Bảo vệ trẻ em bằng những hành động thiết thực

Tháng hành động vì trẻ em được tổ chức từ ngày 1 - 30/6 hằng năm. Năm nay, Tháng hành động vì trẻ em có chủ đề: 'Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em'.

Tháng hành động vì trẻ em có chủ đề: “Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em”. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Tháng hành động vì trẻ em có chủ đề: “Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em”. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Nhiều cách làm hay

Thời gian qua đã có nhiều những mô hình, những giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em đã được các địa phương tích cực triển khai.

Phường Phương Nam (thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) là một trong những địa phương đã đưa công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em vào nghị quyết chuyên đề của Đảng ủy. Đảng ủy phường xây dựng chương trình kế hoạch hằng năm và 5 năm về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; xây dựng nghị quyết chuyên đề với các tiêu chí giảm tỷ lệ trẻ em dưới 6 tuổi suy dinh dưỡng xuống dưới 5,6%. 100% trẻ em dưới 6 tuổi được khám chữa bệnh miễn phí. 100% trẻ em trong nhóm đối tượng bảo trợ xã hội được thụ hưởng chính sách của nhà nước. Bảo đảm 100% trẻ em trong độ tuổi được đến trường. Mọi trẻ em khuyết tật đều được nhận các dịch vụ hỗ trợ.

Bí thư Đảng ủy phường Nguyễn Quang Nghĩa cho biết: Lãnh đạo phường đã chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách về trẻ em và đặc biệt là vấn đề an sinh xã hội. Trước hết là giáo dục toàn diện, kéo thấp tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng; quan tâm đến chính sách để thực hiện việc xây các cơ sở hạ tầng phục vụ cho trẻ em vui chơi giải trí...

Phường Phương Nam có địa hình nhiều sông hồ tiềm ẩn nguy cơ tai nạn đuối nước trẻ em. Quán triệt chỉ đạo của đảng ủy phường, các ngành đoàn thể phối hợp thành lập nhóm công tác tuyên truyền phòng, chống tai nạn thương tích, đặc biệt là phòng, chống đuối nước đến tận các gia đình.

Tại Nhà văn hóa khu dân cư Cẩm Hồng, phường Phương Nam có hơn 500 đầu sách dành cho thiếu nhi. Ngoài ra, trẻ em có thể chơi các môn thể thao tại sân nhà văn hóa. Đến nay, phường Phương Nam đã có 13/14 khu dân cư có nhà văn hóa, sân chơi cho trẻ em. Các nhà văn hóa trở thành điểm vui chơi an toàn lành mạnh cho trẻ em trong khu dân cư những ngày cuối tuần.

Không chỉ ở Quảng Ninh, Tỉnh đoàn An Giang đã đề ra kế hoạch tập trung thực hiện nhiều công trình, phần việc như: cất mới 18 căn nhà, trang bị 12 công trình phục vụ nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, học tập cho thiếu nhi. Bên cạnh đó, trao 600 suất học bổng cho thanh, thiếu nhi; phổ cập bơi cho 1.500 thanh, thiếu nhi; trao tặng 2 bể bơi di động; tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực ngoại ngữ cho 6.000 thanh, thiếu nhi...

Bí thư Tỉnh đoàn An Giang Phan Duy Bằng cho biết, các hoạt động được triển khai từ ngày 31/5 đến 15/8 với 1 chương trình và 4 chiến dịch tình nguyện thực hiện đồng loạt, xuyên suốt mùa hè, đẩy mạnh công tác chăm lo và tổ chức các hoạt động học tập, vui chơi, giải trí cho thanh, thiếu nhi trong mùa hè; tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các em.

Những năm qua, Hòa Bình được Trung ương đánh giá là địa phương có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, tiêu biểu về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em như: Diễn đàn trẻ em các cấp được tổ chức hằng năm; đối thoại giữa các cấp lãnh đạo với trẻ em; mô hình ký cam kết bảo vệ trẻ em tại gia đình và cộng đồng; mô hình cải thiện an sinh cho trẻ... Tháng hành động vì trẻ em năm 2024, Hòa Bình triển khai với phương châm, mọi trẻ em đều có quyền được sống, phát triển trong môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện và được bảo vệ, không phân biệt đối xử, mọi lợi ích tốt nhất cho trẻ em phải đặt lên hàng đầu...

