Báo động hồ, đập mất an toàn

Hàng ngàn người đang sống dưới những hồ chứa thủy lợi, đập thủy điện đã xuống cấp trầm trọng có nguy cơ vỡ bất cứ lúc nào

Theo báo cáo giám sát của Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, từ năm 2010 đến nay, cả nước đã xảy ra 70 sự cố đập, hồ chứa do tác động lớn của thiên tai; xuống cấp của công trình đầu mối, cống, tràn xả lũ; các cấu kiện xây đúc bị nứt, vỡ làm suy giảm cường độ chịu lực; đập yếu do mái đập bị sạt lở, bào mòn lâu ngày... Tuy nhiên, thực tế tình trạng hư hỏng xuống cấp các hồ chứa hiện chưa được các đơn vị quản lý và cơ quan chức năng quan tâm đúng mức.

Nỗi lo dài gần 20 năm

Những ngày đầu tháng 12-2020, chúng tôi tới hồ Khe Thị có dung tích trữ 2,5 triệu m3 nước ở xã Nghi Công Nam, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Có mặt tại đây, chúng tôi mới cảm nhận được nỗi lo lắng kéo dài gần 20 năm của hàng ngàn người dân sống phía dưới thân đập của hồ chứa nước này.

Theo người dân nơi đây, hồ chứa nước Khe Thị được xây dựng từ năm 1971, sau gần 50 năm đưa vào sử dụng, hiện đập nước rơi vào tình trạng hư hỏng, xuống cấp đặc biệt nghiêm trọng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng thân đập của hồ Khe Thị bị hư hỏng, rò rỉ nước xuất hiện khoảng gần 20 năm trước. Quan sát thực tế chúng tôi thấy phần mái phía trên thân đập bị bong tróc, đứt gãy tại nhiều điểm, bờ tường chắn sóng phía trên thân đập tại nhiều vị trí bị sụt lún, đổ sập. Tại khu vực tràn xả lũ, theo ghi nhận, đây là tràn tạm, khu vực tràn xuất hiện tình trạng bị xói lở. Nguy hiểm nhất là phần mái hạ lưu xuất hiện tình trạng bị thấm, rò rỉ nước. Ông Nguyễn Văn Quang (SN 1968; trú xóm 3, xã Nghi Công Nam, huyện Nghi Lộc) lo lắng: "Hồ Khe Thị xây dựng mấy chục năm nay rồi, phần thân đập hiện hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, người dân ai cũng lo mưa lớn không biết đập vỡ lúc nào. Nhà cửa, trang trại ở dưới thân đập nên gia đình tôi rất lo, nếu đập vỡ, mấy triệu m3 nước trôi xuống thì chắc sẽ bị cuốn trôi hết".

Phần thân đập hồ Khe Thị (tỉnh Nghệ An) xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: ĐỨC NGỌC

Phần thân đập hồ Khe Thị (tỉnh Nghệ An) xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: ĐỨC NGỌC

Trong đợt mưa lớn vào cuối tháng 10-2020, trước nguy cơ đập của hồ Khe Thị bị vỡ, chính quyền xã đã phải thuê máy múc hạ thấp phần tràn xả lũ để cứu đập.

"Đập xuống cấp, mấy triệu khối nước ở phía trên cao, mỗi lần mưa lớn là người dân, chính quyền lại đứng ngồi không yên. Giờ chỉ mong các đơn vị liên quan sớm triển khai dự án nâng cấp, sửa chữa hồ Khe Thị để người dân yên tâm sinh sống" - một người dân bày tỏ lo lắng.

Vụ đập Tây Nguyên ở xã Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An bất ngờ bị vỡ khiến nhiều nhà dân bị nhấn chìm, gây thiệt hại lớn vào tháng 9-2012 và mới đây nhất vào tháng 6-2020; đập tràn Bara Đô Lương trên sông Lam (đoạn qua huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) bất ngờ vỡ làm ảnh hưởng đời sống của hàng ngàn hộ dân hạ lưu là những bài học nhãn tiền.

