Bắt đầu đợt họp tập trung kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV

Sáng 8/11, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XV bắt đầu đợt 2 - đợt họp tập trung tại Nhà Quốc hội.

Quang cảnh một phiên họp Quốc hội. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Quang cảnh một phiên họp Quốc hội. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Trong ngày, Quốc hội tiến hành thảo luận toàn thể hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022; báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV. Phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp để đông đảo cử tri, Nhân dân theo dõi.

Dự phiên họp có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, đại diện lãnh đạo các cơ quan, tổ chức hữu quan. Riêng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh tham gia họp trực tuyến để bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch bệnh COVID-19. Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh và các vị đại biểu Quốc hội tỉnh tham dự kỳ họp

Phát biểu mở đầu phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết: Đợt họp thứ 2 của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV có nhiều nội dung quan trọng như thảo luận kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và công tác phòng, chống dịch COVID-19. Quốc hội cũng sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn, biểu quyết thông qua một số luật và nghị quyết kỳ họp.

Để tiếp nối kết quả của đợt họp trực tuyến và các phiên thảo luận tổ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận các nội dung đã nêu trong các tờ trình, báo cáo thẩm tra, trong đó tập trung vào việc đánh giá thực trạng tình hình, kết quả đã đạt được, những hạn chế tồn tại yếu kém, chỉ rõ nguyên nhân, đặc biệt là hiến kế thực hiện mục tiêu thích ứng linh hoạt, kiểm soát an toàn, hiệu quả dịch COVID-19, bảo vệ sức khỏe tính mạng của Nhân dân, những tình huống và giải pháp để giảm thiểu thiệt hại, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng và các Nghị quyết của Quốc hội.

Theo chương trình, trong hai ngày làm việc (ngày 8 -9/11), Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV.

Đồng thời, thảo luận tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm (2022-2024).

Với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, các vị đại biểu Quốc hội đã sôi nổi thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ vào các dự thảo báo cáo. Qua thảo luận, các đại biểu đánh giá cao những nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện chủ trương, nghị quyết của Trung ương nhằm kiểm soát dịch bệnh, ngăn chặn đà suy giảm kinh tế, đảm bảo an toàn sức khỏe tính mạng Nhân dân.

Các đại biểu cho rằng cuộc chiến với đại dịch là một hành trình đầy thách thức, khắc nghiệt và khó lường, đòi hỏi phải quyết liệt trong từng hành động, sự cầu thị và quả cảm trong thay đổi nhận thức, tư duy.

Để phục hồi và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới, nhiều đại biểu đề xuất các giải pháp: Cần có phương án hỗ trợ người lao động quay lại nơi làm việc; quan tâm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển tam nông. Tập trung nguồn lực đầu tư cho ngành y tế, tăng cường năng lực của hệ thống y tế cơ sở; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine trong nước để chủ động nguồn cung và tự chủ vaccine; có chính sách hỗ trợ, động viên lực lượng tuyến đầu trong phòng, chống dịch…

Nhấn mạnh kết quả đất nước đã cơ bản kiểm soát đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4, một số đại biểu đề xuất một số giải pháp liên quan đến phục hồi ngành du lịch trong giai đoạn bình thường mới như: Nâng cao năng lực phát triển bền vững cho các doanh nghiệp du lịch; đẩy mạnh liên kết vùng trong du lịch; chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch; ban hành chính sách và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho khách du lịch tại các điểm đến để tạo sự tin tưởng cho du khách…

Các đại biểu cũng đề xuất nhiều giải pháp giúp doanh nghiệp vực dậy và trở thành động lực cho phát triển kinh tế như: cần khẩn trương, quyết liệt giải ngân gói hỗ trợ cho doanh nghiệp đã ban hành trong thời gian qua đồng thời nhanh chóng ban hành các gói hỗ trợ tiếp theo. Tập trung phát triển, mở rộng thị trường.

Về các giải pháp phát triển giáo dục, một số đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn dạy học trực tuyến; đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với tình hình mới; xây dựng hệ thống học liệu điện tử, bài giảng điện tử; xây dựng hệ thống kiểm tra, đánh giá phù hợp bảo đảm chất lượng, chính xác, khách quan, công bằng; thống nhất phòng chống dịch bệnh COVID-19 trong giáo dục, triển khai tiêm chủng vaccine cho học sinh...

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để phát huy tính năng động, sáng tạo của cán bộ.

Mai Lan

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/bat-dau-dot-hop-tap-trung-ky-hop-thu-hai-quoc-hoi-khoa-xv/d20211108095013832.htm