Bảo tồn, phát huy giá trị Di tích quốc gia hang mộ Tạng Mè

Hang mộ Tạng Mè thuộc bản Lồi, xã Suối Bàng, huyện Vân Hồ, được công nhận là Di tích cấp quốc gia năm 2014, đây là một trong những hang mộ độc đáo, hiếm có, không chỉ của Việt Nam mà của cả thế giới và là điểm đến cho du khách ưa mạo hiểm, khám phá.

Di tích quốc gia hang mộ Tạng Mè tại xã Suối Bàng, huyện Vân Hồ.

Di tích quốc gia hang mộ Tạng Mè tại xã Suối Bàng, huyện Vân Hồ.

Từ trung tâm xã Suối Bàng, chúng tôi về bản Lồi, mất khoảng 30 phút đi bộ theo con đường mòn qua nương sản xuất, rồi leo qua vách đá cheo leo mới lên được hang mộ Tạng Mè nằm ở lưng chừng núi. Hang mộ Tạng Mè có mái đá lớn, cửa hang quay về hướng đông và nhìn xuống suối Lồi; từ bờ suối lên tới cửa hang cao khoảng 200 m đường lên dốc đứng, hiểm trở. Hang mộ cao khoảng 12 m, rộng 17 m, sâu 16 m; bên trong gồm 30 mộ được táng quan tài làm bằng gỗ đinh thối, là loại gỗ tốt, không mối mọt, chịu được mưa nắng; kết quả nghiên cứu phân tích Carbon-C14 thì những mộ này có niên đại di cốt cách đây 1.240 năm.

Là người đầu tiên phát hiện hang mộ Tạng Mè từ những năm 1980, trong một lần đi săn, từ đó đến nay, thầy mo Mùi Văn Chiển đảm nhận việc thắp hương làm lễ, giới thiệu cho các đoàn khi đến khám phá hang mộ Tạng Mè. Sau khi hoàn thành các thủ tục tâm linh, dẫn chúng tôi thăm hang, thầy mo Mùi Văn Chiển giải thích: Trong tiếng Mường, “Tạng” là chỗ lên giữa 2 lối đi, một bên lên bản, một bên xuống sông, ở đó có cây me cao 8-12 m, có quả tròn, màu xanh vàng nhạt, vị chát, ngọt. Tên hang mộ “Tạng Mè” nghĩa là đoạn đường giữa hai lối lên bản, xuống sông, chỗ có nhiều cây me tròn. Năm 2014, sau khi hang được công nhận Di tích cấp quốc gia, tôi đảm nhận việc làm lễ mỗi khi có các sự kiện hoặc các đoàn lên thăm hang. Từ đó, ngày 28 Tết Nguyên đán hàng năm, tôi đều làm lễ cúng cho các chủ nhân khu mộ.

Điểm độc đáo của hang mộ Tạng Mè là các quan tài được làm bằng thân gỗ bổ đôi, theo kiểu dáng hình thuyền độc mộc, được chế tác tinh xảo, thể hiện góc nhìn tinh tế, đầy chất nghệ thuật của cư dân cổ. Hai đầu quan tài được trang trí hình “đuôi én”, qua tìm hiểu có thể chủ nhân của các quan tài này thuộc về những cư dân nông nghiệp cổ, sống dựa vào sông nước.

Tham gia nhiều đoàn khảo sát, nghiên cứu về hang mộ Tạng Mè, Tiến sĩ Lường Hoài Thanh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa các dân tộc Tây Bắc, Trường đại học Tây Bắc, cho biết: Những quan tài ở hang mộ Tạng Mè là hình thức “huyền táng”, đây là một loại hình táng thức độc đáo, còn ẩn chứa nhiều bí ẩn mà ngày nay chúng ta phải quan tâm bảo tồn và nghiên cứu một cách đầy đủ về lịch sử vùng đất, văn hóa tộc người cư trú tại khu vực này, để vừa bảo tồn được di tích, cũng như phát huy được những giá trị của di tích gắn với phát triển du lịch, là điểm đến rất thú vị cho du khách yêu thích khám phá.

Theo quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, hang mộ Tạng Mè là di tích nằm trong dự án trong quy hoạch đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật danh lam thắng cảnh cùng với các điểm du lịch thác nước Chiềng Khoa, danh thắng rừng Pa Cốp, thác Tạt Nàng, đền Hang Miếng...

Ông Lò Cầm Hoàng, Chủ tịch UBND xã Suối Bàng, cho biết: Xã chỉ đạo bảo vệ nguyên trạng, không tự ý di dời, thay đổi hiện vật trong di tích, không được làm thay đổi môi trường cảnh quan, chỉ thực hiện các hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức của nhân dân đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị của di tích.

Di tích hang mộ Tạng Mè là loại hình di tích đặc biệt, độc đáo, có giá trị quan trọng về lịch sử, nhân chủng học, dân tộc học, là cơ sở để các nhà khoa học nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, xã hội của những cư dân cổ. Các cấp, các ngành, địa phương đang quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị di tích khảo cổ gắn kết với phát triển kinh tế, du lịch, tạo sinh kế cho người dân.

Bài, ảnh: Duy Tùng

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/van-hoa-xa-hoi/bao-ton-phat-huy-gia-tri-di-tich-quoc-gia-hang-mo-tang-me-Sst71DVIR.html