Bão Wipha sẽ tiếp tục mạnh lên khi vào Biển Đông

Dự báo sáng ngày mai, cơn bão Wipha vào Biển Đông, dự báo hướng di chuyển, vùng tác động có hình dáng của Yagi.

Chiều 18-7, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức cuộc họp triển khai công tác ứng phó với cơn bão Wipha. Cuộc họp do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chủ trì.

Dự báo về bão Wipha đến thời điểm hiện tại, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết cơn bão đang có xu thế mạnh lên. Dự báo sáng ngày mai, 19-7, bão sẽ di chuyển vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 3.

“Sau khi vào Biển Đông, các điều kiện khí quyển và đại dương tương đối thuận lợi để cơn bão này mạnh thêm, xác suất 90%” - ông Khiêm cho biết.

 Dự báo về diễn biến của cơn bão Wipha. Ảnh: VNDMS

Dự báo về diễn biến của cơn bão Wipha. Ảnh: VNDMS

Theo Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong khi dự báo về khả năng mạnh lên là khá chắc chắn, các mô hình lại không thống nhất về điểm đổ bộ chính xác của bão, với độ tin cậy chỉ ở mức "trung bình".

Sự chênh lệch trong các dự báo của các mô hình lên tới hơn 100km, đây là sự chênh lệch đáng kể vì có thể thay đổi hoàn toàn tác động của gió và mưa đối với các vùng ven biển Bắc Bộ.

Về cường độ, theo ông Khiêm, khi di chuyển vào sát phía đông của khu vực phía đông đảo Lôi Châu (Trung Quốc), cường độ bão có thể đạt cấp 12, giật cấp 15.

“Với tốc độ di chuyển tương đối nhanh như hiện nay, bão có khả năng tác động vào đất liền ở mức cao. Chúng tôi nhận định tối ngày 21-7 có khả năng bão tác động đến đất liền nước ta, với cường độ cấp 9-10, vùng ảnh hưởng từ Quảng Ninh đến Nghệ An” - ông Khiêm cho biết.

 Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, dự báo về cơn bão Wipha.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, dự báo về cơn bão Wipha.

Dự báo, từ 21-7 đến 24-7 có thể xảy ra một đợt mưa to đến rất to trên khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, có thể kéo vào đến tận khu vực Nghệ An và Bắc Hà Tĩnh. Tuy nhiên, phân bố mưa và lượng mưa tùy thuộc vào hướng đi của cơn bão này.

Dự báo lượng mưa ban đầu khoảng từ 200 đến 300 mm, có nơi có thể đến 500 mm. Trường hợp bão lệch hơn lên phía bắc, đi dọc đất liền ven biển Quảng Tây (Trung Quốc) thì những tác động về mưa, gió sẽ giảm.

“Đây chỉ là dự báo xa, khi bão vào Biển Đông, các nhận định về gió, mưa… sẽ cụ thể hơn” - ông Khiêm nói.

Đáng chú ý, ông Khiêm cho biết dự báo sau khi bão Wipha vào đất liền, phía sau nó lại hình thành một cơn khác. Cơn này đang có xu thế dịch chuyển lên phía Bắc, nhưng trên hệ thống này có khả năng tạo thành một rãnh thấp ngoặc từ phía đông Philippines kéo sang vịnh Bắc Bộ, gây ra mưa kéo dài đến ngày 24, 25-7.

“Đường đi, tác động của cơn bão Wipha này có hình dáng của Yagi, cơn bão số 3 năm ngoái, nên cần hết sức lưu ý, có phương án phòng chống với bão mạnh khi đổ bộ ở cấp 10-11, giật cấp 14, 15” - ông Khiêm nhấn mạnh.

AN HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/bao-wipha-se-tiep-tuc-manh-len-khi-vao-bien-dong-post861081.html