Bao giờ thị trường lao động khôi phục như trước khi có dịch COVID-19?

Nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát ổn định, tiến độ triển khai tiêm vaccine được đẩy nhanh hơn thì dự kiến cuối quý I/2022, thị trường lao động sẽ được khôi phục.

Thời gian qua, người lao động từ một số thị trường lao động trọng điểm trở về quê hương gây thiếu hụt cung - cầu về lao động cục bộ ở một số nơi. Trước thực trạng này, các cơ quan chức năng đã nỗ lực hồi phục thị trường lao động, cố gắng không để hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng sâu, chuỗi cung ứng lao động bị đứt gãy.

Theo tính toán sơ bộ, từ tháng 7 đến hết tháng 9/2021, cả nước ghi nhận khoảng 1,3 triệu lao động từ các trung tâm kinh tế về quê, trong đó, Hà Nội có khoảng 324.000 người.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, đã có 70-75% doanh nghiệp và người lao động quay trở lại làm việc, đặc biệt có những địa phương đạt tỷ lệ trên 90%.

Theo nhận định của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, sau hơn một tháng kết thúc giãn cách xã hội, các địa phương trở lại trạng thái bình thường mới trên tinh thần thích ứng linh hoạt, an toàn, hiệu quả. Nhìn chung đã có 70-75% doanh nghiệp và người lao động quay trở lại làm việc, đặc biệt có những địa phương đạt tỷ lệ trên 90%.

"Các địa phương, khu công nghiệp, khu chế xuất và doanh nghiệp cũng đều tự nhận định rằng, nếu như tình hình dịch bệnh được kiểm soát ổn định như hiện tại, thêm vào đó tiến độ triển khai tiêm vaccine được đẩy nhanh hơn, diện bao phủ rộng hơn, thì có khả năng trong cuối quý I, đầu quý II năm 2022 tình hình lao động, việc làm của các địa phương sẽ được khôi phục lại như trước thời điểm bùng phát dịch" - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhận định.

Ông Đào Ngọc Dung lưu ý, lượng người trở về quê tương đối lớn, nhưng tập trung chủ yếu vào khu vực lao động phi chính thức, lao động tự do. Bộ trưởng yêu cầu các địa phương, một mặt phải tiếp nhận người dân quay trở về quê, mặt khác cần có chính sách tạo việc làm để thu hút người lao động quay trở lại thành phố làm việc. Cùng với đó là chính sách chăm lo, tạo công ăn việc làm cho người lao động có mong muốn ở lại địa phương.

Thời gian tới, khi tình hình dịch bệnh đã ổn định hơn, các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ người dân, đảm bảo toàn bộ những người nằm trong diện chính sách phải được hưởng chính sách.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cũng đề nghị các tỉnh, thành phố khẩn trương hoàn thiện báo cáo đánh giá đầy đủ tình hình lao động - xã hội để đề xuất ban hành các chính sách, trong đó tập trung vào 3 vấn đề lớn: giữ chân người lao động; hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động; điều tiết thị trường, tập trung giải quyết cán cân cung cầu lao động.

Mời bạn đọc xem video đang được quan tâm:

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//bao-gio-thi-truong-lao-dong-khoi-phuc-nhu-truoc-khi-co-dich-covid-19-169211104231254952.htm