Bão số 3 đang ở trên đất liền ven biển giữa Hưng Yên và Ninh Bình, khẩn trương di dời hàng chục nghìn người
Dự báo chiều tối 22/7, bão số 3 gây mưa lớn diện rộng, Quảng Ninh, Hải Phòng, Lào Cai và nhiều địa phương đã khẩn trương di dời hàng chục nghìn người ra khỏi vùng nguy hiểm và giám sát nghiêm ngặt đê điều.

Vị trí và hướng di chuyển của bão số 3 lúc 10 giờ ngày 22/7 từ hệ thống giám sát thiên tai. (Ảnh: TTXVN phát)
Ngày 22/7, bão số 3 quét qua các tỉnh Bắc Bộ gây mưa to gió lớn ở nhiều địa phương.
Tiến sỹ Hoàng Phúc Lâm cho biết hiện vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,2 độ Vĩ Bắc; 106,4 độ Kinh Đông, nằm trên đất liền ven biển giữa Hưng Yên và Ninh Bình với sức gió mạnh nhất cấp 8-9 (62-88 km/h), giật cấp 11.
Dự báo, trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, tốc độ khoảng 10-15 km/h.
Đến chiều và tối 22/7, do ảnh hưởng của bão khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An mưa rất to. Đề phòng lũ quét, sạt lở ở khu vực vùng núi Thanh Hóa, Nghệ An.
Quảng Ninh: Thiệt hại nhẹ, khẩn trương khắc phục
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trong đêm qua và rạng sáng nay, ngày 22/7, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có gió cấp 6, cấp 7, kèm mưa diện rộng. Tính đến 9 giờ ngày 22/7, việc phòng chống bão số 3 cơ bản được đảm bảo, các địa phương an toàn trong bão, chưa ghi nhận thiệt hại về người, một số cây cối bị đổ gãy trong bão.
Hiện tại, các địa phương và lực lượng chức năng đã khẩn trương dọn dẹp, khắc phục hậu quả sau bão, đảm bảo giao thông thông suốt.
Theo báo cáo ban đầu, tất cả 54 xã, phường, đặc khu trên địa bàn tỉnh chưa có thiệt hại lớn do bão gây ra.
Hiện, gió mạnh làm một số cây xanh bên đường bị gãy đổ, một số mái tôn, biển quảng cáo bị lật hư hỏng, rơi xuống chắn ngang lòng đường, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông và cản trở ứng cứu khẩn cấp.

Bộ đội Biên phòng đảo Trần, đặc khu Cô Tô (Quảng Ninh) khắc phục hậu quả bão số 3. (Ảnh: TTXVN phát)
Điển hình như Đặc khu Cô Tô, nơi bão số 3 đổ bộ sớm nhất vào đêm 21/7, tất cả từ trung tâm y tế, trường học, các phương tiện trong âu tàu tránh trú bão, các hộ gia đình đều an toàn trong bão, không có thiệt hại nào đáng kể về tài sản.
Đặc khu Vân Đồn chỉ đạo các ngành chức năng, lực lượng được phân công quản lý chặt chẽ người, phương tiện qua cảng, tuyệt đối không để người dân tự ý quay lại bè mảng nuôi trồng thủy sản trên biển khi chưa có thông báo chính thức từ cấp có thẩm quyền.
Tại các địa phương như Móng Cái 1, Móng Cái 2, Móng Cái 3, Vĩnh Thực, Hải Ninh, Hải Sơn, Quảng Đức, Quảng Hà, Đường Hoa, Cái Chiên, do chủ động thực hiện phòng, chống bão và ứng phó với cơn bão số 3, nên cơ bản không ghi nhận thiệt hại về người; thiệt hại về tài sản ở mức thấp nhất.
Riêng tại phường Móng Cái 1, bão gây gió mạnh cấp 6 - 8, giật cấp 9 và mưa rào rải rác; ghi nhận 1 mái tôn lán công nhân bị tốc và 9 cây xanh bị đổ, không có thương vong. Lực lượng chức năng đã khẩn trương khắc phục các sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt.
Hiện, các xã, phường, đặc khu vẫn đang chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp khắc phục hậu quả bão số 3 trên tinh thần “3 trước, 4 tại chỗ,” tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác với thiên tai.
Hải Phòng di dời gần hàng chục nghìn người dân đến nơi tránh bão.
Thành phố Hải Phòng có 97 chung cư cũ trên địa bàn 10 phường, với tổng số 6.359 người sinh sống, đến ngày 22/7, các địa phương đã di dời 4.994 người. Đối với các khu vực trũng thấp, địa phương đã được di dời 11.233 người đến nơi an toàn.

