Bão số 6 di chuyển phức tạp, liên tục tăng cấp

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, trong những giờ qua, bão số 6 hầu như ít di chuyển và có khả năng mạnh thêm. Ðến 16 giờ hôm nay (7-11), vị trí tâm bão cách đảo Song Tử Tây khoảng 330 km về phía đông bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 12.

Vùng nguy hiểm trên Biển Ðông trong 24 giờ sau đó do ảnh hưởng của bão và không khí lạnh là phía bắc vĩ tuyến 11,5 độ vĩ bắc; phía đông kinh tuyến 112,0 độ kinh đông.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng, di chuyển chậm về phía tây, mỗi giờ đi được khoảng 5 km và có khả năng mạnh thêm. Ðến 16 giờ ngày 8-11, vị trí tâm bão ở khoảng 13,0 độ vĩ bắc; 115,2 độ kinh đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 200 km về phía bắc đông bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12, giật cấp 14.

Theo các chuyên gia khí tượng - thủy văn, bão số 6 liên tục tăng cấp là do đang di chuyển trên một vùng biển ấm. Ngoài ra, không khí lạnh bắt đầu ảnh hưởng tới các tỉnh vùng núi phía bắc từ ngày 7-11. Sự kết hợp của áp cao lạnh lục địa dồn xuống phía nam và không khí lạnh phía bắc đã tạo ra gió đông bắc rất mạnh ở rìa phía bắc của cơn bão, khiến bão số 6 tăng cấp nhanh. Cường độ lớn nhất của bão số 6 có thể đạt đến cấp 12 khi khối áp cao lạnh lục địa mang theo không khí lạnh vào ngày 9, 10-11. Nếu đạt cấp 11 hoặc cấp 12, đây sẽ là cơn bão mạnh nhất kể từ đầu mùa bão 2019 đến nay trên Biển Ðông. Dự báo, tâm bão có khả năng nằm trên vùng biển các tỉnh Quảng Ngãi - Ninh Thuận trong ngày 10-11.

Ðể chủ động đối phó bão số 6, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đến chiều 6-11 đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 47.330 phương tiện (243.063 người) trên biển biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để thoát ra hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm. Trong đó, hoạt động trong khu vực giữa Biển Ðông là 160 tàu; hoạt động ven bờ, các vùng biển khác và neo tại bến 47.170 tàu. Hiện còn chín tàu của Quảng Ngãi đang neo tại phía tây quần đảo Trường Sa, chưa liên lạc được.

Theo Tổng cục Phòng, chống thiên tai (PCTT), hiện có bốn tàu (37 người) của ngư dân Bình Ðịnh và Quảng Ngãi hoạt động ở khu vực giữa Biển Ðông. Tổng cục đề nghị cơ quan chức năng liên hệ với phía Phi-li-pin xin được vào tránh trú. Ngoài ra, có 15 tàu hoạt động ở vùng nguy hiểm đề nghị được can thiệp ngoại giao để trú, tránh bão. Bộ Ngoại giao đã có công hàm đề nghị Ðại sứ quán Phi-li-pin tạo điều kiện, hỗ trợ.

Tính đến ngày 6-11, đã có 114 tàu cá của các tỉnh Phú Yên, Bình Ðịnh và Quảng Ngãi trên vùng biển Trường Sa được hướng dẫn vào neo đậu tại âu tàu Song Tử Tây và Sinh Tồn. Chỉ huy các đảo này đã thành lập tổ công tác đến các tàu nắm bắt tình hình, hướng dẫn ngư dân neo trú, chằng buộc trang thiết bị, ngư cụ tránh va đập; hướng dẫn các kỹ thuật băng bó, sơ cấp cứu khi có tình huống xấu xảy ra.

UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có công văn giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát, tham mưu trước đề nghị bố trí kinh phí triển khai dịch vụ tin nhắn trong truyền tin thiên tai năm 2019. Theo đó, Ban Chỉ huy PCTT tỉnh đề nghị bố trí hơn 130 triệu đồng triển khai dịch vụ truyền tin thiên tai.

Ngày 6-11, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT đã làm việc với UBND tỉnh Quảng Bình về công tác PCTT năm 2019. Theo đó đề nghị tỉnh cần tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền cho người dân để nâng cao khả năng ứng phó; chủ động phương án “bốn tại chỗ”, trong đó phải làm rõ biện pháp ứng phó chi tiết, cụ thể cho từng địa phương. Trước mắt, các địa phương cần rà soát và có phương án để di dời ngay các hộ trong vùng sạt lở ven sông, suối, khu vực ngập lụt sâu để hạn chế thiệt hại do ảnh hưởng của mưa bão trong những ngày tới.

Một tuần sau ảnh hưởng của bão số 5, gần 400 hộ dân ở ốc đảo Ân Phú, xã Tịnh An, TP Quảng Ngãi (Quảng Ngãi) vẫn bị cô lập do nước sông Trà Khúc dâng cao. UBND xã đã đề nghị TP Quảng Ngãi hỗ trợ hai chiếc đò công suất 25 CV để địa phương sử dụng trong PCTT và đưa người dân qua lại khu vực này, nhất là trong những ngày mưa lũ sắp tới.

Ðến trưa 6-11, Ðà Nẵng vẫn còn bảy tàu với 69 lao động trên biển và đang được lực lượng Bộ đội Biên phòng thành phố hướng dẫn di chuyển để tránh bão số 6. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố đang sử dụng hệ thống liên lạc biển và phối hợp gia đình để thông báo cho các phương tiện trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão số 6 để chủ động phòng, tránh. Ðược biết, thành phố có 1.672 tàu với 10.802 lao động. Trong đó có 1.665 tàu với 10.733 lao động đang neo đậu tại bờ.

Sáng 6-11, một cơn mưa lớn đã làm sạt lở nghiêm trọng tuyến đường ven biển DT 719, xã Tiến Thành, TP Phan Thiết (Bình Thuận), làm phần mặt đường bị sụp xuống với chiều rộng khoảng 5m, dài hơn 10m, hở hàm ếch và khoét sâu. Bên cạnh đó, lượng nước và cát quá lớn đổ tràn xuống đường tạo một hố sâu và một đường rãnh lớn dài kéo ra bờ biển, gây cản trở giao thông. Hiện các cơ quan chức năng vẫn đang khẩn trương khắc phục sự cố.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/42152402-bao-so-6-di-chuyen-phuc-tap-lien-tuc-tang-cap.html