Bất cập trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Kê khai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ), quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là xác lập mối quan hệ pháp lý về quyền sử dụng đất đai giữa Nhà nước và người sử dụng đất, đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của người sử dụng đất, giúp họ yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định đời sống, phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành vẫn còn một số quy định chưa phù hợp với tình hình thực tế, khiến việc cấp giấy CNQSDĐ ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh còn chậm so với kế hoạch đề ra.

Những cái vướng

Thực hiện Quyết định số 08/2017/QĐ-UBND ngày 9-2-2017 của UBND tỉnh Bình Phước về chính sách đối với quỹ đất nông nghiệp tách ra khỏi lâm phần theo quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức nhiều cuộc họp, giải quyết cơ bản những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của cấp huyện. Theo đó, tổng diện tích đất nông nghiệp tách ra khỏi 3 loại rừng giao về địa phương quản lý là 122.647,7 ha. Tính đến ngày 30-6-2022, trên địa bàn tỉnh đã cấp giấy CNQSDĐ cho 96.402,35 ha, chiếm 78,6% tổng diện tích cần cấp. Diện tích còn lại chưa cấp giấy CNQSDĐ là 26.245,3 ha, gồm các trường hợp: Một số xã chưa đo đạc bản đồ địa chính do nhiều người sử dụng đất chờ Nhà nước hỗ trợ theo dự án đo đạc chính quy để không phải trả phí đo đạc nên họ không liên hệ đăng ký cấp giấy CNQSDĐ. Người sử dụng đất thuộc đối tượng thuê đất không đến cơ quan có thẩm quyền để thực hiện đăng ký cấp giấy CNQSDĐ. Nhiều thửa đất chủ sử dụng đất cư trú ở ngoài địa phương dẫn đến khó khăn trong việc liên hệ để tuyên truyền, vận động đăng ký cấp giấy CNQSDĐ. Và, các trường hợp có tranh chấp đất đai. Ngoài ra, một số trường hợp chưa cấp được giấy CNQSDĐ là do quy định của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn còn nhiều bất cập.

Theo quy định, anh Lê Văn Chính chỉ được cho thuê đất

Theo quy định, anh Lê Văn Chính chỉ được cho thuê đất

Vợ chồng anh Lê Văn Chính là giáo viên Trường tiểu học Bom Bo, huyện Bù Đăng. Mỗi tháng thu nhập của vợ chồng anh chỉ hơn 10 triệu đồng. Với đồng lương ít ỏi, gia đình anh phải tiết kiệm chi tiêu mới đủ trang trải chi phí sinh hoạt và lo cho các con ăn học. Năm 2007, anh Chính mua 1 ha đất trồng điều. Mỗi năm, vườn điều cho thu nhập từ 20-30 triệu đồng, có thêm một khoản sinh hoạt phí cho gia đình. Anh Chính đã nhiều lần làm hồ sơ nhưng đến nay vẫn chưa được cấp giấy CNQSDĐ. Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, Nhà nước chỉ giao đất không thu tiền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Vấn đề hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được quy định tại Điều 3, Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT ngày 29-9-2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 6-1-2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai và sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Các căn cứ để xác định cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, điểm b khoản 2 Điều 3 quy định: “Không thuộc đối tượng được hưởng lương thường xuyên; đối tượng đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp xã hội…”. Căn cứ xác định hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp tại điểm b khoản 3 Điều 3 quy định: “Có ít nhất một thành viên của hộ gia đình không thuộc đối tượng được hưởng lương thường xuyên; đối tượng đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp xã hội…”. Vì vợ chồng anh Chính là viên chức, hưởng lương thường xuyên từ ngân sách nên không được giao đất, mà phải thuê đất. Quy định này đã gây khó khăn trong việc cấp giấy CNQSDĐ lần đầu đối với nhiều thửa đất trên địa bàn xã. Anh Chính cho biết: “Căn cứ theo luật thì viên chức như chúng tôi sẽ không được giao đất sản xuất nông nghiệp mà chỉ được cấp sổ theo hình thức thuê đất. Tôi thấy quy định này rất bất cập, quá thiệt thòi cho gia đình!”.