Ưu tiên nguồn lực cho trẻ em

Nhiều năm qua, công tác trẻ em luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo của Đảng, Nhà nước. Ngày 25/12/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 28-CT/TW về việc tăng cường công tác chăm sóc giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Tháng hành động vì trẻ em năm nay ưu tiên nguồn lực cho trẻ em để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách nhà nước để thực hiện chính sách đối với trẻ em; bảo đảm quyền trẻ em phải là trung tâm của chính sách, chiến lược phát triển đất nước. Toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; tăng cường chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; tiếp nhận thông tin mọi lúc, bảo vệ trẻ em mọi nơi; phòng ngừa, chấm dứt lao động trẻ em; chăm sóc sức khỏe tâm thần để trẻ em phát triển toàn diện...

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các bộ, ngành tích cực đề xuất các văn bản liên quan đến trẻ em tới Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền để hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách về trẻ em. Đến thời điểm hiện tại, các văn bản này đã khá đầy đủ và toàn diện. Tuy nhiên, để thực hiện các chính sách và chỉ đạo của Đảng cũng như pháp luật về trẻ em, hai yếu tố quan trọng là nguồn kinh phí và nhân lực.

Theo các chuyên gia, cần có nguồn kinh phí đủ để thực hiện quyền lợi của trẻ em, cũng như cần có đủ nhân lực để triển khai các chính sách, luật pháp liên quan đến cuộc sống của trẻ em. Bên cạnh nguồn kinh phí từ ngân sách trung ương và địa phương cho công tác trẻ em, cần tăng cường nguồn kinh phí xã hội hóa.

Bên cạnh đó, nhân lực cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thực hiện chính sách, luật pháp về trẻ em. Các cán bộ phải được đào tạo và có kiến thức vững về các chính sách, quy định liên quan đến trẻ em.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã cụ thể hóa các chỉ đạo của Bộ Chính trị vào Chủ đề Tháng hành động vì trẻ em năm 2024, nhấn mạnh vào việc ưu tiên nguồn lực và nhân lực để thực hiện các hoạt động hữu ích cho trẻ em.

Những kỹ năng liên quan đến bảo vệ trẻ em, từ phòng, chống xâm hại đến phòng ngừa tai nạn, đều đòi hỏi sự hợp tác từ trẻ em, gia đình và cộng đồng xung quanh. Bên cạnh đó, cần tăng cường các cơ sở vật chất cho trẻ em, cũng như tạo điều kiện thuận lợi hơn cho lực lượng cán bộ làm công tác trẻ em tại cơ sở. Điều này bao gồm việc nâng cao năng lực của cán bộ thông qua các khóa đào tạo để có thể áp dụng hiệu quả các quy định pháp luật và chính sách vào thực tế.

Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em nhấn mạnh: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đặt mục tiêu cao trong việc thúc đẩy sự tham gia của toàn xã hội trong phong trào chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân cần hợp tác một cách chặt chẽ để thực hiện các hoạt động thiết thực, từ các chương trình giáo dục đến việc phối hợp các sự kiện vui chơi, giải trí và dã ngoại cho trẻ em.

Bên cạnh đó, cần nhấn mạnh vai trò quan trọng của gia đình, không chỉ trong việc bảo vệ quyền lợi của trẻ em, còn trong việc tạo ra một môi trường sống lành mạnh và an toàn cho sự phát triển. Qua đó, mục tiêu của Bộ là tạo ra một xã hội nơi mọi người cùng chia sẻ trách nhiệm, tạo điều kiện cho mỗi đứa trẻ có một tuổi thơ đầy đủ và hạnh phúc - bà Nguyễn Thị Nga chia sẻ.

Hạnh Quyên (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/bao-ve-tre-em-bang-nhung-hanh-dong-thiet-thuc-20240531170542528.htm