Bao giờ V-League tạo nên bản sắc?

V-League 2023-2024 khép lại với nhiều điểm nhấn và có bước chuyển mình rõ rệt trong hành trình xây dựng, phát triển giải đấu. Tuy nhiên, người hâm mộ vẫn chưa nhận thấy bản sắc riêng có ở V-League.

Câu lạc bộ Thép Xanh Nam Định đã vô địch V-League 2023-2024 sau hai mùa giải được đầu tư mạnh mẽ cả về nhân lực và vật chất. Ảnh: VFF

Câu lạc bộ Thép Xanh Nam Định đã vô địch V-League 2023-2024 sau hai mùa giải được đầu tư mạnh mẽ cả về nhân lực và vật chất. Ảnh: VFF

Rõ ràng các giải bóng đá vô địch quốc gia hàng đầu trên thế giới luôn có bản sắc riêng. Ở đó, người hâm mộ nhìn thấy tính hấp dẫn và đặc trưng được tạo nên bởi tính cách, lối chơi, bản sắc của mỗi đội bóng và hội cổ động viên. Tất nhiên, đến lượt nó - các đội bóng giàu bản sắc không chỉ thành công trên phương diện chuyên môn qua các danh hiệu mà còn kiếm bộn tiền từ giải đấu. Có thể kể đến các đội bóng: Hoàng gia Tây Ban Nha Real Madrid, Bacenola, Bayem Munich hay Manchester City…

Ngược lại, cũng có những đội bóng phải mất vài thập niên mới tạo nên bản sắc, nhưng họ cũng bị kiệt quệ bởi đánh mất bản sắc. CLB Chelsea ở giải Ngoại hạng Anh là một ví dụ và cả CLB Manchester United khi đang dần đánh mất đi bản sắc.

Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam không phải ngoại lệ, có những cái tên lừng lẫy trong lịch sử, tạo nên giá trị riêng nhưng giờ đây họ chỉ còn là cái bóng của chính mình. Họ đánh mất bản sắc - thứ quý giá nhất mà địa phương, đơn vị chủ quản của đội bóng dày công gây dựng.

Trong những mùa giải gần đây, nhiều đội ở V-League rất quyết tâm tạo dựng bản sắc, thương hiệu và giá trị cho đội bóng. Trong đó, một số CLB tìm cách “đánh thức” giá trị từ truyền thống, lịch sử của đội bóng. Có thể kể đến như CLB Thể Công Viettel, Công An Hà Nội…

Lẽ dĩ nhiên, nhiều đội bóng đã tạo nên nét đặc trưng và giá trị cho riêng mình như Hà Nội FC, Hoàng Anh Gia Lai… Song, phải nhìn nhận khách quan rằng, tiền có thể giúp đội bóng thành công trên khía cạnh chuyên môn, giúp có ngay danh hiệu nhưng bản sắc thì không thể có trong ngày một ngày hai.

V-League đã trải qua 24 năm và mùa giải 2023-2024 có những bước tiến dài trong công tác chuyên môn, cũng như tổ chức. Nhưng một thực tế là gần như các đội bóng tại V-League đều phải sống nhờ vào nguồn lực từ nhà tài trợ và một phần ngân sách địa phương. Nhiều đội bóng tham dự V-League nhưng chưa hội tụ đủ các tiêu chuẩn của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) và được tham dự giải là nhờ sự tạo điều kiện của VFF. Bởi vậy, việc họ kiếm được tiền từ bóng đá chưa nhiều. Nói chính xác là nguồn thu được từ bóng đá chưa thấm vào đâu so với khoản tài chính mà đội bóng đã phải bỏ ra.

Để các CLB kiếm được tiền từ hoạt động bóng đá, chính xác hơn là bóng đá phải nuôi được bóng đá hết sức khó khăn, nhưng đó là con đường tất yếu đối với mọi nền bóng đá chuyên nghiệp. Bởi vậy, VFF, VPF và các CLB phải có một chiến lược hết sức căn cơ, bài bản để tạo ra giá trị, bản sắc cùng thương hiệu của giải đấu và đội bóng.

Cả VPF lẫn các CLB cần nhận thức đầy đủ vai trò, trách nhiệm của mình trong cuộc cách mạng nâng tầm V-League. Những vấn đề “sự cố trọng tài” hay bạo lực sân cỏ dần loại bỏ. Những người làm chuyên môn, ban huấn luyện và cầu thủ ra sân phải thể hiện tinh thần vượt khó, thái độ thi đấu chuyên nghiệp, cống hiến. Chỉ có như thế khán giả cũng như nhà tài trợ mới chia sẻ, đồng hành và đến sân ủng hộ; các giá trị, bản sắc cùng thương hiệu của đội bóng mới được tạo dựng một cách căn cơ và bền vững.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/the-thao/202407/bao-gio-v-league-tao-nen-ban-sac-8791b09/