Bảo hiểm tiền gửi góp phần ổn định hệ thống các tổ chức tín dụng

Bà Nguyễn Thị Thúy Liên (Hà Nội) hỏi: Bảo hiểm tiền gửi là gì và chính sách bảo hiểm tiền gửi có những mục tiêu như thế nào?

Về vấn đề này, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) trả lời như sau:

Bảo hiểm tiền gửi là gì?

Tại Việt Nam, Luật BHTG quy định: BHTG là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được BHTG trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia BHTG lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản.

Theo Hiệp hội BHTG Quốc tế (IADI), BHTG được hiểu là “một hệ thống được thiết lập để bảo vệ người gửi tiền khỏi những tổn thất về tiền gửi được bảo hiểm của họ trong trường hợp tổ chức nhận tiền gửi không thể hoàn thành các nghĩa vụ nợ theo cam kết đối với người gửi tiền”.

Như vậy, có thể hiểu BHTG là một cam kết công khai của tổ chức BHTG về việc sẽ hoàn trả một phần hoặc toàn bộ tiền gửi được bảo hiểm (bao gồm cả gốc và lãi) cho người gửi tiền khi tổ chức tham gia BHTG bị mất khả năng thanh toán hoặc chấm dứt hoạt động.

Mục tiêu chung của chính sách BHTG

Tại mỗi quốc gia, chính sách BHTG được xây dựng nhằm hướng đến một hoặc nhiều mục tiêu khác nhau tùy thuộc vào các điều kiện cụ thể trong mỗi thời kỳ. Tuy vậy, có thể phân chia mục tiêu của chính sách BHTG thành 3 nhóm chính gồm:

Thứ nhất: Bảo vệ người gửi tiền, đối tượng có những hạn chế nhất định trong tiếp cận thông tin về điều hành và tình hình hoạt động của các tổ chức nhận tiền gửi.

Thứ hai: Góp phần ổn định hệ thống các tổ chức tín dụng. Chính sách BHTG được sử dụng với mục đích tăng cường niềm tin công chúng, góp phần giảm thiểu đột biến rút tiền gửi, góp phần tạo cơ chế chính thức để xử lý các tổ chức nhận tiền gửi gặp sự cố và tham gia quá trình xử lý khủng hoảng tài chính.

Thứ ba: Các mục tiêu khác như góp phần xây dựng một thị trường có tính cạnh tranh và bình đẳng cho các tổ chức nhận tiền gửi có quy mô và trình độ phát triển khác nhau; giúp tạo điều kiện quy định rõ trách nhiệm và quyền lợi của người gửi tiền, tổ chức nhận tiền gửi, chính phủ, phân phối lại chi phí xử lý đổ vỡ ngân hàng và giảm thiểu gánh nặng tài chính cho người đóng thuế trong trường hợp có ngân hàng đổ vỡ.

Trong đó, mục tiêu thứ nhất và thứ hai là hai mục tiêu cốt lõi của chính sách BHTG. Các mục tiêu bổ sung trong nhóm thứ 3 (nếu có) không được mâu thuẫn hoặc làm suy yếu hai mục tiêu cốt lõi nêu trên.

Chinhphu.vn

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/kinh-te/bao-hiem-tien-gui-gop-phan-on-dinh-he-thong-cac-to-chuc-tin-dung/391408.vgp