Bão số 4 quét qua Quảng Nam, Đà Nẵng gây mất điện trên diện rộng, chưa gây thiệt hại về người

Bão số 4 quét qua Quảng Nam và TP Đà Nẵng vào rạng sáng nay. Tính đến sáng nay (28/9), bão số 4 chưa gây thiệt hại về người nhưng khiến nhiều cây xanh ở các vùng bão đi qua bị ngã đổ. Bão số 4 gây mất điện trên diện rộng.

Rạng sáng 28/9, bão số 4 (Noru) đi vào đất liền từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi. Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 4h sáng 28/9, bão số 4 đã đổ bộ đất liền, tâm bão nằm tại khoảng 15,8 độ vĩ Bắc; 108,1 độ kinh Đông, nằm giữa Đà Nẵng và Quảng Nam. Tâm bão đổ bộ vào huyện Thăng Bình và TP Hội An (Quảng Nam). Thời điểm đổ bộ, sức gió mạnh nhất cấp 11 (103-117 km/h), giật cấp 13 (134-149 km/h).

 Cây xanh tại TP Đà Nẵng bị ngã đổ sau khi bão số 4 đi qua.

Cây xanh tại TP Đà Nẵng bị ngã đổ sau khi bão số 4 đi qua.

Theo Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 4, tính đến 5h sáng 28/9, nhiều tỉnh thành miền Trung đã ghi nhận thiệt hại ban đầu về tài sản do bão số 4 gây ra. Thiệt hại chủ yếu là tốc mái nhà (chưa có số liệu cụ thể) tại thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, tỉnh Quảng Ngãi. Bão số 4 cũng khiến hàng nghìn trạm biến áp mất điện. Ngoài ra, nhiều cây xanh bị đổ gãy. Riêng 60 trường hợp ở thuyền nổ máy trên âu thuyền Thọ Quang chưa vào bờ hồi 0h ngày 28/9 chưa có thông tin mới. Các địa phương khác (Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Bình Định) chưa ghi nhận thiệt hại cụ thể do bão.

Báo cáo lúc 6h sáng nay, tại Quảng Nam có 1 nhà /17 khẩu ở xã Tam Phú bị tốc mái hoàn toàn. Đồn Biên phòng 276 (Cù Lao Chàm): Nhà chỉ huy, nhà ở CB chiến sỹ bị tốc mái hơn 50%, cây cối ngã đổ hơn 70%, sập hệ thống chuồng trại, tăng gia, vỡ kính sảnh trước nhà chỉ huy.

 Tấm tôn bay mắc giữa đường tại TP Tam Kỳ, Quảng Nam. Ảnh: Trương Hồng

Tấm tôn bay mắc giữa đường tại TP Tam Kỳ, Quảng Nam. Ảnh: Trương Hồng

Đối với tàu thuyền chìm 1 ghe tại xã Tam Giang, Núi Thành. Có 4 tàu vận tải và 1 tàu câu mực neo đậu tại phao luồng số 19 Luồng cảng Kỳ Hà bị rê neo và mắc cạn tại khu vực luồng phao số 17 gần xã đảo Tam Hải. Về giao thông, một số tuyến đường trên địa bàn bị sạt lở taluy, đứt gãy cống, sụt lún mặt đường. Về điện, viễn thông, tổng số Trạm biến áp bị mất điện là 3.997 trạm. Ngã đổ trụ anten Trung tâm truyền thanh thành phố Hội An.

Tại Đà Nẵng, theo báo cáo của cơ quan chức năng, tính đến 6 giờ 45 ngày 28/9, TP Đà Nẵng ghi nhận có 3 nhà bị tốc mái, nhiều cây xanh bị ngã đổ, chưa có trường hợp tử vong do bão số 4... Trên địa bàn thành phố có 173 trạm biến áp bị sự cố gây mất điện cho 7.832 khách hàng, ngành điện đã khôi phục 89 trạm biến áp, cấp điện trở lại cho 2.923 khách hàng; đang khôi phục 84 trạm biến áp để sớm cấp điện trở lại cho người dân... Có 1 trường hợp chuyển dạ trong bão, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đã đề nghị Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố hỗ trợ phương tiện để đưa đi bệnh viện.

 Một ngôi nhà tại Quảng Trị bị sập do lốc xoáy chiều 27/9.

Một ngôi nhà tại Quảng Trị bị sập do lốc xoáy chiều 27/9.

Tại Thừa Thiên Huế, TP Huế nhiều cây cối bị gãy đổ đè vào nhà dân và bên đường Lý Thái Tổ - QL1 đoạn qua phường An Hòa. Địa phương này cũng có nhiều ngôi nhà bị gió bão thổi tốc mái, kính cường lực, tôn bị vỡ, bay ngổn ngang. Trong sáng 28/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cũng đã đến kiểm tra tình hình sau bão số 4 tại địa bàn biên giới biển TP Huế và huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tại địa bàn phường Thuận An, TP Huế, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ân cần thăm hỏi, động viên người dân đang tránh, trú bão tại Trường THCS Thuận An. Trước đó, khi bão số 4 được dự báo diễn biến nguy hiểm, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng đã sơ tán 59 hộ/180 nhân khẩu lên ngôi trường này để đảm bảo an toàn.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, 7h sáng 28/9, tại đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam) có gió mạnh cấp 10, giật cấp 14; đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) có gió mạnh cấp 10, giật cấp 12; đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9; Đồng Hới, Đông Hà, Quảng Ngãi, An Nhơn, Quy Nhơn, Tuy Hòa có gió giật cấp 7; A Lưới, Nam Đông, Đà Nẵng có gió giật cấp 9; Trà My có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7; Tam Kỳ có gió mạnh cấp 9, giật cấp 13; Đắk Tô có gió giật cấp 6; Pleiku, An Khê có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.

 Một tuyến đường tại quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng sau khi bão số 4 quét qua.

Một tuyến đường tại quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng sau khi bão số 4 quét qua.

Hồi 7 giờ ngày 28/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 107,5 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực Thừa Thiên Huế-Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/giờ),giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 120km tính từ tâm bão.

Cảnh báo gió mạnh trên đất liền: khu vực Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10; khu vực Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Yên, Kon Tum có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8. Bão số 4 hiện đang gây mưa lớn ở nhiều nơi khu vực miền Trung – Tây Nguyên; mực nước của các sông cũng đang lên, nhiều sông đã vượt mức báo động 2.

Một số hình ảnh lực lượng chức năng TP Đà Nẵng dọn dẹp sau bão. (Ảnh: Lê Tâm).

Xuân Nha

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/doi-song-xa-hoi/bao-so-4-quet-qua-quang-nam-da-nang-gay-mat-dien-tren-dien-rong-chua-gay-thiet-hai-ve-nguoi-129061.html