Bạo lực mạng 'leo thang'- Bài cuối: Trợ giúp pháp lý cho nạn nhân

Hầu hết nạn nhân của bạo lực mạng không thông thạo các quy định của pháp luật nên việc đi tìm công lý gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Thế nên, việc am hiểu kiến thức luật pháp để tự bảo vệ bản thân trên môi trường mạng là vô cùng quan trọng.

Phóng viên báo Cà Mau, đã có buổi trò chuyện cùng Luật sư Lê Huỳnh Ni (Công ty Luật TNHH MTV Tô Văn Chánh) để giúp các nạn nhân đang bị bạo lực, tấn công, bôi nhọ, xúc phạm qua mạng xã hội có những kiến thức rõ ràng hơn về vấn đề này.

Cần có kiến thức vững chắc về pháp luật để tự bảo vệ bản thân khi bị bạo lực mạng. Ảnh minh họa: Internet

Cần có kiến thức vững chắc về pháp luật để tự bảo vệ bản thân khi bị bạo lực mạng. Ảnh minh họa: Internet

- Thưa Luật sư, hiện tại tình trạng tấn công, xúc phạm qua mạng xã hội gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm đang diễn biến phức tạp, người bị xúc phạm cần chuẩn bị những gì để bảo vệ mình?

Luật sư Lê Huỳnh Ni: Hiện nay, các trang mạng xã hội ngày càng phát triển, thuận tiện cho việc tìm hiểu thêm về kiến thức, trao đổi thông tin, liên lạc với nhau. Bên cạnh nền tảng phát triển đó thì cũng có một số cá nhân lợi dụng mạng xã hội viết bài, livestream... để tấn công, xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác. Với hành vi trên, mức độ nhẹ có thể bị xử phạt hành chính, nặng hơn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc giải quyết theo thủ tục dân sự.

Danh dự, uy tín, nhân phẩm của mỗi con người đều được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Khi phát hiện có người tấn công qua mạng xã hội nhằm xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm thì bản thân người bị xúc phạm bước đầu tiên phải lưu lại được chứng cứ cụ thể, như các bài viết, livestream... có nội dung xúc phạm mình. Cần thiết hơn, có thể lập vi bằng để có cơ sở chứng minh việc mình bị xúc phạm. Bước thứ hai, chúng ta cần làm đơn gửi đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết theo đúng trình tự quy định của pháp luật. Tùy theo mức độ vụ việc, chúng ta có thể làm đơn yêu cầu xử phạt hành chính, dân sự hay hình sự.

- Mức bồi thường cho bị hại và xử phạt người tấn công, xúc phạm người khác qua mạng xã hội được quy định như thế nào, thưa Luật sư?

Luật sư Lê Huỳnh Ni: Ðối với mức bồi thường và hình thức xử phạt thì có các hình thức cụ thể như sau:

- Về xử phạt hành chính: Tại điểm a, khoản 1, Ðiều 101, Nghị định số 15/2020/NÐ-CP, quy định về hành vi vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội; trang thông tin điện tử được thiết lập thông qua mạng xã hội: Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm.

- Về trách nhiệm hình sự: Nếu hành vi bôi nhọ danh dự, nhân phẩm người khác có mức độ nguy hiểm cao thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo Ðiều 155 của Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017. Tùy thuộc vào tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi bôi nhọ danh dự, nhân phẩm người khác mà người phạm tội còn có thể bị phạt tù theo các khung sau:

"Ðiều 155. Tội làm nhục người khác:

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm:

a) Phạm tội 2 lần trở lên;

b) Ðối với 2 người trở lên;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền

hạn;

d) Ðối với người đang thi hành

công vụ;

đ) Ðối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;

e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2-5 năm:

a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;

b) Làm nạn nhân tự sát.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm”.

Như vậy, người bôi nhọ danh dự, nhân phẩm người khác có thể bị xử lý hình sự với khung cao nhất là phạt tù đến 5 năm.

- Giải quyết theo yêu cầu dân sự: Khi xác định mình bị người khác có hành vi xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm mà gây thiệt hại thì người vi phạm phải bồi thường theo quy định tại Ðiều 584, Bộ luật Dân sự. Theo đó, người vi phạm không những phải bồi thường các chi phí để khắc phục thiệt hại còn phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị bôi nhọ về danh dự, nhân phẩm. Mức tiền do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức tiền bồi thường tối đa là không quá 10 tháng lương cơ sở (Ðiều 592, Bộ luật Dân sự).

Bên cạnh đó, người bị thông tin sai sự thật làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai (căn cứ khoản 5, Ðiều 34, Bộ luật Dân sự 2015).

- Nhiều trường hợp lập vi bằng và có bằng chứng nhưng khi đối phương xóa trang cá nhân đang sử dụng thì có tiếp tục kiện được không? Và cần chuẩn bị thêm bước nào để tiếp tục vụ kiện?

Luật sư Lê Huỳnh Ni: Như tôi đã tư vấn ở câu hỏi đầu tiên, khi thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín đã bị lan truyền, chúng ta đã thu thập đủ chứng cứ, lập vi bằng thì dù phía người vi phạm xóa các tài khoản mạng xã hội, chúng ta vẫn có quyền khởi kiện, đơn yêu cầu đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

- Nhiều người bị tấn công và bị xúc phạm qua mạng xã hội lại không khởi kiện, có phải vì thủ tục khá nhiêu khê không? Nhận định của Luật sư về vấn đề này như thế nào?

Luật sư Lê Huỳnh Ni: Thật ra, thủ tục khởi kiện không nhiêu khê vì đều thực hiện theo trình tự và mẫu đơn theo quy định. Tuy nhiên, có thể một vài lý do như điều kiện về thời gian, chi phí đi lại, chưa nắm rõ các quy định của pháp luật... nên người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín có tâm lý e dè, ngại đi kiện. Như tôi đã tư vấn về các hình thức xử phạt, khi đã vi phạm thì tùy theo mức độ có thể bị xử phạt hành chính, hình sự hay yêu cầu dân sự. Nếu cơ quan có thẩm quyền xác định đủ các yếu tố cấu thành tội phạm thì vẫn có thể khởi tố vụ án hình sự.

- Xin cảm ơn Luật sư!

Lam Khánh thực hiện

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/bao-luc-mang-leo-thang-bai-cuoi-tro-giup-phap-ly-cho-nan-nhan-a31035.html