Người dân sống trong chung cư 5 tầng cũ trên phố Tô Hiệu, phường Lê Chân (Hải Phòng) đã được di dời đến nơi an toàn trước thời điểm bão số 3 dự kiến đổ bộ thành phố. (Ảnh: Minh Thu/TTXVN)
Tại Đặc khu Bạch Long Vĩ, thời điểm 8 giờ sáng nay có mưa nhỏ, gió cấp 7-8. Trước đó, vào lúc hơn 23 giờ ngày 21/7, gió tăng dần cấp 9-10 giật 11-12.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Đặc khu đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, khu dân cư thống kê tổng hợp thiệt hại ban đầu trên địa bàn; trong đó thiệt hại về nông, lâm, diêm nghiệp, một số cây xanh gãy cành, bật gốc; hoa màu dập nát; không có thiệt hại về người.
Xác định bão số 3 là cơn bão nguy hiểm, có phạm vi ảnh hưởng lớn, toàn thành phố Hải Phòng đã và đang sẵn sàng các phương án phòng, chống bão trước, trong và sau bão.
Hải Phòng đã thành lập nhóm Zalo với 114 Chủ tịch xã, phường, Đặc khu và lãnh đạo kịp thời triển khai công tác phòng, chống thiên tai; huy động 100% quân số, tổ chức thường trực, trực ban 24/24 giờ; chỉ đạo các Hạt Quản lý đê điều phân công lực lượng quản lý chuyên trách tăng các sở, ngành để cường kiểm tra các tuyến đê, đặc biệt là các vị trí đê, kè, cống xung yếu đã được xác định để kịp thời phát hiện, tham mưu biện pháp xử lý sự cố công trình ngay từ giờ đầu, đảm bảo an toàn hệ thống đê điều.
Trên địa bàn thành phố có 75 vị trí trọng điểm xung yếu về đê điều (13 trọng điểm đê; 11 trọng điểm kè; 43 trọng điểm cống; 1 cửa khẩu; 7 bờ lở); trong đó, cấp thành phố là 8 điểm (Phía Tây 1 điểm ở xã Chí Minh; phía Đông 7 điểm ở các Phường Việt Khê, phường Lê ích Mộc, phường Thủy Nguyên); cấp phường, xã, đặc khu 67 điểm.
Các trọng điểm này đã được các thành phố, xã, phường, đặc khu xây dựng và phê duyệt phương án bảo vệ trọng điểm theo phương châm "bốn tại chỗ."

Người dân ở các chung cư cũ bị xuống cấp nghiêm trọng tạm trú tại Trường THCS Tô Hiệu, phường Lê Chân. (Ảnh: Minh Thu/TTXVN)
Đối với các đơn vị, sở, ngành cũng đang dồn sức phòng, chống bão số 3. Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố duy trì nghiêm chế độ trực, tổ chức rà soát, kiểm tra phương án, kế hoạch hiệp đồng, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, sẵn sàng xử lý các tình huống xảy ra. Lực lượng quân đội tham gia ứng phó trên 25.000 người.
Công an thành phố chủ động kiểm tra, rà soát kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai của đơn vị; trong đó tập trung vào nhiệm vụ đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và giữ gìn trật tự an ninh trước, trong và sau bão. Lực lượng hiệp đồng tham gia ứng phó 9.400 người.
Sở Nông nghiệp và Môi trường (cơ quan thường trực phòng chống thiên tai) đôn đốc các địa phương, các Ban Quản lý dự án (chủ đầu tư) tăng cường kiểm tra đê điều, thủy lợi và chủ động xử lý ngay từ giờ đầu các sự cố có thể phát sinh; yêu cầu các chủ đầu tư các công trình đê điều đang thi công trên địa bàn thành phố thực hiện ngay các biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình.

