Bao giờ khoảng cách giàu-nghèo được thu hẹp?

Sự bất bình đẳng về thu nhập, giáo dục, y tế... khoảng cách giàu nghèo giữa các quốc gia vẫn là vấn đề 'xưa như Trái đất'. Bài toán cực khó, thậm chí như đánh đố về thu hẹp khoảng cách càng giải càng bế tắc, càng cố thu hẹp lại càng nới rộng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn chưa có hồi kết.

Bao giờ khoảng cách giàu - nghèo có thể được thu hẹp? (Nguồn Lazybusinessboy)

Bao giờ khoảng cách giàu - nghèo có thể được thu hẹp? (Nguồn Lazybusinessboy)

Người ta nói rằng, có hai thứ tăng nhiều nhất trong đại dịch Covid-19 là tài khoản ngân hàng của các tỷ phú và danh sách xin trợ cấp lương thực. Giá thực phẩm tăng chóng mặt trên toàn cầu khiến hàng triệu người rơi vào cảnh đói khổ. Nhưng thật oái ăm, khi nhiều người không có gì để ăn, thì cơ hội dường như càng đến nhiều hơn với người giàu.

Khi thế giới lao đao vì Covid-19, thì Bảng xếp hạng các tỷ phú thường niên do Forbes công bố lại cho thấy một con số đông đảo chưa từng thấy, với 2.755 gương mặt, tăng thêm 660 người so với năm 2020. Những người giàu càng giàu hơn, khi tổng tài sản của họ đạt 13,1 nghìn tỷ USD, tăng vọt từ mức 8 nghìn tỷ USD trong báo cáo năm ngoái.

Đòn chí tử của đại dịch

Rất tiếc, khi hai thứ trên tỷ lệ thuận với nhau, có nghĩa là đại dịch Covid-19 đã giáng thêm đòn chí tử vào nỗ lực của toàn cầu trong nhiều năm nay.

Theo dự báo của IMF, kinh tế toàn cầu thiệt hại khoảng 12 nghìn tỷ USD giai đoạn 2020-2021, trong đó các quốc gia nghèo nhất sẽ chịu thiệt hại nặng nề nhất. Báo cáo Covid-19 và Phát triển con người công bố tháng 4/2020 của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho thấy sự chênh lệch lớn trong khả năng ứng phó dịch bệnh giữa nước giàu và nước nghèo.

Cụ thể, các quốc gia phát triển và có chỉ số phát triển con người (HDI) cao có trung bình 55 giường bệnh, hơn 30 bác sĩ và 81 y tá cho mỗi 10.000 người, trong khi các quốc gia kém phát triển chỉ có trung bình bảy giường bệnh, 2,5 bác sĩ và sáu y tá.

Các lệnh phong tỏa càng làm lộ rõ sự bất bình đẳng trong tiếp cận công nghệ số. Khoảng 85% dân số thế giới gặp hạn chế trong duy trì học tập, làm việc và liên lạc với người thân do không có đường truyền Internet ổn định. Trước thực trạng trường học đóng cửa và chênh lệch trong khả năng học trực tuyến, UNDP ước tính có khoảng 86% số trẻ em tiểu học ở các quốc gia có HDI thấp không được tiếp cận giáo dục, so con số 20% ở các quốc gia có HDI cao.

Đại dịch càng tác động nghiêm trọng tới các nhóm lao động có thu nhập thấp và lao động thuộc các ngành, nghề không thể làm việc từ xa. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), dịch Covid-19 đã đe dọa khả năng mưu sinh của gần 1,6 tỷ lao động thuộc nền kinh tế phi chính thức, vốn là nền kinh tế của những người làm thuê ngắn hạn, thời vụ.

Chỉ riêng tại Ấn Độ, gần 400 triệu lao động thuộc nhóm này đối mặt nguy cơ nghèo hơn trước các biện pháp phong tỏa chống dịch. Tại Mỹ, sự tương phản giàu - nghèo càng được thể hiện rõ. Từ đầu tháng 2 đến cuối tháng 6/2020, tỷ lệ mất việc của nhóm lao động có thu nhập thấp nhất là lớn nhất, trong khi tỷ lệ này của nhóm lao động có thu nhập cao nhất là nhỏ nhất.

Khoảng cách giàu nghèo sẽ thu hẹp?

The Economist tổng kết, trước khi đại dịch bùng phát, thế giới mất 170 năm để giảm một nửa khoảng cách thu nhập. Vậy bao giờ khoảng cách giàu - nghèo có thể được thu hẹp?