Nghệ An là tỉnh có số lượng hồ, đập chứa nước nhiều nhất cả nước (1.062 hồ đập), trong đó mới có gần 110 hồ chứa đã được nâng cấp, sửa chữa. Số hồ chứa, đập còn lại chủ yếu là hồ vừa và nhỏ, xây dựng từ 30-50 năm, hiện đã xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ xảy ra sự cố vỡ đập bất cứ lúc nào khi có mưa, lũ lớn.

Đập, hồ nứt toác, hư hỏng nghiêm trọng

Là địa phương có số lượng hồ, đập chứa nước nhiều thứ 2 cả nước, Thanh Hóa hiện có tới 610 hồ, trong đó có 1 hồ quan trọng đặc biệt, liên quan đến an ninh quốc gia là hồ Cửa Đạt. Mặc dù trung ương và tỉnh Thanh Hóa trong những năm qua đã quan tâm, đầu tư sửa chữa, nâng cấp nhiều công trình, thế nhưng số lượng các hồ chứa nước hư hỏng nặng, không bảo đảm an toàn tại Thanh Hóa vẫn còn rất nhiều.

Trong số 3 hồ chứa nước của huyện Như Thanh (tỉnh Thanh Hóa), hồ Sông Mực có dung tích khoảng 200 triệu m3 bất ngờ nứt toác thân đập, kéo dài gần hàng trăm mét. Sự cố trên được ngành nông nghiệp huyện Như Thanh kiểm tra và phát hiện vào ngày 9-9-2020. Theo ghi nhận của đoàn kiểm tra, một vết nứt chạy dài khoảng 173 m ngay giữa con đập có chiều dài 470 m. Vết nứt rộng từ 3-5 cm, chiều sâu (qua đào kiểm tra) khoảng 1 m. Trước sự cố trên, tỉnh Thanh Hóa đã chi 12 tỉ đồng để nhanh chóng khắc phục sự cố nhằm bảo đảm an toàn hồ đập và tính mạng của hàng ngàn hộ dân vùng hạ du thuộc 3 huyện Như Thanh, Nông Cống và Tĩnh Gia.

Hồ Làng Hợi, xã Xuân Du, huyện Như Thanh xuống cấp, hư hỏng Ảnh: THANH TUẤN

Hồ Làng Hợi, xã Xuân Du, huyện Như Thanh xuống cấp, hư hỏng Ảnh: THANH TUẤN

Hồ Cửa Trát (trên địa bàn xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân) là một trong những hồ chứa nước lớn của Thanh Hóa hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Hồ chứa này được xác định thấm đập chính, tràn xả lũ bị hỏng nặng. 3,2 triệu m3 nước cung cấp tưới cho 680 ha của huyện Thọ Xuân của hồ này đồng thời cũng tiềm ẩn mối nguy hiểm thường trực cho 1.500 hộ dân sống ở vùng hạ lưu nếu xảy ra sự cố. Một hồ chứa nước lớn khác cũng xuống cấp, mất an toàn là hồ Khe Tre (xã Yên Mỹ, huyện Nông Cống) có sức chứa khoảng 1,4 triệu m3. Tuy nhiên, do xây dựng đã lâu nên hiện hồ này cũng hư hỏng nghiêm trọng.

Tràn của hồ Cửa Trát đã xuống cấp, hư hỏng nặng do hồ được xây dựng từ năm 1976 Ảnh: THANH TUẤN

Tràn của hồ Cửa Trát đã xuống cấp, hư hỏng nặng do hồ được xây dựng từ năm 1976 Ảnh: THANH TUẤN

Theo báo cáo của Chi cục Thủy lợi - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, hiện có 78 hồ chứa mất an toàn, hư hỏng nghiêm trọng (có 6 hồ chứa nước lớn) nằm rải rác ở nhiều huyện, trong đó nhiều nhất là huyện Thường Xuân (16 hồ). Để bảo đảm an toàn, Thanh Hóa đã đề nghị không được tích nước đối với 5 hồ và tích nước một phần đối với 62 hồ.

(Còn tiếp)

Đức Ngọc - Thanh Tuấn

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/bao-dong-ho-dap-mat-an-toan-20201207215802711.htm