêu gọi sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và chính người tiêu dùng. Các cơ quan quản lý cần tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm minh; xây dựng và bắt buộc áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm; công bố công khai các sản phẩm đạt chuẩn chất lượng và cơ sở sản xuất uy tín.
Trong bối cảnh vấn nạn hàng giả, hàng nhái ngày càng diễn biến phức tạp, ông Lại Hoàng Dương - Giám đốc Công ty CP Truyền thông Máy tính Thánh Gióng đưa ra một đề xuất mang tính đột phá nhằm thiết lập một cơ chế phối hợp "kiềng ba chân" vững chắc. Theo ông Dương, chỉ khi có sự liên kết chặt chẽ và đồng bộ giữa doanh nghiệp - truyền thông - cơ quan quản lý Nhà nước, cuộc chiến chống hàng giả mới thực sự hiệu quả.
Doanh nghiệp phải là đơn vị tiên phong trong việc cam kết chất lượng sản phẩm và minh bạch hóa nguồn gốc xuất xứ. Truyền thông đóng vai trò then chốt trong việc định hướng dư luận, phản ánh trung thực tình hình thị trường. Đồng thời, cần tích cực lan tỏa những tấm gương doanh nghiệp làm ăn chân chính, có trách nhiệm và kịp thời cảnh báo, phanh phui các hành vi vi phạm.
Đặc biệt, cơ quan quản lý Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho công tác phòng chống hàng giả. Song song với đó, việc tăng cường công tác giám sát và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm là yếu tố then chốt để răn đe và lập lại trật tự thị trường.
Để bảo vệ bản thân, ông Dương Mạnh Hùng khuyến nghị người tiêu dùng khi mua hàng qua thương mại điện tử cần chọn sàn và người bán uy tín, tham khảo các phản hồi của khách hàng đã mua trước đó. Đối với các đơn vị bán hàng, nhà sản xuất, nên ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nguồn gốc sản phẩm tốt hơn, giúp người tiêu dùng kiểm tra hàng chính hãng thuận lợi.
Bà Hoàng Thị Diệu Hồng, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương Hà Nội) nhấn mạnh vai trò của người tiêu dùng: "Một người tiêu dùng thông minh cần biết cách kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng của sản phẩm trước khi quyết định mua hàng. Việc lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng giúp tránh khỏi nguy cơ mua phải hàng giả, hàng nhái, đảm bảo an toàn cho sức khỏe".