Bạo lực gia đình có bị xử lý trách nhiệm hình sự?
Gia đình là tế bào của xã hội, là nơi mỗi chúng ta sinh ra và lớn lên được chăm sóc về cả vật chất lẫn tinh thần. Đó cũng là nơi chúng ta được sống trong hạnh phúc yêu thương. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng được hưởng niềm hành phúc như vậy. Trên thực tế, có nhiều gia đình do những lý do cá nhân mà gây ra mâu thuẫn và dẫn đến bạo lực. Đây là vấn đề mà cả xã hội đang rất quan tâm, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống con người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Ảnh: Minh họa
Bạo lực gia đình là vấn nạn phổ biến gây nhức nhối trong xã hội, để lại hậu quả khó lường, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em. Ở Việt Nam, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã dành nhiều sự quan tâm tới việc phòng, chống bạo lực gia đình và đã ban hành nhiều văn bản pháp luật như: Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em... và đặc biệt là Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (năm 2007, sửa đổi năm 2022).
Gia đình và các thành viên trong gia đình phải có những trách nhiệm, chủ động trong việc phòng, chống bạo lực gia đình: Giáo dục, nhắc nhở, hòa giải mâu thuẫn giữa các thành viên, ngăn chặn người có hành vi bạo lực; chăm sóc nạn nhân... Pháp luật không quy định đây là nghĩa vụ mà chỉ là trách nhiệm của gia đình và các thành viên. Tuy nhiên, nếu thực hiện những hành vi bị cấm trong phòng, chống bạo lực gia đình thì người vi phạm phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Điều 41 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi năm 2022) quy định, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà người có hành vi bạo lực gia đình sẽ bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về xử phạt hành chính: Điều 52, Điều 53 Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;
+ Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân;
+ Bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người cao tuổi, yếu, khuyết tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ.
Về xử lý kỷ luật đối với đảng viên có hành vi bạo lực gia đình: Điều 50 Quy định số 69-QĐ/TW ngày 6/7/2022 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm quy định, đảng viên có hành vi vi phạm quy định về phòng, chống bạo lực gia đình, tùy theo tính chất, mức độ thì bị xử lý kỷ luật như: Khiển trách; cảnh cáo hoặc cách chức; khai trừ khỏi Đảng.
Về xử lý hình sự: Người có hành vi bạo lực gia đình có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình (quy định tại Điều 185 Bộ luật Hình sự 2015), cụ thể:
- Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:
+ Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần;
+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm:
+ Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;
+ Đối với người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo.
Ngoài ra, trong trường hợp hành vi bạo lực gia đình mà hậu quả dẫn đến đủ căn cứ cấu thành các tội khác trong Bộ luật Hình sự như: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134); tội hành hạ người khác (Điều 140); trường hợp gây chết người còn có thể bị truy cứu về tội giết người (Điều 123)... thì người phạm tội sẽ bị xử lý tùy theo hành vi, mức độ phạm tội và hậu quả mà mình gây ra.
Bạo lực gia đình là một vấn nạn ảnh hưởng sâu rộng tới nhiều lĩnh vực trong mỗi gia đình cũng như toàn xã hội. Gia đình và các thành viên trong gia đình đóng vai trò rất quan trọng trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Do đó, mỗi cá nhân, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, đảng viên cần phải đấu tranh để hạn chế và từng bước xóa bỏ tệ nạn bạo lực gia đình trong đời sống xã hội.
Trung úy Trần Nhật Minh Hải, (Viện Kiểm sát quân sự khu vực 2 BĐBP)