Bảo vệ tôm nuôi mùa nắng nóng

Từ cuối tháng 3 và đầu tháng 4 sẽ là thời điểm nắng nóng, nhiệt độ ngày đêm chênh lệch lớn. Do đó, để đảm bảo tiến độ lịch thả nuôi tôm cũng như bảo vệ diện tích tôm nuôi nước lợ đã và đang xuống giống, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Huỳnh Ngọc Nhã khuyến cáo bà con một số giải pháp trọng tâm nhằm chăm sóc tôm nuôi nước lợ đầu vụ năm 2021.

Theo đó, hộ nuôi tôm bám sát khuyến cáo lịch thời vụ của ngành nông nghiệp và địa phương để lựa chọn thời điểm thả nuôi phù hợp. Thường xuyên theo dõi thông tin dự báo khí tượng, thông tin kết quả quan trắc môi trường của ngành chuyên môn để có kế hoạch cải tạo, chọn thời điểm lấy nước, chọn lựa con giống sạch bệnh, nguồn vật tư chất lượng, có biện pháp chăm sóc, quản lý ao nuôi chặt chẽ, thả tôm theo hình thức thăm dò, thả rải vụ nhằm hạn chế dịch bệnh, rủi ro.

Nên thường xuyên kiểm tra tôm nuôi khi thời tiết nắng nóng như hiện nay. Ảnh: THÚY LIỄU

Chú ý trong điều kiện thời tiết lạnh rất dễ xảy ra bệnh đốm trắng. Để hạn chế bệnh đối với những ao chưa thả nuôi thì hộ nuôi cần diệt giáp xác kỹ khi cải tạo và chuẩn bị nuôi nước, chọn giống ở những nơi uy tín, chất lượng, sạch bệnh. Đối với những ao đã thả nuôi, thường xuyên theo dõi hoạt động của tôm, tình hình thời tiết, chế độ cho ăn phù hợp, tăng cường sức đề kháng cho tôm (sử dụng chế phẩm sinh học, vitamin C) nhất là vào những thời điểm giao mùa hoặc có mưa nắng thất thường kéo dài; quản lý tốt các yếu tố môi trường (nhiệt độ, pH, khí độc, độ kiềm); sử dụng các biện pháp sinh học, như: rào lưới, lưới ngăn dịch hại (chim, cua…) xâm nhập vào ao nuôi lây lan dịch bệnh từ vùng này đến vùng khác.

Bên cạnh đó, trong trường hợp tôm bị bệnh đốm trắng nếu tôm đến kích cỡ thu hoạch thì tiến hành thu hoạch ngay vì bệnh này sẽ làm tôm chết nhanh; khi phát hiện một vài con tôm nhỏ bị bệnh dạt vào bờ phải xử lý ngay bằng formol để tiêu diệt, không để tôm khỏe ăn tôm bệnh dễ lây lan. Hộ dân nên lưu ý khi tôm bị thiệt hại không giấu dịch bệnh, tuyệt đối không xả thải bừa bãi ra môi trường.

Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã đề nghị phòng kinh tế, phòng NN-PTNT, UBND các xã có diện tích nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chuyên môn trực thuộc Sở NN-PTNT tăng cường các biện pháp quản lý, chỉ đạo sản xuất, quản lý chặt chẽ diện tích thả nuôi tôm nước lợ. Đồng thời, hướng dẫn người nuôi tôm thực hiện khai báo thủ tục theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh… Riêng các đơn vị chuyên môn trực thuộc sở tùy vào chức trách nhiệm vụ có biện pháp hỗ trợ hộ nuôi tôm nước lợ trong thời tiết nắng nóng nhằm đảm bảo diện tích thả nuôi an toàn suốt mùa vụ thả nuôi.

THÚY LIỄU

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/khoa-hoc-va-cong-nghe/bao-ve-tom-nuoi-mua-nang-nong-46624.html