Trường THCS Tô Hiệu dành kinh phí mua một số đồ thiết yếu tặng người dân di dời khỏi các khu chung cư cũ đã xuống cấp, nguy hiểm. (Ảnh: Minh Thu/TTXVN)
Phân công, bố trí tăng cường lãnh đạo, cán bộ trực ban tổ chức thường trực, trực ban 24/24 giờ để kịp thời nắm bắt tình hình mưa, lũ và diễn biến của bão Wipha; tổng hợp công tác triển khai ứng phó của các địa phương, các ngành, báo cáo theo quy định.
Sở Xây dựng tổ chức kiểm tra, hiện còn tồn tại 32 điểm đen ngập lụt (là khu vực ngập lụt khi mưa trên 50mm, đối với các trận mưa có chu kỳ lặp lại liên tục trong các năm gần đây, kết hợp triều cường). Sở cũng thường xuyên tuần tra, kiểm tra theo dõi và chuẩn bị sẵn sàng máy móc, thiết bị để xử lý kịp thời các vị trí sạt lở để đảm bảo giao thông thông suốt.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Điện lực Hải Phòng đã chủ động kiểm tra hệ thống công trình điện, có phương án ưu tiên cấp điện ổn định tại các trụ sở cơ quan nhà nước phục vụ công tác chỉ đạo điều hành trong mọi tình huống.
Sở Khoa học và Công nghệ đã chỉ đạo Viễn thông Hải Phòng, Viễn thông Hải Dương, Viettel Hải Phòng kiểm tra 3 điện thoại vệ tinh (Viễn thông Hải Phòng 1, Viễn thông Hải Dương 1, Viettel Hải Phòng 1) sẵn sàng phục vụ điều hành của lãnh đạo thành phố trong tình huống khẩn cấp.
Ngành Y tế thành phố cũng đã chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, phương tiện và thuốc y tế dự phòng, bảo đảm cấp cứu, vận chuyển, thu dung, điều trị, phân tán, sơ tán cơ sở vật chất, cán bộ, nhân viên y tế và bệnh nhân đến nơi an toàn theo phương án đã lập.
Lào Cai di dời khẩn cấp người dân và du khách tại Sa Pa
Trong đêm 21/7, lực lượng chức năng phường Sa Pa (Lào Cai) đã thực hiện di dời khẩn cấp hàng trăm người dân và du khách đến nơi an toàn.
Các ngành và chính quyền địa phương của Lào Cai đang tiếp tục kiểm tra, rà soát, kiên quyết sơ tán các hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ ống, lũ quét, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.
Tính đến 22 giờ đêm 21/7, lực lượng chức năng phường Sa Pa đã tuyên truyền vận động, di dời khẩn cấp 28 gia đình với 139 nhân khẩu; 1 lán công nhân với 71 người và 10 khách du lịch nước ngoài về nơi an toàn.
Để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống thiên tai, diễn biến bất thường của thời tiết trên địa bàn tỉnh, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai đã có công văn hỏa tốc yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phối hợp tổng rà soát, vận động nhân dân di dời người và tài sản; chủ động bố trí các điều kiện cần thiết thực hiện phương châm "4 tại chỗ" trong trường hợp xảy ra thiên tai, mưa bão, xây dựng phương án huy động lực lượng khi xảy ra tình huống nghiêm trọng.
Tỉnh Lào Cai yêu cầu các đơn vị quản lý, vận hành hồ chứa, đập thủy điện có phương án trong công tác xả lũ, đảm bảo an toàn theo đúng quy định. Trước khi xả lũ phải thông báo kịp thời đến chính quyền và người dân theo quy định để chủ động phương án ứng phó, di dời người, tài sản.
Đặc biệt, Ủy ban Nhân dân các xã, phường chủ động tuyên truyền hằng ngày trên hệ thống loa phát thanh cơ sở liên tục với thời lượng 30 phút/lần và tuyên truyền trực tiếp tại các địa bàn có nguy cơ cao bị ảnh hưởng trước, trong và sau bão; trong đó, chú ý tuyên truyền hướng dẫn nhân dân các biện pháp bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản, chằng chống nhà cửa, nhận biết các dấu hiệu có thể sạt lở đất, lũ quét, lũ ống.../.