Bên cạnh đó, việc cấp giấy chứng nhận cho các trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với thửa đất không có giấy CNQSDĐ sau ngày 1-1-2008 cũng còn vướng mắc. Theo quy định tại Điều 82, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai năm 2013 và khoản 54 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 82 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP: Trường hợp nhận chuyển nhượng, nhận tặng, cho quyền sử dụng đất sau ngày 1-1-2008 mà không có các giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai và Điều 18 của nghị định này, thì người chuyển nhượng trước đây phải làm hồ sơ cấp giấy CNQSDĐ lần đầu. Sau đó, các bên mới thực hiện chuyển nhượng, tặng, cho. Trên thực tế, rất khó để tìm ra người chuyển nhượng đất ban đầu, bởi họ không còn cư trú ở địa phương hoặc đã chết. Cụ thể, tại xã Bom Bo, huyện Bù Đăng có khoảng 500 trường hợp đăng ký trên hồ sơ địa chính theo nguồn gốc nhận chuyển nhượng, tặng, cho sau ngày 1-1-2008, nhưng chưa được cấp giấy CNQSDĐ do không tìm được người chuyển nhượng ban đầu.

Cần hoàn thiện chính sách về đất đai

Đối với trường hợp người đang sử dụng đất do nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ ngày 1-1-2008 trở về sau mà người chuyển nhượng không có giấy chứng nhận hoặc không có giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số 3200/UBND-KT ngày 23-9-2021 và được Tổng cục Quản lý đất đai trả lời tại Công văn số 2594/TCQLĐĐ-CĐKĐĐ ngày 9-11-2021 về việc đăng ký, cấp giấy CNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất. Theo đó, những trường hợp hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất do nhận chuyển nhượng từ ngày 1-1-2008 đến 1-7-2014 mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 100, Luật Đất đai và Điều 18, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP thì chưa đủ cơ sở để giải quyết cấp giấy CNQSDĐ.

“Tiêu chí để xác định hộ gia đình, cá nhân trực tiếp và không trực tiếp sản xuất nông nghiệp là có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp, tiêu chí này không cụ thể, rõ ràng rất khó xác định. Nghị định số 01/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định UBND cấp xã xác nhận nguồn thu nhập ổn định của hộ gia đình, cá nhân. Tuy nhiên, khi áp dụng trên thực tế rất dễ xảy ra tiêu cực, vì việc xác nhận trực tiếp hay không trực tiếp sản xuất nông nghiệp liên quan đến giao đất không thu tiền hay cho thuê đất, mà giá trị quyền sử dụng đất và quyền của người sử dụng đất giữa 2 hình thức sử dụng đất này chênh lệch rất lớn. Để tạo sự công bằng giữa người sử dụng đất, sở đã đề xuất bãi bỏ quy định tại khoản 34 Điều 3, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), chỉ quy định chung là hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp thì được giao đất không thu tiền sử dụng đất, trong quá trình sử dụng đất thì thu thuế sử dụng đất”.

Ông DIỆP TRƯỜNG VŨ, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường

Để thực hiện tốt công tác giao đất, cho thuê đất đối với diện tích đất nông nghiệp tách ra khỏi 3 loại rừng giao về địa phương quản lý còn lại (26.245,3 ha), thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất một số giải pháp, như: Tập trung hoàn thành đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận ở các địa bàn chưa được đo đạc chính quy; tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động người dân đến đăng ký đất đai và cấp giấy CNQSDĐ. Đồng thời xử lý vi phạm đối với trường hợp người sử dụng đất thuộc đối tượng thuê đất không chấp hành đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận. Riêng đối với những trường hợp còn vướng mắc theo quy định, sở cũng cho biết, phải chờ đến khi Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành sửa đổi.

Thùy Linh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/137300/bat-cap-trong-cap-giay-chung-nhan-quyen-su-dung-dat