Tác động của Covid-19 ngày càng khiến các nước nghèo mất nhiều thời gian hơn để đuổi kịp các nước giàu. Đáng lo ngại hơn, đại dịch có nguy cơ định hình lại nền kinh tế toàn cầu theo cách xóa bỏ các nỗ lực hướng tới sự thịnh vượng hơn của nước giàu và gây thêm khó khăn cho việc quản lý các cuộc khủng hoảng đối với các nước nghèo.

Theo tính toán của The Economist, GDP thực tính theo đầu người ở Mỹ đã co lại khoảng 4% trong năm 2020. Nhưng tăng trưởng của Mỹ vẫn sẽ vượt xa tốc độ tăng trưởng ở thế giới mới nổi trong năm nay. Do đại dịch Covid-19 với các chủng virus mới nguy hiểm vẫn đang càn quét ở những nước đang phát triển như Brazil, Ấn Độ, thậm chí tốc độ tăng trưởng của các quốc gia nghèo có thể sẽ còn thụt lùi hơn nữa, theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Tại Mỹ, khi chính phủ tung ra những chính sách giải cứu thì người giàu càng thịnh vượng, trong khi người nghèo chưa thể bớt khó khăn. Covid-19 khiến lượng người thất nghiệp và vô gia cư tăng lên, nhưng ít nhất top 20% người có thu nhập cao nhất không mấy ảnh hưởng bởi điều này. Thậm chí, các biện pháp khẩn cấp của Fed như lãi suất 0% càng giúp người giàu thêm giàu, khi họ nhanh chóng đảo khoản vay thế chấp cũ bằng khoản mới có lãi suất thấp kỷ lục, mua ngôi nhà thứ hai và theo dõi các khoản đầu tư đang tăng lên.

Bằng thực tế ở châu Âu trong thế kỷ XIX và đầu XX, khi những nước đi sau về công nghiệp đuổi kịp, thậm chí vượt qua Anh, người ta tin có lúc nào đó, các nền kinh tế nghèo hơn sẽ bắt kịp thu nhập của các nước giàu hơn.

Người ta nói rằng, có hai thứ tăng nhiều nhất trong đại dịch Covid-19 là tài khoản ngân hàng của các tỷ phú và danh sách xin trợ cấp lương thực.

Nhiều nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng, lợi tức cao hơn ở các nước nghèo so với các nước giàu đã thu hút nhiều đầu tư hơn, tạo ra tốc độ tăng trưởng nhanh hơn. Thậm chí, các nước nghèo hơn bắt đầu phát triển nhanh hơn các nước giàu một cách ngoạn mục. Tốc độ tăng trưởng chậm hơn ở các nền kinh tế phát triển và khả năng tăng trưởng trên diện rộng ở các nước đang phát triển đã thúc đẩy sự dịch chuyển này. Thu nhập bình quân đầu người ở thế giới mới nổi giai đoạn 2005-2015 chỉ còn kém các nước giàu khoảng 0,7%/năm.

Tuy nhiên, mọi thứ đã lại thay đổi khi thế giới trải qua thời kỳ suy thoái nặng nề. Tỷ trọng các nền kinh tế đang phát triển không chỉ suy giảm đáng kể, mà còn để lại nhiều hậu quả to lớn, trong đó có đói nghèo. Thậm chí, đối với khu vực như Mỹ Latinh, Trung Đông hay châu Phi cận Sahara…, năm 2020 đã xóa sổ thành quả tăng thu nhập quý giá của họ trong cả một thập niên.

Covid-19 đã kích hoạt một loạt loại hình kinh doanh mới, tạo ra cơ hội mới cho thương mại toàn cầu, cho các cá nhân nhanh nhạy với thời cuộc và cho các nền kinh tế có cơ cấu linh hoạt. Và khi các nước đang phát triển trở nên giống các nước giàu hơn, họ sẽ dễ dàng duy trì tăng trưởng ổn định hơn so với trước đây. Họ được các nước giàu coi là đối thủ chiến lược và một thị trường béo bở.

Nhưng với một số nền kinh tế khác, đặc biệt tại các khu vực bị tụt hậu, dịch bệnh có thể làm xói mòn nền tảng tăng trưởng ổn định. Đáng ngại nhất là nguy cơ thổi bùng bất ổn chính trị và xã hội. Các nước nghèo vẫn dễ bị tổn thương và mỗi lần khủng hoảng xảy ra, việc đạt được mức tăng trưởng ổn định càng trở nên khó khăn hơn.

Minh Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bao-gio-khoang-cach-giau-ngheo-duoc-thu-hep-147159.html